Khoảng 8.000 người Peru bị nhiễm độc chì, thạch tín, thủy ngân ở nồng độ cao
Hàng nghìn thổ dân Peru sinh sống gần các địa điểm thực hiện dự án khai thác khoáng sản lớn đang đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế sau khi có xét nghiệm dương tính với các kim loại và chất độc hại ở nồng độ cao.
Trong báo cáo công bố ngày 18/5, bà Maria Jose Veramendi, nhà nghiên cứu hàng đầu của Tổ chức Ân xá quốc tế, cho biết thực hiện các nghiên cứu trong giai đoạn 2018 - 2020 đối với 11 cộng đồng thổ dân K'ana sinh sống ở tỉnh Espinar thuộc vùng Cusco, các nhà khoa học phát hiện khoảng 8.000 người đã bị nhiễm độc chì, thạch tín, cađimi, thủy ngân và mangan ở nồng độ cao.
Các xét nghiệm sau đó đối với 150 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu cũng cho thấy 78% những người này có hàm lượng kim loại và các chất độc hại ở mức đe dọa tới sức khỏe của họ. Báo cáo nhấn mạnh một lượng rất nhỏ các kim loại chì, cađimi và thủy ngân trong cơ thể cũng đủ đe dọa sức khỏe, trong khi thạch tín, nhất là thạch tín vô cơ, là loại chất rất độc hại.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Mỹ thuộc Tổ chức Ân xá quốc tế Erika Guevara-Rosas nêu rõ: "Các bằng chứng khoa học được nghiên cứu độc lập này cho thấy các cộng đồng thổ dân ở Espinar đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế, đòi hỏi chính phủ cần hành động khẩn cấp và mạnh mẽ."
Trong khi đó, bà Veramendi kêu gọi giới chức y tế Peru đề ra một chương trình giám sát tình hình dịch tễ thường xuyên ở Espinar để làm rõ tác động chung của hoạt động khai thác khoáng sản đối với người dân trong vùng. Bà cũng kêu gọi Chính phủ Peru tăng cường giám sát các công ty khai khoáng nhằm đảm bảo hoạt động khai thác không đe dọa tới sức khỏe của người dân.
Peru là một trong những nước khai thác đồng, vàng, bạc, kẽm và chì lớn nhất thế giới. Trong thập kỷ qua, hoạt động khai khoáng chiếm 16% tổng đầu tư tư nhân của nước này, chiếm 60% kim ngạch xuất khẩu của nước này, đồng thời tạo ra 1,8 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp.