Khoảng thiêng 915

Kháng chiến chống Mỹ đã khép lại non nửa thế kỷ. Vùng đất bên 2 bờ vĩ tuyến 17 chỉ còn lại những dấu tích, khắc tạc lại một thời máu lửa chiến tranh. Đau thương nguôi ngoai, hận thù hóa giải, song trước di ảnh các Anh hùng Liệt sĩ tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, có mấy ai cầm được lòng để nước mắt không rơi.

Sau khi tôn tạo, nâng cấp (12-2018) đến hết tháng 3-2021, Khu Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã đón hơn 2.400 đoàn, với gần 211.000 lượt nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.

Sau khi tôn tạo, nâng cấp (12-2018) đến hết tháng 3-2021, Khu Di tích lịch sử Quốc gia - Địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái đã đón hơn 2.400 đoàn, với gần 211.000 lượt nhân dân, du khách trong nước và quốc tế đến dâng hương, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.

Vâng! 60 đôi mắt, 60 người con ưu tú của núi rừng Việt Bắc - dù không cùng ngày sinh, nhưng trong cùng một khắc đã hóa thân vào bất tử. Chung một khoảng thiêng đau thương mang tên 915 đúng ngày Giáng sinh. Khi đến đây, Giáo sư Vũ Khiêu đã cảm xúc đề tặng: “…Cả một đoàn cùng nguyện hy sinh/ Sáu chục bạn hiên ngang thọ tử/Máu trung liệt phơi đầy đất đỏ/Khí anh hùng cao vút mây xanh…” .

Chị Lê Thị Hồng, hướng dẫn viên Khu Di tích nức nở khi giới thiệu về các di ảnh, hiện vật còn sót lại sau trận bom tàn khốc: Đây, chiếc nồi quân dụng nấu cơm được đồng đội gom xương thịt đồng chí mình, rồi chia ra cho các thi thể… Đây chiếc bát ăn cơm bị văng vào giữa đổ nát bê tông; tấm chăn mỏng có mảnh vá; bộ quân tư trang sờn chỉ… Hơn 200 hiện vật còn sót lại, được sưu tầm về đều có câu chuyện riêng. Nhìn vào các hiện vật đặt ngay ngắn trong ô kính bảo quản, cựu TNXP Lương Thị Hội, xóm Đồng Ngõ, xã Bản Ngoại (Đại Từ) gục vội mặt vào vai người bạn kế bên.

Bà kể trong nước mắt: Thời khắc ấy, sau tiếng bom nổ, một khung cảnh tối tăm bao trùm, nhà cửa đổ nát, tôi thấy miệng mặn chát vì máu. Tôi nghe thấy tiếng anh Hoàng Văn Thắng, người thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) gọi yếu ớt: “Hội ơi, cứu anh”… Tôi bất lực, lả đi vì đau đớn. Khi tỉnh lại tôi nhận ra gần chỗ mình nằm có chị Liêu Thị Ly, người thôn Bản Cưa, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn. Chị Ly cũng nhận ra tôi… chưa chết, vội lết lại gần, cùng nắm chặt tay nhau, cố lết đến gần sáng thì về tới đơn vị. Một số người dân xã Linh Sơn đã đưa chúng tôi về nhà sơ cứu, rồi chuyển đến Bệnh viện Khu cấp cứu.

Bởi đã sống sót dưới tọa độ bom B52 của giặc Mỹ, nên bà Hội, bà Ly, ông Thắng trở thành chứng nhân sống của lịch sử, đồng thời là nhân vật chính trong câu chuyện của đêm Noel đầy máu và nước mắt.

Du khách tham quan không gian trưng bày tài liệu, hiện vật tại Khu di tích.

Bà Vũ Thị Kim Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Truyền thông T.P Thái Nguyên chia sẻ: Trong số những người đã hy sinh, một số anh chị không có di ảnh, không có di vật để lại cho người thân, như Liệt sĩ Ma Thị Tây, thôn Búc Ruộng, xã Lương Bằng, huyện Chợ Đồn.

Ông Ma Thọ Hưởng, người thờ cúng Liệt sĩ kể: Nhà tôi 2 lần bị cháy, nên chẳng giữ được lưu vật gì của Liệt sĩ. Còn ông Ma Văn Đại, thôn Nà Khẳn, xã Nghía Tá, huyện Chợ Đồn kể: Tôi là anh trai ruột của Liệt sĩ Ma Thị Lâm. Cách đây ít năm, biết bà Nga, người cùng thôn có chụp hình chung với cô Lâm, tôi đã sang nhà xin mượn về, mang ra phố nhờ thợ truyền thần khắc lại. Còn ông Nguyễn Hoàng Thanh, thôn bản Ruồng 2, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn kể: Tôi đã gìn giữ di ảnh của anh trai là Liệt sĩ Nguyễn Bỉnh Dung suốt hàng chục năm qua.

Với tôi, tấm ảnh đó còn quý giá hơn tất cả mọi tài sản trong nhà. Cũng là câu chuyện về di ảnh liệt sĩ, ông Long Văn Thất, thôn Nà Chá, xã Vi Hương, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn), người thờ cúng Liệt sĩ Long Thị My nói: Mới đây, biết được chị My có chụp ảnh chung với một người bạn bên xã Quân Bình, tôi đến năn nỉ mượn về, nhờ thợ phục chế thành ảnh chân dung thờ chị. Khi nhận lại hình, tôi lặng người khi ngắm nhìn cô gái xinh đẹp, nụ cười tươi tắn, mang trang phục TNXP, đầu đội mũ cát có gắn sao năm cánh trong ảnh. Nụ cười đó giống như in với hình ảnh lần cuối chị về thăm nhà, ngồi ở bên thềm nhổ tóc sâu cho mẹ trong trí nhớ của tôi.

Có gì đó rất thiêng liêng mà không thể lý giải. Bởi trong tâm niệm của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, ít ai giữ lại ảnh mình chụp chung với người đã về với tổ tiên. Nhưng hầu hết những người bạn của các liệt sĩ đã âm thầm gìn giữ hình ảnh đó như bảo vật riêng mình. Dù đã sau mấy mươi năm, ảnh đã hoen ố nhưng tình cảm vẫn vẹn nguyên. Ông Tô Văn Huân, người thờ cúng Liệt sĩ Tô Thị Phùng cho biết: Năm 2015, biết bạn cô Phùng (ông Huân gọi liệt sĩ Phùng bằng cô ruột) có giữ hộ tấm ảnh thẻ. Tôi đến xin lại thì ảnh đã rất mờ, nhìn không còn rõ. Nhưng một thợ ảnh ngoài phố đã giúp phục chế lại để gia đình có ảnh thờ cô…

Mấy mươi năm trôi qua, nhưng hình ảnh các Anh hùng Liệt sĩ TNXP vẫn luôn khắc sâu trong lòng người thân và đặc biệt là đồng đội của họ. Bà Bùi Thị Loan, thôn Bản Lắc, xã Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn bùi ngùi: Về lại chốn cũ, tôi được sống lại thời tuổi trẻ. Tôi nói chuyện ngày xưa đi làm đường, tải quân lương cho các bạn tôi nghe. Chuyện của chúng tôi - chỉ TNXP chúng tôi mới hiểu…

Rồi bà nói ào ào: Trong Đại đội có 2 người tên Loan, gồm tôi và chị Nguyễn Thị Loan, người xã Côn Minh, huyện Na Rì (Bắc Kạn). Chúng tôi đều bị bom vùi, chị Loan hy sinh tại chỗ, còn tôi may mắn sống sót nhưng phát điên mấy tháng, bỏ đơn vị đi lang thang. May được đơn vị đón về đưa vào bệnh viện chữa trị, khỏi bệnh, tôi tiếp tục làm TNXP.

Không riêng bà Loan, những cựu TNXP Đại đội 915 và thân nhân liệt sĩ tôi gặp ở Khu Di tích đều mở lòng như để trút vơi đi giọt nước mắt dồn nén tâm can. Cả như ông Trần Văn Phình, tổ dân phố 13, phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên), nguyên thủ kho thuộc Trạm trung chuyển (Ty Lương thực Bắc Thái) cũng ngân ngấn nước mắt.

Ông kể: Cuối ngày làm việc hôm đó, trước cửa kho tôi quản lý có 2 nữ TNXP tới xin ngô về rang ăn đợi cơm đơn vị. Tôi bảo các chị cứ lấy gạo về nấu ăn, có sức phục vụ tiền tuyến. Một chị nói: Không được, chúng em chỉ xin ngô thôi, còn gạo để anh em bộ đội ở chiến trường ăn lấy sức đánh giặc. Nhưng ngô chưa rang chín thì các chị đã hy sinh.

Chợt đâu đó có làn gió lạc đường mang theo mùi trầm thơm khắc khoải. Tôi cúi đầu trước vong linh liệt sĩ TNXP. Các anh chị đã góp máu xương mình cùng hàng triệu con dân đất Việt làm nên ngày 2 miền đất nước thống nhất.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/tin-tuc/chinh-tri/khoang-thieng-915-284702-97.html