Khoản bồi thường 'khổng lồ' sau những vụ tai nạn máy bay

Ngoài chi phí 'khổng lồ' để sửa chữa hoặc thay thế máy bay hư hại, các công ty bảo hiểm còn phải trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ USD bồi thường sau các vụ tai nạn hàng không.

 5 công ty bảo hiểm Hàn Quốc phải bồi thường trong vụ tai nạn của Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng. Ảnh: Yonhap.

5 công ty bảo hiểm Hàn Quốc phải bồi thường trong vụ tai nạn của Jeju Air khiến 179 người thiệt mạng. Ảnh: Yonhap.

Sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc của hãng hàng không Jeju Air vào ngày 29/12, khiến 179 trong tổng số 181 hành khách thiệt mạng, giới chức Hàn Quốc ước tính tổng số tiền bồi thường có thể lên đến 1.525 tỷ won (1,03 tỷ USD).

Cụ thể, hạn mức bồi thường trách nhiệm sản phẩm là 1.472 tỷ won (tương đương 1 tỷ USD), trong khi thiệt hại đối với máy bay được định giá 53,7 tỷ won (36,5 triệu USD), theo thông tin từ Maeil Business Korea News.

Những số liệu trên có thể đưa vụ tai nạn máy bay của Jeju Air vào nhóm những vụ tai nạn có mức bồi thường bảo hiểm cao nhất từ trước đến nay.

Nhiều công ty bảo hiểm trên thế giới cũng phải "gánh" khoản bồi thường lên đến hàng trăm triệu USD, cùng hàng loạt phiên kiện tụng phức tạp với gia đình nạn nhân sau những sự cố hàng không tương tự.

Quy trình bồi thường phức tạp

Sáng 25/12, chiếc máy bay Embraer 190 của Azerbaijan Airlines trong hành trình từ Baku đến Grozny (Nga) đã gặp nạn gần thành phố Aktau ở miền Tây Kazakhstan.

Trên máy bay có 62 hành khách và 5 thành viên phi hành đoàn. Giới chức Azerbaijan xác nhận 38 người đã thiệt mạng trong vụ việc.

Theo thông báo từ hãng hàng không, hành khách bị thương sẽ nhận được 20.000 manat Azerbaijan (tương đương 11.800 USD) bồi thường. Đối với gia đình của những hành khách tử vong trong vụ tai nạn, mức bồi thường sẽ cao gấp đôi, tức 40.000 manat Azerbaijan (23.600 USD).

Đây là các khoản bồi thường ban đầu được công ty hàng không cung cấp, song số tiền này có thể thay đổi sau khi có thêm các cuộc điều tra và thẩm định chính thức.

 Hiện trường vụ tai nạn máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines vào ngày 25/12. Ảnh: Reuters.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay chở khách của hãng hàng không Azerbaijan Airlines vào ngày 25/12. Ảnh: Reuters.

Azerbaijan Airlines đã cam kết bồi thường theo các quy định của pháp luật quốc gia, nhưng việc bồi thường cũng phải tuân theo các quy tắc quốc tế về bảo hiểm hàng không, đặc biệt là Công ước Montreal 1999. Công ước này quy định rằng các hãng hàng không phải chịu trách nhiệm đối với các tai nạn xảy ra trên chuyến bay quốc tế, bao gồm cả các sự cố do sự cố kỹ thuật hoặc tác động từ bên ngoài, bao gồm bị tấn công hoặc tai nạn do tên lửa.

Theo đó, hành khách và gia đình nạn nhân có thể yêu cầu bồi thường từ bảo hiểm của hãng hàng không, đồng thời có quyền yêu cầu các khoản bồi thường cao hơn nếu chứng minh được trách nhiệm của bên thứ 3. Điều này có thể khiến các quy trình bồi thường trở nên phức tạp, khi có sự kết hợp của nhiều bên bảo hiểm và pháp lý quốc tế.

Trước đó, vào ngày 20/5, ít nhất một hành khách đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương sau khi chuyến bay mang số hiệu SQ321 của Singapore Airlines khởi hành từ London (Anh) đến Singapore gặp phải tình trạng nhiễu động mạnh và buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống Bangkok (Thái Lan).

Allianz là công ty bảo hiểm chính của máy bay. Hãng đã đề nghị bồi thường 10.000 USD cho hành khách bị thương nhẹ, trong khi những người bị thương nghiêm trọng sẽ nhận khoản tạm ứng 25.000 USD để giải quyết nhu cầu y tế ngay lập tức. Khoản này sẽ được trừ vào tổng số tiền bồi thường cuối cùng, tờ The Guardian dẫn tin.

Nếu hành khách khởi kiện, hãng hàng không sẽ phải đối mặt với khoản đền bù lên đến 175.000 USD. Tuy nhiên, nếu số tiền yêu cầu vượt quá mức này, Singapore Airlines có thể cố gắng giảm trách nhiệm bằng cách chứng minh rằng hãng đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để tránh nhiễu động.

Khoản bồi thường "khổng lồ"

Trong lịch sử hàng không, sự biến mất của chiếc máy bay MH370 của Malaysia Airlines, chở theo 239 hành khách và phi hành đoàn vẫn chưa được giải đáp. Sự cố đã đè lên vai Allianz - công ty bảo hiểm chính của Malaysia Airlines - các khoản bồi thường "khổng lồ".

Allianz đã thông báo tổng số tiền bồi thường cho chiếc máy bay và 239 hành khách trong vụ việc lên tới 100 triệu USD. Tuy nhiên, công ty từ chối tiết lộ chi tiết về số tiền chính xác của các yêu cầu bảo hiểm và phần nào sẽ được chuyển giao cho các công ty tái bảo hiểm khác trong nhóm.

Về phía gia đình các nạn nhân, họ đã yêu cầu bồi thường với mức đền bù 1,4-11,2 triệu USD mỗi người cho hơn 40 người thân. Theo nguồn tin từ các kênh truyền thông Trung Quốc, hơn 110 hành khách khác đã đạt được thỏa thuận bồi thường với số tiền khoảng 300.000 USD đến 400.000 USD.

Ngoài yêu cầu bồi thường tài chính, nhiều gia đình nạn nhân vẫn tiếp tục kêu gọi mở lại cuộc tìm kiếm và điều tra nguyên nhân mất tích của chuyến bay. Nhiều người cho rằng việc khôi phục cuộc tìm kiếm và cung cấp tư vấn tâm lý cho các gia đình quan trọng hơn việc nhận bồi thường.

 Nhiều thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 kêu gọi tiếp tục mở rộng cuộc tìm kiếm. Ảnh: Reuters.

Nhiều thân nhân của các hành khách trên chuyến bay MH370 kêu gọi tiếp tục mở rộng cuộc tìm kiếm. Ảnh: Reuters.

Tại Hàn Quốc, trước vụ tai nạn thảm khốc của Jeju Air, Asiana Airlines Flight từng có một chuyến bay gặp nạn vào ngày 6/7/2013. Chiếc Boeing 777 của hãng đã lao xuống đường băng tại sân bay San Francisco, khiến 3 người thiệt mạng và hơn 180 người bị thương.

Sự việc gây chấn động dư luận đặc biệt khi mức bồi thường cho hành khách sống sót có sự khác biệt đáng kể dựa trên quốc tịch và loại vé.

Theo luật pháp Mỹ và Công ước Montreal, mỗi hành khách sống sót, dù có bị thương hay không, đều được Asiana Airlines bồi thường ban đầu 10.000 USD.

Đáng chú ý, mức bồi thường cuối cùng có thể cao hơn rất nhiều, phụ thuộc vào mức độ thiệt hại và nơi hành khách khởi kiện. Các chuyên gia pháp lý nhận định, trong trường hợp hành khách khởi kiện tại Mỹ, họ có thể nhận được hàng triệu USD. Song, số tiền này sẽ thấp hơn đáng kể nếu vụ kiện diễn ra ở quốc gia khác do liên quan đến nơi hãng hàng không đặt trụ sở và điểm đến của chuyến bay.

Về phía bảo hiểm, các công ty liên quan dự kiến chi trả 44,5 triệu USD cho hành khách và thành phố San Francisco, cùng 131 triệu USD để thay thế chiếc Boeing 777 bị hư hại.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoan-boi-thuong-khong-lo-sau-nhung-vu-tai-nan-may-bay-post1521471.html