Khoảng cách và cơ hội cho doanh nghiệp bảo hiểm

Sự thiếu hụt các kế hoạch bảo vệ sức khỏe và tài chính tại Việt Nam đang tạo cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp bảo hiểm lấp đầy 'khoảng trống' này.

Việt Nam có tiềm năng thâm nhập bảo hiểm nhân thọ rất lớn.

Việt Nam có tiềm năng thâm nhập bảo hiểm nhân thọ rất lớn.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), hiện tại, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm/GDP và chi tiêu cho bảo hiểm nhân thọ trên bình quân đầu người của Việt Nam đang thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN. Tổng số chủ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tính đến nay vào khoảng xấp xỉ 10 triệu người, tương đương khoảng 10% dân số.

Mức độ thâm nhập của bảo hiểm nhân thọ tính theo GDP cũng ở mức thấp, chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng GDP năm 2023. Chi tiêu bảo hiểm nhân thọ trên đầu người tại Việt Nam năm 2023 chỉ đạt khoảng 1,6 triệu đồng/người, giảm so với mức 1,8 triệu đồng/người trong năm 2022. Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam cũng đã giảm 44% doanh thu năm nhất (FYP) trong năm 2023.

Còn báo cáo của PwC cho biết, phí bảo hiểm nhân thọ bình quân đầu người của Việt Nam tuy thấp hơn so với mức trung bình của khu vực ASEAN, nhưng có xu hướng tăng đều đặn trong những năm gần đây.

Theo PWC, xuất phát từ mức độ bảo hiểm tư nhân còn thấp, thị trường bảo hiểm Việt Nam có tiềm năng thâm nhập bảo hiểm nhân thọ rất lớn. Nhu cầu về chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm sẽ tăng khi kinh tế tăng trưởng và bảo hiểm số có thể đáp ứng 18% dân số đến năm 2030, đảm bảo khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người.

“Khoảng cách chi tiêu từ tiền túi và bảo hiểm y tế ngày càng tăng của Việt Nam có thể là cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp phạm vi bảo hiểm lớn hơn”, báo cáo của PWC đánh giá.

Trên thực tế, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp bảo hiểm đang nỗ lực cải tiến quy trình, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao…, tạo nên nền tảng vững chắc cho sự phát triển của ngành. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Không ngừng đẩy mạnh công tác chuyển đổi số là xu thế không thể đảo ngược khi người dùng bảo hiểm ngày càng chú trọng tới các giải pháp số.

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, trong giai đoạn tháng 5 và 6/2024, có 94,8% người tiêu dùng bảo hiểm có sử dụng ứng dụng bảo hiểm trên các thiết bị di động thông minh, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận với sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng. Cũng theo khảo sát này, có 45,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm 2024.

Mặc dù bảo hiểm tại Việt Nam vẫn luôn được đánh giá “tiềm năng” bởi mức độ thâm nhập thấp. Tuy nhiên, rào cản để khai thác tiềm năng này vẫn còn nhiều, trong đó có vấn đề lớn là nhận thức người tiêu dùng về bảo hiểm, kỹ năng quản lý tài chính cá nhân...

Nhận thức chậm thay đổi có một nguyên nhân lớn là các công ty bảo hiểm thay vì hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng qua truyền thông, thì lại tập trung quá lớn cho hoạt động bán hàng, chất lượng tư vấn thấp khiến người tiêu dùng suy giảm niềm tin về bảo hiểm, thậm chí hiểu sai lệch như giai đoạn khủng hoảng vừa qua.

Gia Linh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khoang-cach-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-bao-hiem-post347973.html