Khoảng cách giàu nghèo trên thế giới tăng mạnh kể từ Covid-19
Kể từ năm 2020, giá trị tài sản của 5 người giàu nhất thế giới đã tăng gấp đôi lên ngưỡng 869 tỷ USD trong khi 60% những người nghèo nhất - tương đương 4,77 tỷ người ghi nhận tài sản của mình sụt giảm, theo báo cáo công bố bởi Oxfam.
Thông qua tổng hợp dữ liệu từ công ty nghiên cứu Wealth X, báo cáo của Oxfam cho thấy tổng tài sản của 5 người giàu nhất thế giới bao gồm các ông Elon Musk, Bernard Arnault, Jeff Bezos, Larry Ellison và Mark Zuckerberg đã tăng 464 tỷ USD, tương đương 114% kể từ năm 2020.
Nhìn chung kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các tỷ phú trên thế giới giàu hơn 3.300 tỷ USD so với năm 2020 và tài sản của họ đã tăng nhanh gấp 3 lần so với tỷ lệ lạm phát. Một báo cáo riêng biệt của Inequality Inc. cũng cho thấy 7/10 tập đoàn lớn nhất thế giới có tỷ phú làm Giám đốc điều hành hoặc cổ đông chính, bất chấp mức sống trì trệ của hàng triệu công nhân trên toàn thế giới.
Ngược lại, tổng tài sản của 4,77 tỷ người nghèo nhất – chiếm 60% dân số thế giới – lại giảm 0,2% theo giá trị thực. Guardian trích dẫn báo cáo nhận định: “Nhiều người trên toàn thế giới đang làm việc chăm chỉ hơn trong khoảng thời gian dài hơn, thường với mức lương thấp trong những công việc bấp bênh và không an toàn”.
Cụ thể trong phạm vi 52 quốc gia, mức lương thực tế trung bình của gần 800 triệu người lao động đã giảm. Những người này đã mất tổng cộng 1.500 tỷ USD trong 2 năm qua, tương đương 25 ngày lương bị mất đối với mỗi người lao động.
Cũng theo báo cáo của Oxfam, 1% người giàu nhất thế giới sở hữu 59% tổng tài sản tài chính toàn cầu – bao gồm cổ phiếu và trái phiếu, cộng với cổ phần trong doanh nghiệp tư nhân. Chỉ số Gini - chỉ số nhằm đo lường sự bất bình đẳng - cho thấy tình trạng bất bình đẳng thu nhập toàn cầu hiện tương đương với Nam Phi – quốc gia có mức độ bất bình đẳng cao nhất thế giới.
Nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới “sẽ không xóa bỏ được đói nghèo trong 229 năm nữa” trong khi khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn có khả năng sẽ dẫn đến việc thế giới xuất hiện trillionaire (người siêu giàu sở hữu trên 1.000 tỷ USD) đầu tiên trong vòng một thập kỷ.
Trong bối cảnh đó, báo cáo kêu gọi các chính phủ cải thiện chính sách đánh thuế tài sản để thúc đẩy sự cân bằng giữa người lao động với ông chủ và chủ sở hữu công ty siêu giàu. Guardian dẫn lời bà Aleema Shivji, giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam, cho biết: “Những thái cực này không thể được chấp nhận như một chuẩn mực mới, thế giới không thể chấp nhận thêm một thập kỷ chia rẽ nữa”.
Bà Julia Davies, nhà đầu tư và thành viên sáng lập của Patriotic Millionaires UK, một nhóm phi đảng phái gồm các triệu phú người Anh vận động đánh thuế tài sản, cũng đồng ý với ý kiến trên. Bà cho biết việc đánh thuế tài sản hiện vẫn “rất nhỏ” so với thuế đánh vào thu nhập từ công việc.
Bà nhận định: “Hãy tưởng tượng xem khoản đầu tư 28 tỷ USD mỗi năm vào các dịch vụ công và cơ sở hạ tầng có thể mang lại kết quả như thế nào trong khi giúp cải thiện cuộc sống của mỗi người dân Vương quốc Anh và cung cấp cho người già, người trẻ và những người dễ bị tổn thương sự chăm sóc và hỗ trợ mà họ cần và xứng đáng được nhận”.
Tại Anh, 1% người giàu nhất sở hữu 36,5% tổng tài sản tài chính với giá trị khoảng 2.292 tỷ USD.