Khoảng tối của bóng đá Việt Nam

Việc sở hữu một ông bầu, doanh nghiệp chống lưng vẫn là điều kiện cần để một CLB có thể tồn tại ở bóng đá Việt Nam. Bóng đá dù nỗ lực đến thế nào vẫn chưa đủ để nuôi sống được chính bản thân.

 Đội bóng có lịch sử lâu đời Long An để lại nhiều tiếc nuối khi bỏ giải.

Đội bóng có lịch sử lâu đời Long An để lại nhiều tiếc nuối khi bỏ giải.

Chỉ trong vài ngày, bóng đá Việt Nam đón nhận vài thông tin vừa lạ vừa quen. Một: Hai CLB sẽ bỏ không tham dự giải hạng Nhất vì gặp vấn đề tài chính. Hai: Một CLB cũng tại giải hạng Nhất đột ngột mang về hàng loạt tuyển thủ quốc gia sau khi vừa đổi tên.

Sau hơn 20 năm "lên chuyên", bóng đá Việt Nam vẫn khiến người hâm mộ bất ngờ vì những câu chuyện kiểu này.

Bóng đá không nuôi được bóng đá

Vấn đề cốt lõi trong những xung đột của bóng đá Việt Nam thực tế cũng chỉ xoay quanh tiền. CLB Phú Nhuận và Long An không tìm được nguồn kinh phí đủ để tham dự giải. 25 tỷ đồng được xem là con số để tham dự giải hạng Nhất, nhiều hơn khoảng 18-20 tỷ so với số tiền vận động tài trợ của mỗi CLB. Khi tỉnh không tài trợ khoản kinh phí này, việc tham dự giải đấu trở nên bất khả thi.

Ở chiều ngược lại, CLB trẻ TP.HCM sau khi nhận hỗ trợ từ một ngân hàng lập tức vung tiền để mua người, và nghiễm nhiên trở thành ứng viên số một cho suất thăng hạng.

Không có luật cấm CLB trẻ TP.HCM vung tiền tăng cường lực lượng. Cũng không có luật cấm Phú Nhuận hay Long An sống chết kiếm đủ tiền để tham dự giải. Song hai câu chuyện diễn ra song song này là đủ để thấy sự phân hóa giàu nghèo giữa các CLB tại Việt Nam lúc này lớn đến thế nào.

Công bằng thì việc phân hóa giàu nghèo kiểu này cũng diễn ra ở nhiều quốc gia phát triển. Southampton có thể vĩnh viễn không thể chi tiền bằng Chelsea, nhưng Southampton chắc chắn nuôi sống được chính mình thông qua nhiều nguồn thu.

Tiền bản quyền truyền hình (BQTH), tiền bán vé và tiền tài trợ/quảng cáo là các nguồn thu cơ bản giúp bất kỳ CLB Anh nào duy trì sự tồn tại trước khi thực hiện các tham vọng riêng. Trong số này, tiền bản quyền truyền hình đóng vai trò then chốt. Chỉ cần thăng hạng Premier League, số tiền nhận được từ BQTH của một đội bóng Anh sẽ nhiều hơn tiền BQTH của đội vô địch Italy hay Pháp, Đức.

Giờ hãy bàn tới các nguồn thu này tại việt Nam. Bản quyền truyền hình của V.League, giải hạng Nhất quốc gia và cúp Quốc gia giai đoạn 2023-2027 có giá 2,5 triệu USD, một con số kỷ lục. Nhiều nguồn tin khẳng định một CLB V.League sẽ nhận khoảng 1-2 tỷ đồng/năm từ BQTH trong 5 năm.

Đội hạng Nhất sẽ nhận ít hơn. Với "điều kiện cần" 25 tỷ cho một CLB tại giải hạng Nhất, khoản tiền BQTH rõ ràng chẳng thấm vào đâu. Với V.League, khi con số lên tới 60-70 tỷ đồng/mùa giải, 1-2 tỷ có thể chỉ đủ để thưởng cho các cầu thủ trong giai đoạn lượt đi.

Tiền bán vé và tiền tài trợ/quảng cáo là câu chuyện với cơ chế buồn khác. Khán giả sẽ tới xem Phú Nhuận và Long An đá bằng động lực nào? Trong bối cảnh kinh tế sa sút vì nhiều lý do ngoại cảnh, đi xem và tài trợ bóng đá không nằm trong kế hoạch của khán giả lẫn nhiều nhãn hàng.

Việc sở hữu một ông bầu, doanh nghiệp chống lưng vẫn là điều kiện cần để một CLB có thể tồn tại ở bóng đá Việt Nam. Bóng đá dù nỗ lực đến thế nào vẫn chưa đủ để nuôi sống được chính bản thân.

 CLB Phú Nhuận bỏ giải hạng Nhất dù vừa dốc sức lên hạng. Ảnh: Trang Bùi.

CLB Phú Nhuận bỏ giải hạng Nhất dù vừa dốc sức lên hạng. Ảnh: Trang Bùi.

Vì sao các ông bầu thích "nuôi" bóng đá?

Có nhiều lý do khiến bóng đá là cuộc chơi nhiều ông bầu/doanh nghiệp ưa thích. Một, đây là lĩnh vực nằm trong "vùng xám". Độc giả sẽ khó tìm thấy một ông bầu vướng phải những rắc rối pháp lý vì đầu tư vào thể thao. Chi tiền vào một CLB bóng đá là cách an toàn để duy trì dòng tiền kinh doanh.

Hai, lĩnh vực này đảm bảo hình ảnh tích cực của các ông bầu/doanh nghiệp với công chúng. Những ông bầu bóng đá thuộc dạng nổi tiếng nhất Việt Nam cũng như thế giới, dù làm gì ở lĩnh vực kinh doanh của họ, chắc chắn không thể xây dựng được hình ảnh tốt với khán giả đại chúng bằng việc đầu tư vào bóng đá cùng các hoạt động xã hội hóa theo kèm (Roman Abramovich chẳng hạn). Đảm bảo hình ảnh cũng đồng nghĩa với nâng tầm giá trị thương hiệu doanh nghiệp của chính các ông bầu.

Đầu tư vào bóng đá vì vậy là mũi tên trúng nhiều đích.

Dĩ nhiên, vì bóng đá không thể nuôi bóng đá, nên cuộc chơi này không dành cho những người... ít tiền, thiếu kiên nhẫn hoặc tin rằng đây là cách kiếm lời. Nhiều ông bầu khét tiếng đã rời khỏi bóng đá Việt Nam với lý do tương tự mà chính CLB Long An là ví dụ không thể rõ ràng hơn.

Việc một ngân hàng nổi lên trong thời gian gần đây khi đầu tư mạnh cho các CLB tại cả V.League lẫn giải hạng Nhất thực tế chỉ là hình ảnh lặp lại của nhiều cuộc chơi từng tồn tại suốt hơn 20 năm qua ở bóng đá Việt Nam. Không có gì đảm bảo mô hình này sẽ bền vững. Một ngày đẹp trời ông bầu đứng sau cạn tiền, niềm tin, hoặc đơn giản không còn thấy vui, cuộc chơi coi như chia ván mới.

Vậy có cách nào để bóng đá Việt Nam tốt lên hay không? Làm cách nào để các CLB vừa có nền tảng đủ tốt để tham dự những giải đấu, vừa kiếm được tiền mà không cần nhờ các ông bầu hoặc doanh nghiệp chống lưng?

Nếu đi tới tận cùng của xung đột kiểu này, vấn đề sẽ vượt khỏi thể thao. Chúng ta sẽ phải trả lời câu hỏi: Bóng đá liệu giúp gì được cho xã hội Việt Nam ngoài giải trí, công ăn việc làm cho một số ít lao động, các cầu thủ triệu phú với lối sống xa hoa…? Nếu kỳ vọng và thực tế của bóng đá chỉ dừng lại ở mức này, rất khó để viễn cảnh như trên thay đổi.

Trên thực tế, không có câu trả lời đúng hay sai cho hoạt động như bóng đá. Điều quan trọng là được bao nhiêu khi đúng và mất bao nhiêu khi sai. Đến lúc này, thứ được từ bóng đá Việt Nam là niềm vui, thứ mất là niềm tin về những giải đấu đôi chút méo mó với khác biệt giàu nghèo ngày càng lớn, cùng rất ít giải pháp để cải thiện vấn đề.

Đấy là thực trạng không dễ chấp nhận của bóng đá Việt Nam. Bóng đá vẫn chưa nuôi được bóng đá. Đâu đó vẫn có những con người cố gắng để làm mọi thứ tốt hơn ngày hôm qua, nhưng lúc này thì chưa.

Cô Ban

Nguồn Znews: https://znews.vn/khoang-toi-cua-bong-da-viet-nam-post1466137.html