Khoảng 217 nghìn tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong năm 2025

Năm 2025 sẽ có 217 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó ngành bất động sản nhà ở khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân hàng 30 nghìn tỷ đồng, xây dựng 10 nghìn tỷ đồng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 30 nghìn tỷ đồng, năng lượng khoảng 7 nghìn tỷ đồng và các ngành khác 50 nghìn tỷ đồng...

VIS Rating vừa công bố báo cáo tổng quan về thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo các chuyên gia, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam năm 2024 đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng năm 2022 - 2023 đánh dấu bằng số trái phiếu chậm trả phát sinh mới giảm mạnh.

Thống kê của VIS Rating cho thấy, có 21 tổ chức phát hành chậm trả lần đầu trong năm 2024, giảm đáng kể so với con số 79 tổ chức phát hành trong năm 2023. Tâm lý thị trường phục hồi thể hiện qua sự tăng lên về tổng giá trị phát hành mới và thanh khoản trên thị trường thứ cấp được cải thiện.

Tổng giá trị phát hành trong năm 2024 đạt 472 nghìn tỷ đồng, tăng gần 40% so với năm 2023. Trong khi đó, 83% số trái phiếu chậm trả có tỷ lệ thu hồi nợ gốc đang ở mức dưới 5% so với tổng giá trị.

 Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024

Tổng quan thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024

Liên quan đến hồ sơ tín nhiệm của tổ chức phát hành, 25% số tổ chức phát hành năm 2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức “dưới trung bình” hoặc yếu hơn, cải thiện so với mức 34% trong năm 2023. Tuy nhiên, một số tổ chức phát hành có các chỉ tiêu thành phần ở mức yếu trong hồ sơ tín nhiệm thấp hơn so với năm trước, ở cả tổ chức phát hành là tổ chức tài chính (FI) và doanh nghiệp phi tài chính.

Tại thị trường thứ cấp, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày tăng lên 6 nghìn tỷ đồng từ mức 2,3 nghìn tỷ đồng của năm trước. Trong đó, 75% giá trị giao dịch trên thị trường thứ cấp đến từ trái phiếu thuộc ngành ngân hàng và bất động sản.

Cũng theo VIS Rating, 72% giá trị lưu hành trên thị trường thuộc nhóm ngân hàng và Bất động sản nhà ở. Trong đó, 526 nghìn tỷ đồng của lĩnh vực ngân hàng, 400 nghìn tỷ đồng bất động sản nhà ở, 62 nghìn tỷ đồng bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, 58 nghìn tỷ đồng lĩnh vực xây dựng, 57 nghìn tỷ đồng lĩnh vực năng lượng, 32 nghìn tỷ đồng tổ chức tài chính khác và 159 nghìn tỷ đồng của lĩnh vực khác.

 Nguồn: VIS Rating

Nguồn: VIS Rating

VIS Rating cho biết, năm 2025 sẽ có 217 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó ngành bất động sản nhà ở khoảng 100 nghìn tỷ đồng, ngân hàng 30 nghìn tỷ đồng, xây dựng 10 nghìn tỷ đồng, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 30 nghìn tỷ đồng, năng lượng khoảng 7 nghìn tỷ đồng và các ngành khác 50 nghìn tỷ đồng.

Phần lớn trái phiếu chậm trả đáo hạn trong năm 2025 không có tài sản đảm bảo, trong đó 82% là bất động sản nhà ở, 8% là du lịch nghỉ dưỡng, 6% là ngành xây dựng…

“Chúng tôi kỳ vọng Luật Chứng khoán sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ tăng tính minh bạch thị trường và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp bền vững hơn trong giai đoạn phát triển mới. Luật mới yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn đối với việc phát hành và đầu tư trái phiếu, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro đầu tư”, các chuyên gia của VIS Rating đưa ra nhận định.

Minh Trâm

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/khoang-217-nghin-ty-dong-trai-phieu-se-dao-han-trong-nam-2025-post558008.html