Khoảng lặng giữa tâm bão?
Với Oman đóng vai trò trung gian, Mỹ và lực lượng Houthi ở Yemen vừa bất ngờ thông báo đạt được thỏa thuận ngừng bắn nhằm đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đỏ. Ngoại trưởng Oman Badr Albusaidi cho biết đây là kết quả của các cuộc thảo luận và tiếp xúc gần đây với mục đích giảm leo thang xung đột.

Tàu chở hàng di chuyển trên Biển Đỏ. Ảnh minh họa: IRNA/TTXVN
Việc Mỹ và nhóm Houthi đạt được thỏa thuận ngừng bắn là một diễn biến quan trọng, có thể ảnh hưởng sâu rộng đến cục diện chiến sự và an ninh khu vực Trung Đông. Theo đó, quân đội Mỹ nhất trí dừng chiến dịch không kích vào các mục tiêu Houthi ở Yemen. Đổi lại, nhóm vũ trang thân Iran cam kết chấm dứt hoạt động tấn công các tàu trên Biển Đỏ và eo biển Bab Al- Mandad. Điều này nhằm bảo đảm tự do hàng hải và dòng chảy thương mại quốc tế được thông suốt. Các quốc gia như Qatar, Kuwait... đã hoan nghênh, kỳ vọng thỏa thuận sẽ góp phần bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực đầy phức tạp và nhạy cảm này.
Thỏa thuận ngừng bắn được xem là bước đi chiến lược của Mỹ, tạo tiền đề cho các chuyển động ngoại giao tiếp theo của Washington trong khu vực, bao gồm việc củng cố liên minh với các quốc gia Vùng Vịnh và làm suy yếu ảnh hưởng của Iran. Cả Mỹ và Houthi đều nhận thấy lợi ích chiến lược khi chấm dứt giao tranh. Cả hai bên cũng đều muốn tránh leo thang xung đột vì lo ngại kéo thêm các bên thứ ba, như Iran hay Israel, khiến chiến sự vượt tầm kiểm soát.
Chuyên gia Bruce Riedel, học giả tại Viện Brookings, nhận định rằng thỏa thuận ngừng bắn này phản ánh sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ. Thay vì cố gắng tiêu diệt hoàn toàn khả năng của Houthi, Mỹ dường như đang tập trung vào việc giảm thiểu mối đe dọa đối với vận tải biển quốc tế. Ông cũng cho rằng vai trò trung gian của Oman là rất quan trọng và cho thấy các kênh ngoại giao vẫn có thể hiệu quả.
Bà Sanam Vakil, Phó Giám đốc Chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Chatham House, đánh giá thỏa thuận này có thể là một dấu hiệu cho thấy cả Mỹ và Houthi đều nhận ra rằng việc leo thang hơn nữa sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng sự tin tưởng giữa hai bên là rất thấp, và việc duy trì lệnh ngừng bắn sẽ phụ thuộc vào diễn biến ở Gaza và các yếu tố khu vực khác.
Từ một góc nhìn khác, ông Andreas Krieg, giảng viên tại trường Đại học King's College London (Anh), phân tích rằng thỏa thuận ngừng bắn này có thể là một nỗ lực của Mỹ để tránh bị sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài ở Yemen. Ông cho rằng Houthi đã chứng tỏ khả năng phục hồi và khả năng gây ra những tổn thất đáng kể, khiến một chiến thắng quân sự của Mỹ trở nên khó khăn.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tiến hành các cuộc không kích quy mô lớn nhằm vào Houthi để ngăn lực lượng này tấn công các tàu thương mại ở Biển Đỏ, cũng như giảm năng lực quân sự của Houthi. Đây được coi là chiến dịch quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi tháng 1. Tuy nhiên, năng lực quân sự của lực lượng Houthi thực sự đã gây bất ngờ. Phía Mỹ tuyên bố đã không kích hơn 1.000 mục tiêu của Houthi, phá hủy nhiều cơ sở chỉ huy và kiểm soát, hệ thống phòng không, cơ sở sản xuất vũ khí hiện đại, các địa điểm cất trữ vũ khí, khiến hàng trăm chiến binh Houthi cùng nhiều thủ lĩnh của lực lượng này thiệt mạng, song các vụ tấn công tại Biển Đỏ, kể cả tấn công tàu sân bay Mỹ, vẫn tiếp diễn.
Các nhà phân tích tại Trung Đông cho rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ tác động trực tiếp đến Yemen, nơi đang diễn ra cuộc chiến giữa quân đội chính phủ Yemen được Saudi Arabia (Ảrập Xêút) hậu thuẫn và Houthi kể từ năm 2015. Thỏa thuận ngừng bắn nếu được tuân thủ được hy vọng có thể tạo ra môi trường thuận lợi hơn để các bên đối thoại và tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc chiến tại Yemen. Các tổ chức nhân đạo và cộng đồng quốc tế có thể dễ dàng hơn trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo và hỗ trợ tái thiết cho Yemen, đất nước đã bị tàn phá nặng nề sau nhiều năm chiến tranh. Điều này sẽ giúp giảm bớt khổ đau của người dân và tạo điều kiện để Yemen hồi phục về mặt kinh tế và xã hội.
Việc ngừng bắn có thể dẫn đến việc tái cấu trúc lại lực lượng quân sự và chính trị trong khu vực. Houthi có thể tìm cách củng cố ảnh hưởng của mình ở Yemen, trong khi các quốc gia như Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) sẽ tìm kiếm các giải pháp khác để bảo vệ lợi ích của mình. Hơn nữa, việc giảm xung đột trước mắt trong khu vực sẽ tác động tích cực đến các quốc gia láng giềng như Saudi Arabia, các quốc gia Vùng Vịnh và thậm chí là Iran.
Diễn biến trên diễn ra ngay trước thềm chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới 3 nước Trung Đông gồm Saudia Arabia, Qatar và UAE từ ngày 13/5 đến ngày 16/5 tới. Nhà lãnh đạo này tiết lộ sẽ công bố thông tin chấn động trong những ngày tới không liên quan đến thương mại. Chính quyền của Tổng thống Trump cũng được cho là đang lên kế hoạch cho một thỏa thuận vũ khí trị giá 100 tỷ USD với Saudi Arabia.
Mặc dù thỏa thuận giữa Mỹ và Houthi có thể giảm căng thẳng ở Biển Đỏ, nhưng không đề cập tới các cuộc giao tranh giữa Houthi và Israel. Trả lời phỏng vấn truyền thông Yemen phát ngôn viên của Houthi, Mohammed Abdul Salam tuyên bố thỏa thuận không liên quan đến lập trường của Houthi trong việc ủng hộ người Palestine ở Gaza, ngụ ý rằng các cuộc tấn công vào Israel, tương tự như vụ phóng tên lửa vào sân bay Israel ngày 4/5, sẽ tiếp tục.
Giới phân tích chính trị tại Israel cho rằng việc Mỹ đạt được thỏa thuận với Houthi chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chiến lược của Israel trong việc đối phó với các nhóm vũ trang trong khu vực. Trong thời gian qua, Israel đã phải căng mình đối phó với một loạt nhóm vũ trang như phong trào Hamas tại Gaza, phong trào Hezbollah ở Liban đến lực lượng Houthi tại Yemen. Tình hình càng thêm như "dầu đổ vào lửa" khi Houthi ngày 4/5 bắn tên lửa đạn đạo vào Sân bay quốc tế Ben Gurion ở ngoại ô Tel Aviv, làm 8 người bị thương và gây gián đoạn hoạt động hàng không tại Israel, dẫn tới các cuộc oanh kích đáp trả dữ dội của quân đội Israel những ngày qua. Với việc Mỹ và Houthi ngừng bắn, Israel có thể sẽ phải điều chỉnh các chiến lược quân sự và phòng thủ của mình.
Về khía cạnh này, Peter Salisbury, nhà phân tích cấp cao tại Crisis Group, cảnh báo rằng thỏa thuận ngừng bắn giữa Mỹ và Houthi là mong manh và không giải quyết được gốc rễ của cuộc xung đột. Ông cho rằng chừng nào cuộc chiến ở Gaza còn tiếp diễn, Houthi vẫn sẽ cảm thấy có động lực để thực hiện các cuộc tấn công. Ông nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp chính trị toàn diện hơn cho Yemen và khu vực.
Có một thực tế là thỏa thuận này chủ yếu tập trung vào việc bảo vệ các tuyến vận tải ở Biển Đỏ mà không giải quyết được hoàn toàn các mối lo ngại về các cuộc tấn công của Houthi vào Israel. Điều này đặt ra câu hỏi về tính bền vững lâu dài của thỏa thuận khi mà lịch sử cho thấy khu vực này luôn rất phức tạp và nhiều yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Việc Houthi tuyên bố tiếp tục tấn công Israel có thể kéo Mỹ quay trở lại xung đột bất cứ lúc nào. Bởi vậy, không ít ý kiến lo ngại thỏa thuận ngừng bắn này có thể chỉ là một "khoảng lặng" giữa tâm bão.