Khoai lang ở Vĩnh Long rớt giá
Liên tục những ngày qua, nông dân trồng khoai lang ở 'Vương quốc khoai lang' ở Vĩnh Long khốn khổ vì giá khoai tụt thê thảm, thậm chí tới thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.
Liên tục những ngày qua, nông dân trồng khoai lang ở “Vương quốc khoai lang” ở Vĩnh Long khốn khổ vì giá khoai tụt thê thảm, thậm chí tới thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến mua.
Đệ nhất khoai lang
Hiện nay, các thương lái thu mua tại ruộng chỉ có 500 đồng/kg. Với giá này, trồng mỗi công khoai, nông dân phải chịu lỗ từ 15 đến 20 triệu đồng. Trước tình trạng trên, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) buộc phải gửi thư ngỏ đến công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, gánh bớt phần nào công sức của bà con.
Góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trên địa bàn, tỉnh Vĩnh Long đã xác định cây khoai lang là một trong ba cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong đó, huyện Bình Tân tỉnh là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn chiếm gần 2/3 tổng diện tích của cả khu vực đồng bằng sông Cửu Long, diện tích canh tác khoai lang hằng năm khoảng 13.000 ha, sản lượng ước đạt hơn 39.000 tấn. Các giống khoai được trồng chủ yếu như: Tím Nhật, trắng giấy, trắng sữa, bí đường…
Nhằm tìm đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu khoai lang dồi dào của tỉnh. Thời gian qua, huyện Bình Tân cũng đã tập trung phục tráng giống khoai lang tím Nhật trên 16 ha, thực hiện đề tài xây dựng mạng lưới nhân giống khoai lang tím Nhật 20 ha, thực hiện tiêu chuẩn về IPM khoai lang 0,5ha. Các sản phẩm từ dự án, mô hình luôn đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và năng suất luôn cao hơn bên ngoài mô hình do giảm lượng phân bón, giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, chăm sóc và có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn loại một.
Trong năm 2020, huyện Bình Tân (tỉnh Vĩnh Long) được Trung tâm Chất lượng nông - lâm - thủy sản Vùng 6 cấp giấy chứng nhận VietGAP cho 50 ha khoai lang thuộc hai tổ hợp tác sản xuất, với 47 hộ tham gia. Như vậy, đến nay, toàn huyện Bình Tân có 100 ha khoai lang được chứng nhận VietGAP, trong đó, có 50ha ở xã Thành Trung, 19,2 ha ở xã Tân Lược và 30,8 ha ở xã Tân Thành…
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, giá cả khoai lang lang thường xuyên bấp bênh do ảnh hưởng của thị trường Trung Quốc và tình hình dịch Covid-19 kéo dài. Nhiều nông dân lâm vào cảnh khó khăn.
Mùa “khoai đắng”
Vào những ngày này, có đến tận ruộng khoai lang của nông dân Bình Tân mới thấy được nỗi xót xa. Những rộng khoai đã quá lứa nhưng không thể thu hoạch vì giá quá thấp, càng thu hoạch càng lỗ nhiều hơn. Có người cũng rơi nước mắt vì một vụ mùa khoai đắng.
Ông Nguyễn Văn Ngà (tổ 10, ấp Tân Mỹ, xã Tân Thành, huyện Bình Tân), than: “Gia đình tôi có bốn công đất (4.000 m2) nhà và thuê thêm hai công đất kế bên để trồng khoai lang nuôi sống gia đình hằng năm. Tuy mỗi năm giá có giảm nhưng chưa bao giờ thê thảm như lúc này. Năm trước có tụt giá cũng hơn 200.000 đến 300.000 đồng/tạ thì còn còn thu lại phần nào vốn. Năm nay, với sáu công đất trồng khoai của gia trình coi như mất trắng gần 100 triệu đồng. Đầu vụ này, gia đình tôi phải vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng, bây giờ lỗ cũng chưa biết sẽ ra sao”.
Chị Nguyễn Thị Tuyết Trinh (ngụ ấp Tân Phú, xã Tân Thành, huyện Bình Tân), thê thảm hơn: “Vụ này, gia đình chúng tôi trồng 26 công khoai lang. Hiện, đã thu hoạch 10 công bán với giá 40.000 đồng/tạ. Hiện còn 16 công chưa có thương lái nào đến mua, trong khi đó khoai đã quá lứa. Với giá cả ngày càng sụt giảm và thậm chí không có thương lái nào đến mua, xong vụ này chắc gia đình tôi phải bỏ xứ. Kính mong các cấp chính quyền và doanh nghiệp sớm hỗ trợ chúng tôi số lượng khoai lang đang tồn động này”.
Ông Nguyễn Văn Năm (thương lái huyện Bình Tân), chia sẻ: “Trước đây, mỗi ngày vựa khoai của tôi thu mua mỗi ngày từ 30 đến 40 tấn khoai. Vụ này, tôi mua giảm rất nhiều chỉ khoảng 20%. Do vựa tôi không có kho dự trữ nên không dám mua nhiều, chỉ phục vụ nhu cầu nội địa. Nơi nào đặt hàng thì chúng tôi mới dám mua của nông dân. Đây là tình hình chung của năm nay, cả người dân và thương lái đều thất thu, đành phải chấp nhận”.
Theo người dân nơi đây, tình hình giá giảm và thậm chí không có thương lái đến mua là thực trạng đang diễn ra ở cả "thủ phủ" khoai lang huyện Bình Tân. Do giá thấp, bán không được, buộc nông dân phải thuê máy cày, máy xới làm đất lại, chẳng những bỏ vốn mà còn tốn thêm tiền làm đất, khổ trăm bề.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND xã Tân Thành chia sẻ: “Toàn xã có 1.300 ha diện tích trồng khoai lang. Hiện, bà con nông dân xuống giống khoảng 600 ha. Có khoảng 300 ha khoai đã tới và quá lứa thu hoạch (năm tháng thu hoạch). Vụ này năng suất bình quân khoảng 50 tạ/công. Những năm trước giá có giảm nhưng vẫn có nhiều thương lái đến mua. Năm nay giá hiện tại chỉ khoảng 30.000 đồng/tạ, tương đương 500 đồng/kg, với giá này bà con sẽ lỗ từ 15 đến 20 triệu đồng/công đất, không đủ chi phí tiền thu hoạch. Chỉ tính riêng xã Tân Thành thì mùa vụ khoai năm nay nông dân thất thu mất trắng khoảng 1.500 tỷ đồng. Nếu không có sự chung tay tiêu thụ, người dân sẽ lâm vào cảnh nợ nần”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân, diện tích khoai lang xuống bình quân hằng năm khoảng 12.500 ha. Từ đầu năm đến nay, diện tích xuống giống 7.052 ha, ít hơn cùng kỳ khoảng 2.000 ha, đã thu hoạch được 2.922 ha. Hiện, vẫn còn trên đồng là 4.130 ha. Trong đó, khoai lang hè thu là 3.276 ha và khoai lang vụ đông xuân khoảng 850 ha tới thời điểm thu hoạch.
Đồng chí Phan Thị Phượng, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Tân cho biết: “Giá khoai lang tím Nhật từ đầu năm đến nay liên tục biến động, có thời điểm giảm rất thấp. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng từ thị trường xuất khẩu gặp khó khăn thì còn do của tình hình dịch Covid-19 đã làm giá khoai lang Tím Nhật giảm như hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của người trồng khoai trên địa bàn huyện. Với giá như hiện nay 40.000 đồng/tạ thì thu hoạch một công khoai chỉ đủ trả tiền nhân công thuê mướn để thu hoạch một công khoai lang… Để góp phần chia sẻ với khó khăn của người trồng khoai lang hiện nay. Trước mắt là diện tích khoai lang còn trên đồng đã đến thời gian thu hoạch. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp đoàn thể và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ tiêu thu khoai lang. Ngoài ra, trong điều kiện tình hình dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, khuyến cáo bà con nông dân nên luân canh với nhiều loại cây trồng khác nhau, trồng rải giống, rải vụ để giảm rủi ro trong sản xuất”.
Nhiều nông dân trăn trở, trước tình hình chung, rất mong sự chung tay vào cuộc để giải cứu khoai lang, nhưng giải cứu như thế nào và hình thức giải cứu ra sao để có lợi cho người dân mới là thiết thực.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/chuyen-lam-an/khoai-lang-o-vinh-long-rot-gia-647981/