Khoan thư sức dân, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo chu kỳ, những tháng cuối năm 11 và 12 là thời gian chạy nước rút để kết thúc đơn hàng, đón mùa cao điểm lễ tết… nên hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ tấp nập hơn. Nhưng nay, sự lo lắng vẫn đè nặng những người đang chèo lái doanh nghiệp.
Dù cho đến nay các số liệu thống kê cho thấy nhiều điểm tích cực hơn đầu năm, nhưng tình hình vẫn rất khó lường đối với DN. Khó khăn lớn nhất trong năm 2023 là dòng tiền, mất và giảm đơn hàng, tồn kho lớn. Thông thường thời điểm này, nhiều DN đã ký các đơn hàng cho năm sau.
Nhưng hiện giờ trước câu hỏi “bao giờ đơn hàng phục hồi trở lại”, phần lớn câu trả lời là “chưa biết”. Giảm doanh thu do không có đơn hàng, tiếp cận vốn vay khó khăn, dòng tiền thì suy kiệt đang ngày càng hiện hữu trong DN.
Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), gửi tới Chính phủ báo cáo phân tích áp lực dòng tiền của DN, khuyến nghị chính sách cho những tháng cuối năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Báo cáo phân tích sơ bộ báo cáo tài chính của 1.579 DN niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán trong thời gian từ năm 2018. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, doanh thu giảm nghiêm trọng, nhất là 2 ngành bất động sản (BĐS) và xây dựng. Đến hết quý II-2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn cùng kỳ 2022.
Dù đã niêm yết, nhưng DN vẫn có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó khi huy động vốn gặp khó khăn, DN lập tức “đứng hình”. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của DN, nhất là DN xây dựng và BĐS khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.
Ban IV kiến nghị Chính phủ, các chính sách trước mắt cần tập trung hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay và giãn, giảm chi phí. Để cứu mình, nhiều DN đã chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô hoạt động và quy mô lao động. Nhưng với ngân hàng, lãi suất dù đã liên tiếp giảm 4 lần trong năm, nhưng DN không còn gì để thế chấp cho những khoản vay tiếp theo.
Lúc này, rất cần đến vai trò của Quỹ phát triển DNNVV và Quỹ bảo lãnh tín dụng để tăng cường các hình thức tín chấp, hỗ trợ các DNNVV tiếp cận vốn và tham gia thị trường hiệu quả.
Để vốn tín dụng chảy vào nền kinh tế, Ban IV đề nghị thay vì chỉ xem tài sản thế chấp, ngân hàng nên nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của DN để tăng cơ hội cho DN vay vốn; ưu tiên lãi suất thấp hơn cho các DN xuất khẩu, DNNVV. Các ngành có nhiều rủi ro cần chấp nhận lãi suất cao hơn.
Riêng với lĩnh vực BĐS, hệ thống ngân hàng có thể cân nhắc cho phép các DN cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu/ưu tiên (như hạ tầng kỹ thuật và xã hội, khu công nghiệp, văn phòng…) được giãn nợ/giữ nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Song song với đó, chính sách tài khóa phải mạnh hơn nữa, để thúc đẩy tổng cầu với chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Nội lực DN suy yếu, lại phải đối mặt nhiều khó khăn do tổng cầu giảm, nên việc hấp thụ vốn sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính sách tiền tệ đã không còn nhiều dư địa do lãi suất toàn cầu neo ở mức cao, và chênh lệch lãi suất sẽ gây áp lực lên tỷ giá.
Lúc này cần phát huy tác dụng của chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Trong đó tích cực thực hiện việc hoàn thuế. Tiếp tục giãn, giảm thuế và tiền thuê đất để tạo dòng tiền ngắn hạn cho DN, vì đây là thời điểm phải “khoan thư sức dân” và kích cầu tiêu dùng, giảm tồn kho.
Trong ngắn hạn, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, cơ quan không ban hành các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới cho DN. Những quy định có thể làm phát sinh chi phí của DN, cần đánh giá tác động thật thấu đáo và toàn diện trước khi ban hành.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/khoan-thu-suc-dan-ho-tro-doanh-nghiep-post109651.html