Khoảng lặng ký ức trong thơ Quang Ngự

Tác giả Quang Ngự. Ảnh: HOÀI SƠN

Sinh ra ở vùng đất Sông Cầu, nơi: ...Rì rào ngọn gió trùng khơi/ Biển mênh mông biển xanh vời vợi xanh/ Lao xao sóng vỗ đầu gành/ Hải âu nghiêng cánh lượn quanh cồn chiều...

Và rất nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, với những vườn dừa xanh thẳm trải dài, uốn lượn theo những vòng cung của biển quanh năm rì rào sóng vỗ; đây Vịnh Xuân Đài thơ mộng, kia đèo Cù Mông nổi tiếng đã đi vào thơ ca, và một Nhất Tự Sơn trầm mặc trước sóng biển ngưng đọng dấu ấn thời gian. Phải chăng vì thế mà tác giả Quang Ngự có những xúc cảm tinh tế, được thể hiện qua những vần thơ sâu lắng, đậm đà ân nghĩa, thủy chung.

“Say thơ”

Kém ông đến gần 30 tuổi nhưng vì có chung sở thích yêu văn thơ nên tôi thường tiếp xúc, đàm đạo mỗi khi tác giả có sáng tác mới. Điều tôi cảm nhận sâu sắc ở tác giả Quang Ngự (tên đầy đủ Trần Quang Ngự, sinh năm 1932) là niềm đam mê thơ đến mức “say thơ”. Ông có thể ngồi nói chuyện về thơ cả buổi mà không hề thấy chán, thấy mệt. Tác giả Quang Ngự sáng tác thơ ở nhiều thể loại, ngôn từ trong thơ dung dị nhưng giàu hình ảnh, cách diễn đạt mang âm hưởng dân gian, mỗi thể loại đều có những bài thơ, câu thơ đọng lại trong lòng bạn đọc. Có thể xem những sáng tác của tác giả tựa như nhật ký thơ ghi lại ký ức của bản thân từ thuở ấu thơ đến lúc trưởng thành… Nếu xâu chuỗi các thi phẩm của tác giả Quang Ngự, ta thấy sự nối liền trong mạch sáng tác của ông chính là chất hoài niệm về tình người sâu thẳm, về nỗi niềm cố hương thiết tha, nỗi niềm thế sự, đôi lúc là cái vô thường của cuộc sống...

Chất hoài niệm trong thơ Quang Ngự thể hiện ngay từ nhan đề các tập thơ đã được xuất bản Miền ký ức (2004), Bến sông xưa (2007), Dòng sông hoài niệm (2011), đến tựa đề các thi phẩm và còn lan tỏa trong rất nhiều câu thơ, tứ thơ. Thật xúc động khi đọc những câu thơ in đậm ký ức của tác giả về hình bóng người cha thân yêu trước lúc lên đường đi đánh giặc:

...Khi tuổi còn thơ

Con theo mẹ ra tiễn cha trước ngõ

Bóng cha chập chờn trong gió

Mẹ thẫn thờ lặng đứng nhìn theo...

Chiến tranh không ai hẹn trước được ngày về, chỉ có nỗi nhớ người thân cứ đeo đuổi mãi giữa người ở lại hậu phương và người ra tiền tuyến:

...Mấy mươi năm biền biệt trôi qua

Mẹ tần tảo nuôi con, lặng đau nỗi nhớ

Cái khoảng trống xưa bạc phờ còn đó

Mẹ ra đứng bao lần vời vợi ngóng trông

* *

*

Nhưng cha đã không về quê - cha đã về với đất

Cha đã về giữa lòng dân tộc

Ấm áp tình người ơn nghĩa nặng sâu...

Đất nước độc lập, thanh bình mở ra trang sử mới, những người được hưởng hạnh phúc càng biết ơn sự hy sinh xương máu của những chiến sĩ nơi chiến trường, sự hy sinh cao cả, thầm lặng của những người mẹ, người vợ ở hậu phương và thấm thía nỗi mất mát to lớn do chiến tranh gây ra:

...Mẹ lủi thủi bên bàn thờ thắp vội

Nén hương thơm và thầm gọi tên chồng

Nhưng cha còn mãi mãi đi xa

Trong tiếng gọi của hồn Tổ quốc

(Bóng cha - Bến sông xưa).

Thuộc lớp người sớm phải xa quê hương lên đường nhập ngũ, dấu chân ông đã in đậm trên các chiến trường, rồi qua bao vùng đất với nhiều công việc khác nhau. Nông nỗi người xa quê có muôn hình vạn trạng, có ai giống ai đâu? Với Quang Ngự, ông luôn gắn bó tình cảm gia đình với quê hương, xem quê hương là một phần khăng khít máu thịt của đời mình, để rồi nỗi nhớ quê cứ canh cánh bên lòng:

Mong về được đón Tết quê

Được nghe giọng nẫu, được mê bài chòi

Nghiêng tai lịm giọng à ơi!

Nhìn sông ngắm biển trùng khơi chập chùng...

(Nhớ quê, nhớ Tết -

Dòng sông hoài niệm).

Và rồi khi có dịp trở lại dù mừng vui khôn xiết vì quê hương đã có nhiều đổi mới nhưng với tác giả vẫn luôn hoài niệm về những năm tháng đã qua:

Tôi về lội khắp ngõ quê

Nhìn sông ngắm biển thỏa thuê mắt nhìn

Quê xưa còn mãi trong tim

Với bao cực nhọc nổi chìm lao đao

(Còn đâu bóng quê xưa -

Bến sông xưa)

Và in thơ đều đặn

Ba tác phẩm tập hợp gần 200 bài thơ chỉ là một phần khiêm tốn trong “gia tài” sáng tác của Quang Ngự; còn rất nhiều bài, nhiều câu, nhiều tứ thơ thể hiện những khoảng lặng ký ức của tác giả. Vẫn biết trong lĩnh vực nghệ thuật, số lượng chưa hẳn đã nói lên được điều gì cụ thể nhưng niềm đam mê thơ và những đóng góp của tác giả cho phong trào văn học nghệ thuật tỉnh nhà thêm hương sắc là điều rất đáng quý và trân trọng. Đã qua cái ngưỡng tuổi “xưa nay hiếm” nhưng tác giả còn rất minh mẫn, tháo vát, và hơn thế niềm đam mê thơ đến mức “say thơ” trong ông vẫn không hề giảm. Mọi người vẫn thấy thơ Quang Ngự được in đều đặn trên các báo, tạp chí và sự xuất hiện của tác giả trong các đêm thơ xuân ở các huyện thị từ đồng bằng đến miền núi. Và cũng liên tục nhiều năm nay tác giả đều có thơ xuân được đăng và đọc vào Đêm Thơ Nguyên tiêu của tỉnh. Một điều có lẽ không phải ai cũng đã biết, tác giả Quang Ngự là một trong số ít thành viên sáng lập ra Hội Văn học Nghệ thuật huyện Tuy Hòa - tiền thân của Hội Văn học Nghệ thuật huyện Đông Hòa và Tây Hòa hiện nay; ông cũng đã có nhiều đóng góp xây dựng các chi hội văn học nghệ thuật ở cơ sở. Thêm nữa, ông từng giữ chức Chủ nhiệm CLB Thơ Diên Hồng, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Phú Đông, TP Tuy Hòa.

“Trọng lão” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi với gia đình và xã hội, với đạo lý đó, người viết bài này cầu mong cho tác giả Quang Ngự luôn mạnh khỏe để có thêm nhiều sáng tác mới và ngọn lửa đam mê thơ luôn rực cháy trong ông.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/239600/khoang-lang-ky-uc-trong-tho-quang-ngu.html