Khoảng 5.000 MW điện gió tại Lào chực chờ bán về Việt Nam
Tới hết tháng 10/2023, đã có ít nhất 4.149 MW điện gió đầu tư tại Lào chính thức đề xuất bán điện về Việt Nam. Tuy nhiên trong số này chưa có một số dự án điện gió như Monsoon hay Trường Sơn.
Trong công suất 4.149 MW này có thể kể tới cụm nhà máy điện gió Savan 1 và 2 tại tỉnh Savanakhet, có tổng công suất 2 x 495 MW do nhà đầu tư là Công ty Vinacom Invest and Trading triển khai.
Dự án này có kế hoạch đấu nối về trạm biến áp 500/220 kV Hướng Hóa (Quảng Trị).
Trường hợp cụm nhà máy Savan 1 hoàn thành năm 2025 trong khi trạm biến áp 500kV Hướng Hóa chưa đưa vào vận hành thì sẽ thực hiện đấu nối tạm về thanh cái 220 kV của trạm biến áp 220 kV Lao Bảo và sẽ chuyển đấu nối về trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa (sau khi trạm này vào vận hành).
Nhà đầu tư hiện đề nghị được giao đầu tư toàn bộ công trình lưới điện đấu nối cụm nhà máy điện gió Savan vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây 220 kV từ biên giới Lào - Việt Nam về trạm 500 kV Hướng Hóa và các ngăn lộ 220 kV phục vụ đấu nối.
Hiện Dự án điện gió Savan 1 đã ký Hợp đồng phát triển dự án (PDA) với Chính phủ Lào và đã thành lập Công ty dự án tại Lào. Báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) đã được trình lên Bộ Năng lượng vào Mỏ của Lào và dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý vào cuối năm 2023.
Cũng đang đầu tư điện gió sang Lào còn có dự án Điện gió Savannakhet và Salavan (2x756 MW). Trong đó Dự án điện gió Savanakhet do Công ty VI-JA Renewable Energy Development Co., JSC và Dự án điện gió Salavan do Công ty cổ phần Đức Huệ - Long An đầu tư.
Hiện Dự án Salavan đã nộp tiền ký quỹ thực hiện dự án và nộp Pre FS lên Bộ Năng lượng và Mỏ Lào và dự kiến sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý vào cuối năm 2023.
Tại Dự án Điện gió AMI Savanakhet, công suất 187,2 MW do Công ty Ami Renewables đầu tư được thông báo là đã được ký Hợp đồng phát triển dự án (PDA) với Chính phủ Lào.
Dự án này cũng có kế hoạch xây dựng đường dây 220 kV mạch đơn và đấu nối vào thanh cái 220kV trạm 500 kV Hướng Hóa (chiều dài khoảng 40 km). Nhà đầu tư đang đề nghị tự đầu tư toàn bộ công trình lưới điện phục vụ đấu nối cụm nhà máy điện gió Savan vào hệ thống điện Việt Nam, bao gồm cả đường dây từ biên giới Lào - Việt Nam về trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa.
Ở Dự án Điện gió RT Savannakhet V1, quy mô 880 MW và Dự án điện gió Saravane ARL1 có quy mô 380 MW cũng có kế hoạch xây dựng đường dây 500 kV mạch đơn từ trạm biến áp 500 kV RT Savannakhet V1 đến trạm biến áp 500 kV Xebahieng trên lãnh thổ Lào (chiều dài khoảng 30km).
Sau đó tiếp tục xây dựng đường dây 500 kV mạch kép từ trạm biến áp 500 kV Xebahieng đến trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa (chiều dài khoảng 45 km).
Để đáp ứng tiến độ kịp vào vận hành quý IV năm 2025, nhà đầu tư đang đề xuất tự đầu tư xây dựng toàn tuyến đường dây 500 kV từ Xebahieng đến trạm biến áp 500 kV Hướng Hóa, bao gồm cả phần trên lãnh thổ Việt Nam (chiều dài khoảng 20 km).
Cũng có thể kể ra một cụm án điện gió khác tại Lào của Tập đoàn ASEAN Group với tổng công suất 1.000 MW từ Lào về hệ thống điện Việt Nam.
Nhà đầu tư hiện đề xuất 05 dự án điện gió đấu nối tại các khu vực khác nhau, trong đó có dự án điện gió Xepon tại tỉnh Savanhnakhet, công suất 200 MW đấu nối ở cấp điện áp 220 kV vào trạm biến áp 500 kV Lao Bảo.
Ngoài các dự án điện gió được liệt kê nói trên có tổng công suất lên tới 4.149 MW, gần đây Bộ Công thương cũng đang hỏi ý kiến các bộ ngành về Dự án Nhà máy điện gió Trường Sơn công suất 250 MW tại tỉnh Bolikhamsai, dự kiến sẽ vận hành vào quý IV/2025 và bán điện về Việt Nam với mức giá gần 7 UScent/kWh.
Để nhập khẩu điện từ Nhà máy điện gió này về Việt Nam, phương án đấu nối được đề xuất là xây mới đường dây 220 kV mạch kép từ trạm biến áp 220 kV nhà máy điện gió Trường Sơn, với chiều dài 75 km đấu nối vào ngăn lộ 220 kV tại trạm biến áp 220 kV Đô Lương (Nghệ An - Việt Nam).
Để đáp ứng tiến độ hoàn thành dự án năm 2025, chủ đầu tư đề xuất thực hiện đầu tư toàn bộ công trình đấu nối lưới điện phục vụ đấu nối nhà máy điện gió Trường Sơn vào hệ thống điện Việt Nam bằng nguồn vốn của dự án.
Dự án Nhà máy điện gió Monsoon nằm trong Biên bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào nhằm mục tiêu nhập khẩu nguồn điện năng lượng tái tạo từ Lào về Việt Nam.
Vào tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý nguyên tắc và mức giá trần (giá tối đa) nhập khẩu điện từ Lào về Việt Nam đối với loại hình nhà máy điện gió theo kiến nghị của Bộ Công thương.
Cụ thể, mức giá trần áp dụng cho điện gió nhập khẩu từ Lào về là 6,95 UScent/kWh. Mức giá trần nhập khẩu điện từ Lào được áp dụng với các nhà máy điện vận hành trước ngày 31/12/2025 và áp dụng trong cả đời dự án là 25 năm.
Mức giá này cũng được xác định tại biên giới Việt Nam, các bên có trách nhiệm đầu tư, xây dựng và vận hành đường dây truyền tải ở mỗi nước đến biên giới.
Vào tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ dự án này và chỉ đạo EVN xây dựng các công trình truyền tải điện cần thiết tại Việt Nam.
Theo Công ty Impact Energy Asia Development Limited (IEAD) - chủ đầu tư Nhà máy điện gió Monsoon, Dự án có quy mô 600 MW với tổng mức đầu tư khoảng 930 triệu USD, nằm ở phía Đông Nam nước Lào, cách biên giới Lào - Việt Nam khoảng 22 km, sẽ xuất khẩu điện từ Lào về Việt Nam.
Vào tháng 7/2021, Hợp đồng mua bán điện giữa IEAD với EVN đã được ký kết và Hợp đồng điều chỉnh, sửa đổi được ký kết vào tháng 1/2022. Theo đó, toàn bộ sản lượng điện từ dự án này sẽ được bán cho Việt Nam theo Hợp đồng mua bán điện 25 năm với EVN.