Khoảng lặng hoạt động tín ngưỡng đầu xuân và sự chờ đợi về những thay đổi tích cực
Một mùa xuân không tiếng trống hội, không có những dòng người ồn ã tham gia vào các hoạt động lễ hội. Hình ảnh khác biệt ấy đang đem đến cho chúng ta những hy vọng.
Nhiều lễ hội không tổ chức trong dịp đầu xuân Tân Sửu 2021 để phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh: MC)
Nhìn từ khoảng lặng hoạt động tín ngưỡng đầu xuân
Ít ai muốn có dịch bệnh để phải chứng kiến khung cảnh kém phần tấp nập ở nhiều đền, chùa sau tết. Nhưng chính từ không gian ấy lại gợi ý cho chúng ta về một góc nhìn khác trong việc tổ chức.
Với tinh thần chống dịch như chống giặc, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đã chấp hành nghiêm quy định của cơ quan quản lý y tế và văn hóa. Nhiều nghi thức đã được các cơ sở thờ tự cắt giảm, khách lễ không tập trung rềnh rang kéo dài hàng tiếng đồng hồ như những năm trước. Cảnh chen lấn, tranh lễ, cướp lộc cũng không còn xảy ra.
Một không gian tín ngưỡng trong điều kiện dịch bệnh có thể là điều không vui với nhiều người, nhiều địa phương vì nguồn thu sụt giảm, nhưng rồi cũng sẽ qua đi, mưa rồi vẫn thuận, gió vẫn hòa, nhà nhà vẫn yên vui. Khoảng lặng này vì thế sẽ là gợi ý về cách tổ chức cho cơ quan quản lý và sự tham gia cho du khách ở mùa lễ hội năm sau, để chúng ta không còn phải chứng kiến dòng người chen lấn với những việc làm thực dụng, phản cảm nữa.
Một khoảng lặng để thay đổi thói quen làm việc
Tình trạng chệch choạc và đối phó trong những ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết đã diễn ra khá phổ biến ở nhiều công sở trong những năm trước. Không ít cán bộ, công chức tìm đủ lý do để rồng rắn đến các đền, phủ lễ bái và tham gia các hoạt động lễ hội. Có cơ quan gần hết tháng Giêng mới trở lại lại nhịp làm việc bình thường.
Năm nay dịch bệnh khiến cho sinh hoạt tín ngưỡng của người dân đang có sự thay đổi, nhiều người không đến các cơ sở thờ tự trong dịp đầu xuân hoặc đến và ra về rất nhanh. Cảnh đền, chùa vắng vẻ còn công sở trở nên tấp nập hơn, là hình ảnh được chờ đợi sẽ hiện thực sau kỳ nghỉ tết này.
Việc dừng tổ chức lễ hội và các đền, chùa hạn chế đón khách có thể xem như một sự dịch chuyển cần thiết góp phần làm thay đổi thói quen xấu ở nhiều cán bộ, đó là lạm dụng tín ngưỡng và xem nhẹ công vụ mỗi dịp đầu xuân.
Thay cho việc tham gia quá mức vào các hoạt động tín ngưỡng, cán bộ, công chức hãy toàn tâm cho công việc ngay từ ngày đầu đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết. Gần như cơ quan nào cũng còn công việc dang dở từ năm cũ và những công việc mới phát sinh cần giải quyết ngay. Những công việc liên quan đến sản xuất càng cần phải được giải quyết kịp thời. Sau nhiều khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra khiến sản xuất bị đình trệ đòi hỏi các cơ quan quản lý phải khẩn trương, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Sau 2 năm triển khai Đề án văn hóa công vụ theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ quan đã nghiêm túc thực hiện, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa tuân thủ, gây khó khăn cho việc xây dựng văn hóa công sở, làm giảm chất lượng công vụ. Ngày 1-1-2021 Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, nhấn mạnh cán bộ, công chức, viên chức, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong giải quyết công việc được giao. Đây là yêu cầu không chỉ chấn chính tình trạng thiếu ý thức, kỷ luật trước mắt, mà còn nhằm từng bước thay đổi thói quen làm việc.
Tỉnh Thanh Hóa đang bước vào giai đoạn phát triển mới với những yêu cầu cao hơn, đòi hỏi kỷ luật, kỷ cương hành chính, hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước trên các ngành, lĩnh vực cũng cần phải siết lại theo hướng rõ người, rõ việc, rõ chất lượng, lấy thời gian, hiệu quả công việc làm thước đo. Mọi sự chậm trễ, bớt xén giờ giấc đều làm xấu đi hình ảnh cán bộ, công chức, giảm sút uy tín của cơ quan, đơn vị.
Thay cho việc bớt xén thời gian, bê trễ công vụ để rồng rắn đến các đền, phủ trong dịp đầu xuân, mỗi cán bộ, công chức hãy đem tinh thần của mùa xuân mới vào công việc ngay từ ngày đầu đi làm trở lại và duy trì mạch làm việc ấy, vừa đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh vừa tạo tiền đề cho những thay đổi tích cực trong xây dựng đời sống văn hóa công sở.