'Mở đường' cho doanh nghiệp tham gia phát triển đường sắt

Thường trực Chính phủ yêu cầu phải đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp tham gia quản lý, đầu tư phát triển đường sắt, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về dự án xây dựng Luật Đường sắt (sửa đổi).

Theo đó, Thường trực Chính phủ hoan nghênh và đánh giá cao Bộ GTVT đã chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan tổng kết đánh giá thực tiễn, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng dự án Luật Đường sắt sửa đổi bảo đảm tiến độ, chất lượng trong điều kiện phải triển khai nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia.

Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các Thành viên Chính phủ, ý kiến tham gia góp ý bằng văn bản của các Bộ, cơ quan, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi để báo cáo Chính phủ, trong đó lưu ý:

Luật sửa đổi cần được rà soát, thể chế hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương, định hướng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, kết luận chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về phát triển giao thông vận tải đường sắt, công nghiệp đường sắt tại Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Luật Đường sắt (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành đường sắt trong hiện tại và tương lai.

Luật Đường sắt (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành đường sắt trong hiện tại và tương lai.

Dự thảo Luật sửa đổi cần quy định theo hướng Luật khung, mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính ổn định, có giá trị lâu dài, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, các nội dung mang tính kỹ thuật, cụ thể thì giao Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ, ngành quy định chi tiết để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong quá trình thi hành.

Rà soát, đánh giá kỹ đối với nội dung phân loại "đường sắt địa phương" trong dự thảo Luật cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận lợi trong quá trình tổ chức đầu tư, quản lý vận hành các dự án đường sắt; việc phân loại phải dựa trên nguyên tắc toàn bộ hệ thống đường sắt do trung ương hoặc địa phương đầu tư đều là công trình quốc gia.

Nghiên cứu để luật hóa các cơ chế chính sách đã "chín", đã "rõ", các cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt đã trình Quốc hội; đặc biệt là các cơ chế chính sách về chuyển giao công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt để từng bước làm chủ được công nghệ, hình thành nền công nghiệp đường sắt phát triển. Nghiên cứu bổ sung các quy định riêng biệt cần thiết để phát triển đường sắt theo nguyên tắc ưu tiên áp dụng và sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan ngay tại Luật này.

Tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển ngành đường sắt trong hiện tại và tương lai

Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, nghiên cứu bổ sung các quy định về huy động nguồn lực để đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt thông qua các hình thức hợp đồng theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BT, BOT, BTO,...); huy động nguồn lực của các địa phương nơi có dự án đi qua, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng các nhà ga...

Đa dạng hóa các loại hình doanh nghiệp tham gia quản lý, đầu tư phát triển đường sắt (bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) theo các mô hình "Lãnh đạo công - quản trị tư", "Đầu tư công - quản lý tư", "Đầu tư tư - sử dụng công" nhằm tái cơ cấu đầu tư, phát huy tối đa sự năng động trong quản trị của khối tư nhân, giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm nợ công, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Tiếp tục rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành, đặc biệt địa phương (tăng quyền tự quyết các địa phương; địa phương phải chủ động xây dựng nhà ga theo phương thức TOD, PPP, BOT, BT…) đi đôi với phân bổ nguồn lực, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tham khảo Luật, kinh nghiệm triển khai của các nước có ngành đường sắt phát triển như Trung Quốc để hoàn thiện Luật sửa đổi, bảo đảm sau khi được ban hành Luật sửa đổi sẽ tạo lập môi trường pháp lý đồng bộ, đột phá, đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành đường sắt trong hiện tại và tương lai.

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/mo-duong-cho-doanh-nghiep-tham-gia-phat-trien-duong-sat-204250225193800069.htm