Khoảng lùi vừa đủ để có những đỉnh cao văn học về chiến tranh
Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận định rằng thời gian 50 năm giúp các tác giả đạt đến một khoảng cách lý tưởng khi suy ngẫm và viết về kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa phát biểu tại Hội thảo "Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" sáng ngày 9/4. Ảnh: Đức Huy.
Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - khoảng cách 5 thập kỷ kể từ ngày đất nước thống nhất là một độ lùi vừa đủ để những đỉnh cao văn học về cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc được ra đời.
“Chiến tranh và hòa bình của Lev Tolstoy cũng ra đời sau cuộc chiến của Napoleon hàng chục năm khi tác giả đã có một độ lùi đủ lớn để nhìn mọi thứ bao quát hơn. Cuộc chiến của chúng ta cũng vậy, các tác phẩm đỉnh cao của thế hệ tác giả sinh ra trong thời bình sẽ xuất hiện”, nhà văn Trần Đăng Khoa phát biểu tại Hội thảo "Nhìn lại văn học viết về cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" sáng ngày 9/4.
Khối di sản văn học khổng lồ về cuộc chiến của dân tộc
Trong 50 năm kể từ khi đất nước thống nhất, dòng văn học lấy cảm hứng từ cuộc kháng chiến của dân tộc vẫn là nguồn cảm hứng lớn cho các thế hệ tác giả khai thác. Hơn hết, trong từng giai đoạn, chiến tranh lại được soi chiếu từ các lăng kính khác nhau, nhờ đó, dòng văn học này đã đổi mới và chạm đến những tầng sâu trong tâm hồn con người.
Nhà văn, đại tá Nguyễn Bình Phương - Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - phát biểu: “Trong chiến tranh, những tác phẩm văn học kịp thời ra đời để cổ vũ, động viên, khích lệ những người trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau khi đất nước thống nhất hòa bình, văn học với thiên lương của mình vẫn tiếp tục phản ánh, khắc họa những nét đẹp của người Việt trong chiến tranh”.
Dòng chảy văn chương đã dấn thân, nhập cuộc vào chiến tranh như một “vũ khí” thực sự, góp phần củng cố tinh thần chiến đấu và khẳng định khát vọng hòa bình, thống nhất dân tộc. Văn học đã có mặt trên mọi chiến hào, từ những bản hùng ca cổ vũ chiến đấu đến những trang viết khâu vá vết thương tinh thần sau ngày đất nước sạch bóng ngoại xâm.

Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa - Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội - phát biểu đề dẫn hội thảo.
Thượng tá, Tiến sĩ Phạm Duy Nghĩa khẳng định: “Văn học là một “binh chủng” tiên phong, nơi hàng trăm cây bút cống hiến trọn vẹn tuổi xuân và tài năng cho Tổ quốc, để lại những tác phẩm mang tính biểu tượng như Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Hòn Đất của Anh Đức, Gia đình má Bảy của Phan Tứ, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu, Bài ca chim chơ-rao của Thu Bồn, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm hay Vầng trăng quầng lửa của Phạm Tiến Duật… Những tác phẩm này không chỉ ghi lại hiện thực lịch sử, mà còn dựng lên những hình tượng sử thi, góp phần gìn giữ phẩm giá và lý tưởng của con người Việt Nam giữa chiến tranh".
Như một quy luật, các thế hệ lớn lên sau cuộc chiến cũng có vai trò quan trọng trong việc kế thừa và làm mới di sản ấy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - chỉ ra rằng chính độ lùi thời gian 50 năm sau khoảnh khắc đất nước thống nhất mới mang đến khoảng cách cần thiết để thế hệ sau có cái nhìn sắc sảo và ít bị chi phối bởi những cảm xúc trực tiếp.
Ông ví khoảng cách này tương đồng với sự ra đời của tác phẩm Chiến tranh và hòa bình khi chiến tranh Nga - Pháp đã lùi xa. Nhà văn Lev Tolstoy không sinh ra trong giai đoạn đó nhưng ông vẫn làm nên một kiệt tác.
“Tôi không cho rằng chỉ những người đi qua chiến tranh mới viết hay về chiến tranh. Nhà văn Lev Tolstoy viết về một cuộc chiến mà ông chưa từng sống qua. Những người đi qua chiến tranh có thể hiểu hơn về hiện thực nhưng chính điều đó lại bó hẹp họ. Trái lại, các tác giả trẻ ít bị ràng buộc hơn có thể tạo ra những trang viết hay nhất về chiến tranh”, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh là tác phẩm đỉnh cao về chiến tranh được viết khi cuộc chiến đã kết thúc. Ảnh: Kịch cảm tác từ Nỗi buồn chiến tranh.
Thế hệ trẻ sẽ viết về chiến tranh ra sao?
Theo các nhà phê bình, thế hệ nhà văn trẻ hôm nay có thể tạo ra những tác phẩm về chiến tranh với những cách tiếp cận mới. Theo TS Nguyễn Thanh Tâm, các nhà văn trẻ không có kinh nghiệm trực tiếp với chiến tranh, thay vào đó, họ tìm hiểu chủ yếu qua tư liệu, dữ liệu lịch sử, các bảo tàng, nhân chứng và hiện vật.
Dù vậy, thế hệ tác giả trẻ có thể đối mặt với thách thức khi sáng tác chỉ bằng dữ liệu chứ không có trải nghiệm thực tế. TS Nguyễn Than Tâm đặt ra câu hỏi: Làm sao để từ những dữ liệu ấy, tác giả đánh thức được cảm xúc, tinh thần công dân và tình yêu nước - điều mà không một công cụ trí tuệ nhân tạo nào có thể thay thế?

Nhiều ấn phẩm được ra mắt, tái bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Thống nhất đất nước.
“Tinh thần yêu nước và trách nhiệm công dân là nền tảng quan trọng để người trẻ viết về chủ đề chiến tranh, thể hiện được trách nhiệm của mình trước di sản lịch sử của dân tộc”, TS Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ với Znews.
Trong khi đó, theo Nhà thơ, Đại tá Mai Nam Thắng, một thế hệ nhà văn mới đã hình thành, tự tin hơn, chủ động hơn, khai thác dữ liệu với sự hỗ trợ của công nghệ và điều kiện sống tốt hơn. Họ có thể tìm hiểu qua các tài liệu nhiều phía, chẳng hạn ghi chép của cựu binh Mỹ, video, ảnh và các thống kê chi tiết.
Tuy nhiên, chính sự dồi dào thông tin lại là một thách thức, thế hệ tác giả trẻ cần phải hiểu đúng bản chất của cuộc đấu tranh kéo dài hàng thập kỷ của nhân dân ta. Đặc biệt, họ phải tránh lặp lại các nhà văn thế hệ trước đồng thời vẫn tạo được dấu ấn riêng.
Từ góc nhìn khác, PGS.TS Phạm Xuân Thạch đã ghi nhận những tín hiệu tích cực từ một số nhà văn trẻ như Lê Khải Việt, Huỳnh Trọng Khang - những người không trực tiếp tham chiến nhưng vẫn viết được những tác phẩm ám ảnh, sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ. Họ soi chiếu vào những hệ lụy dài lâu như chấn thương tâm lý, nỗi đau hậu chiến, chất độc da cam hay sự đoàn tụ tan vỡ. Chính ở đó, thế hệ trẻ đang chứng tỏ một cách tiếp cận hiện đại, phản tỉnh hơn đối với chiến tranh, gắn với con người và nỗi đau hơn là chiến công và súng đạn.
Giữa thời đại bùng nổ thông tin và các giá trị truyền thống có nguy cơ bị tác động, lựa chọn viết về chiến tranh và người lính là một quyết định dũng cảm của các cây bút trẻ. Dù có thể còn non nớt, thử nghiệm chưa thành công, nhưng chính những nỗ lực dấn thân ấy đang góp phần làm nên một diện mạo mới cho nền văn học về chiến tranh - một diện mạo được hình thành bởi suy tư thế hệ.