'Khoảng lặng' trong chính sách tiền tệ của Nhật Bản

Quyết định từ chức của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhiều khả năng sẽ dẫn đến một khoảng lặng, chứ không phải dấu chấm hết, cho kế hoạch tăng dần lãi suất từ mức gần bằng không của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ).

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng trung ương Nhật Bản ở Tokyo. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Lộ trình tăng lãi suất dài hạn

Ông Kishida, người đã chỉ định ông Kazuo Ueda làm Thống đốc BoJ vào năm ngoái, mới đây cho biết ông sẽ không tái tranh cử chức Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) vào tháng Chín. Theo quy định của Nhật Bản, người giữ chức Chủ tịch đảng cầm quyền sẽ giữ ghế Thủ tướng.

BoJ đã hợp tác chặt chẽ với chính quyền của ông Kishida trong chủ trương kêu gọi tăng lương. Vài ngày trước khi BoJ tăng lãi suất vào tháng Bảy, ông Kishida cho biết, việc bình thường hóa chính sách của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ quá trình chuyển dịch của Nhật Bản sang nền kinh tế tăng trưởng, thể hiện sự ủng hộ của ông đối với việc thoát ly khỏi chính sách lãi suất siêu thấp.

Chính vì vậy, việc ông Kishida từ chức để lại một khoảng trống chính trị làm gia tăng bất ổn về chính sách kinh tế, và làm phức tạp những nỗ lực của BoJ trong việc phối hợp với chính phủ để rút lui một cách êm ái khỏi chính sách tiền tệ nới lỏng.

Những người được cho là ứng cử viên hàng đầu thay thế cho ông Kishida phần lớn ủng hộ việc tăng dần lãi suất hiện ở mức siêu thấp của Nhật Bản, như một biện pháp để giữ đồng yen không giảm giá mạnh. Ông Shigeru Ishiba, người được coi là ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm ông Kishida, cho biết BoJ đang "đi đúng hướng chính sách" trong việc tăng dần lãi suất. Các ứng cử viên hàng đầu khác, như ông Toshimitsu Motegi và ông Taro Kono, cũng đã kêu gọi BoJ tăng lãi suất. Người duy nhất ủng hộ nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ là ứng cử viên Sanae Takaichi, người ủng hộ các chính sách kích thích kinh tế của cựu Thủ tướng Shinzo Abe.

Bà Mari Iwashita, một nhà quan sát BoJ kỳ cựu, nhận định: "Ông Takaichi có thể là một ngoại lệ, nhưng hầu hết các ứng cử viên dường như không phản đối việc bình thường hóa chính sách của BoJ. Nếu vậy, sẽ không có nhiều gián đoạn đối với lộ trình tăng lãi suất dài hạn của ngân hàng này".

Theo luật, BoJ không phải chịu sự can thiệp của chính phủ trong việc thiết lập chính sách tiền tệ. Nhưng lịch sử cho thấy ngân hàng này từng chịu áp lực chính trị trong việc sử dụng các công cụ nới lỏng tiền tệ để phục hồi nền kinh tế. Áp lực chính sách này một phần là do chính phủ có thẩm quyền bổ nhiệm các thành viên hội đồng của BoJ, bao gồm cả thống đốc, dù sau đó vẫn cần được quốc hội phê duyệt mới có hiệu lực.

Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh đồng yen yếu làm gia tăng áp lực về chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình, nhiều chính trị gia có thể sẽ gật đầu với việc tăng dần lãi suất ở thời điểm hiện tại. Điều đó có nghĩa là BoJ có thể sẽ vẫn đi theo lộ trình tăng lãi suất - mặc dù với tốc độ chậm hơn so với dự kiến ban đầu. Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản cho thấy nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán BoJ sẽ nâng lãi suất một lần nữa trong năm nay.

Theo giới phân tích, số liệu cho thấy nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi trong quý II nhờ hoạt động tiêu dùng mạnh mẽ, từ đó tạo dư địa để BoJ tiếp tục tăng lãi suất.

BoJ vẫn “đơn phương độc mã” trong xu hướng chính sách tiền tệ trên toàn cầu. Ngân hàng trung ương này đã duy trì lãi suất ở mức siêu thấp ngay cả khi các ngân hàng trung ương ở Mỹ và châu Âu tăng lãi suất mạnh mẽ kể từ năm 2022 để chống lạm phát. Giờ đây, khi các ngân hàng trung ương khác bắt đầu nới lỏng chính sách, thì BoJ lại tăng lãi suất.

Thống đốc Ueda cho biết, việc tiếp tục tăng lãi suất chỉ là sự điều chỉnh cần thiết đối với những hỗ trợ tiền tệ quá mức, chứ không phải là chủ trương thắt chặt chính sách toàn diện - một lập trường mà ông có thể sẽ duy trì.

“Khoảng lặng”

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Đồng yen của Nhật Bản. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, BoJ cũng có lý do chính đáng để “án binh” tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào ngày 19-20/9, khi cuộc họp này có khả năng diễn ra gần với ngày bầu cử lãnh đạo LDP. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho biết cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cũng có thể làm gia tăng bất ổn trên thị trường và khiến BoJ không thể hành động tại cuộc họp sau đó vào ngày 30-31/10.

Ông Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng của Daiwa Securities, dự đoán BoJ sẽ tạm dừng tăng lãi suất ít nhất cho đến tháng 12, khi các sự kiện chính trị của Nhật Bản và Mỹ kết thúc.

BoJ cũng sẽ cần thời gian để xây dựng lòng tin với tân Thủ tướng, người có thể phải đến tháng 11 mới được quốc hội thông qua.

Giới phân tích nhận định khoảng lặng này kéo dài trong bao lâu sẽ phụ thuộc không chỉ vào kết quả của cuộc đua cho vị trí đảng cầm quyền, mà còn vào ảnh hưởng của những phản ứng trên thị trường đến những tranh luận chính trị về tốc độ tăng lãi suất thích hợp.

Không có gì đảm bảo rằng các chính trị gia sẽ tiếp tục ủng hộ tăng lãi suất nếu xu hướng giảm giá của yen đảo ngược. Sự tăng vọt của đồng yen, một phần do đợt tăng lãi suất tháng Bảy của BoJ, đã dẫn đến đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán, buộc ngân hàng trung ương phải “hạ giọng” trong thông điệp ủng hộ chủ trương nâng lãi suất của mình.

Bà Naomi Muguruma, Trưởng bộ phận chiến lược trái phiếu của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cho biết đồng yen đảo ngược xu hướng giảm giá, một số chính trị gia có thể bắt đầu đặt câu hỏi liệu BoJ có cần tăng lãi suất thêm nữa hay không".

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/khoang-lang-trong-chinh-sach-tien-te-cua-nhat-ban-20240816112537906.htm