Kỷ nguyên nới lỏng đang trở lại - Nhưng còn đó những nỗi lo?
Có thể nói Fed sẽ giảm lãi suất trong cuộc họp tới là chắc chắn, nhưng điều thị trường quan tâm hơn là đợt cắt giảm lần đầu tiên này sẽ ở mức bao nhiêu? Không loại trừ khả năng ngân hàng Trung ương lớn nhất thế giới này có thể phải hạ lãi suất mạnh tay hơn trong thời gian tới.
Kỷ nguyên nới lỏng trở lại
Ngày 19/9 tới, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp chính sách tháng 9, với hầu hết dự đoán cho thấy cơ quan này sẽ bắt đầu giảm lãi suất trở lại, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ tháng 3/2020 cho đến nay. Quyết định này cũng sẽ chính thức đánh dấu sự kết thúc của chiến dịch chống lạm phát quyết liệt nhất kể từ những năm 1980 tại Mỹ.
Lãi suất chuẩn của Fed hiện đang ở mức cao nhất trong 23 năm qua, nhưng có lẽ thời kỳ lãi suất cao đang tiến gần đến hồi kết thúc.
Sau 2 năm mạnh tay điều chỉnh chính sách tiền tệ để đối phó với lạm phát phi mã, Fed đã tăng lãi suất lần cuối cùng vào tháng 7/2023 và duy trì nó quanh mức 5,25-5,5% kể từ đó. Cần biết rằng, hơn 20 năm trước đây, nước Mỹ dưới thời cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker trong thập niên 80 đã từng có lúc tăng lãi suất lên tới mức 22% trong nỗ lực kiểm soát lạm. Hệ quả là đã gây thiệt hại cho hàng triệu người Mỹ và các doanh nghiệp, kéo theo nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái sau đó.
Giai đoạn lãi suất cao trong những năm vừa qua đã gây ra không ít thử thách cho nền kinh tế lớn nhất thế giới và toàn cầu, thể hiện qua sức cầu tiêu dùng sụt giảm và cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ diễn ra vào những tháng đầu năm 2023, đã có một số nhà băng chìm sâu vào khủng hoảng và phá sản.
Giờ đây, có lẽ ông Jerome Powel - Chủ tịch Fed hiện tại, không muốn lặp lại sai lầm đó, mà sẽ muốn đưa nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm” bằng cách sớm giảm lãi suất trở lại khi lạm phát cũng đang trên đường về lại ngưỡng mục tiêu 2%. Đặc biệt, với dữ liệu công bố hôm 4/9 cho thấy số lượng cơ hội việc làm ở Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3,5 năm qua, thêm một dấu hiệu cho thấy sự suy yếu của thị trường lao động, càng thúc giục Fed phải nhanh chóng hành động.
Trong khi đó, giới phân tích cũng chỉ ra xu hướng dài hạn cho thấy, lạm phát đang giảm đáng kể, đồng thời tỷ lệ thất nghiệp đang tăng nhanh hơn so với dự đoán của các quan chức Fed vào tháng 6. Nếu chính sách tiền tệ thắt chặt quá lâu, nến kinh tế tất yếu sẽ phải đối mặt với vấn đề về thị trường việc làm.
Do đó, sự kiện giảm lãi suất lần này cũng sẽ đánh dấu một bước thay đổi trong xu hướng chính sách quốc tế, ảnh hưởng đến không chỉ kinh tế Mỹ mà còn nhiều nền kinh tế khác, dù vẫn tồn tại những yếu tố không chắc chắn xung quanh tốc độ và mức độ thay đổi lãi suất trong tương lai của Fed.
Chậm mà chắc hay mạnh tay và quyết liệt hơn?
Tuy nhiên, nếu nhìn lại thời điểm đầu năm nay, giới đầu tư từng kỳ vọng chiến dịch chống lạm phát của Fed đã kết thúc và ngân hàng trung ương (NHTƯ) lớn nhất thế giới này sẽ có tới 6 lần điều chỉnh giảm lãi suất trong cả năm 2024. Nhưng sau đó khi NHTƯ châu Âu (ECB) rồi đến NHTƯ Anh (BoE) hạ lãi suất 0,25% lần lượt vào tháng 6 và tháng 8, đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ khi đại dịch bắt đầu, trong khi các NHTƯ Canada, New Zealand và cả Trung Quốc cũng đều hành động, Fed vẫn tỏ ra không mấy vội vã trong những tháng qua.
Nhưng với lần này, khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp tới là gần như chắc chắn, dù vậy điều thị trường hiện nay quan tâm hơn là đợt cắt giảm lần đầu tiên này sẽ ở mức bao nhiêu. Trong khi giới phân tích cho rằng Fed đã hơi chậm chân, khiến rủi ro suy thoái gia tăng và thị trường lao động bị ảnh hưởng, vì vậy không loại trừ khả năng cơ quan này có thể phải hạ lãi suất mạnh tay hơn trong thời gian tới.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đặt cược xác suất 59% Fed cắt giảm lãi suất 0,25% vào tháng 9 và có thể giảm tổng cộng 1% cho đến cuối năm 2024. Điều này đồng nghĩa với 2 cuộc họp cuối cùng trong năm nay sẽ có ít nhất một lần chứng kiến mức giảm lên đến 0,5%. Đáng lưu ý, xác suất giảm 0,5% ngay trong cuộc họp tháng 9 này đã tăng lên đến 41% từ mức 30% của 1 tuần trước đó.
Thực tế nhiều đồng tiền đã tăng giá đáng kể so với USD trong hơn 1 tháng qua, trong đó có VND. Ngoài ra, Fed giảm lãi suất cũng sẽ thúc đẩy cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng trưởng tích cực hơn, từ đó kích thích các hoạt động thương mại và kéo theo đơn hàng với các đối tác thương mại lớn, trong đó có Việt Nam, sẽ sớm được nối trở lại.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, trong trường hợp Fed giảm đến 0,5% ngay lần giảm đầu tiên, có thể khiến thị trường tài chính hoảng sợ và gửi đi thông điệp sai lầm rằng tình hình đang trở nên cấp bách với nguy cơ suy thoái sắp xảy ra. Khi đó, không loại trừ các nhà đầu tư sẽ bán tháo ở các kênh đầu tư và làm xáo trộn thị trường. Đây là điều mà giới phân tích cũng cảnh báo gần đây và khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại.
Dù chủ tịch Fed gần đây nói rõ rằng tổ chức này đã sẵn sàng cắt giảm lãi suất, nhưng rõ ràng thị trường cũng không quá kỳ vọng vào một hành động quá nhanh và quá quyết liệt mà có thể gây sốc cho nền kinh tế. Trong khi đó, một số quan chức Fed thậm chí tin rằng con đường phía trước không chỉ là cắt giảm lãi suất sớm, mà còn là nhiều đợt cắt giảm trong 12 tháng tới. Theo đó, giai đoạn nới lỏng chính sách tiền tệ của NHTƯ này dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2025 và 2026, mang đến hiệu ứng lan tỏa khắp nền kinh tế Mỹ bằng cách giúp người Mỹ vay những gì họ cần chi tiêu với mức giá rẻ hơn.
Lãi suất USD thấp hơn thường thúc đẩy hoạt động kinh tế gia tăng bằng cách kích thích vay và đầu tư, các doanh nghiệp cũng sẽ dễ dàng vay vốn để cung cấp tài chính cho hoạt động của mình hơn, còn thị trường chứng khoán dĩ nhiên cũng hưởng lợi.
Các nền kinh tế khác cũng sẽ điều hành chính sách tiền tệ thuận lợi hơn, khi giảm bớt áp lực dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch và xu hướng mất giá của đồng nội tệ.