Khoảng trống lao động sau tuổi 35 - Kỳ 1: Khi lao động 'hết hạn sử dụng'

Sự thật về số lượng lớn lao động lớn tuổi bị thải loại và khó khăn trong tìm việc mới.

Trong khu vực sản xuất tư nhân, đặc biệt là tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từ lâu đã tồn tại khái niệm “lời nguyền tuổi 35”. Tuổi được xem là chín muồi về kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, lại là lúc người lao động đứng trước nguy cơ mất việc hoặc bỏ việc. Họ, đặc biệt là công nhân nữ, sẽ đi đâu, làm gì để duy trì thu nhập, chăm lo cuộc sống và gia đình? Dưới góc nhìn vĩ mô, việc số lượng lớn người lao động “cứng tuổi” rời khỏi thị trường sẽ tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống an sinh, để lại khoảng trống đáng báo động cho lực lượng lao động toàn xã hội.

 Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch lưu động của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Người lao động tìm việc tại phiên giao dịch lưu động của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Để tìm hiểu sâu hơn, nhóm phóng viên Thời Nay đã khảo sát, phỏng vấn trực tiếp nhiều lao động, đại diện doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong cả nước và các cơ quan quản lý, nghiên cứu. Ghi nhận cho thấy, sau ngưỡng 35 tuổi, nhiều người lao động đã bị "đẩy ra rìa" thị trường một cách âm thầm nhưng đầy tổn thương.

Theo quy định nhà nước, tuổi nghỉ hưu trong khu vực công hiện là hơn 61 tuổi với nam, hơn 56 tuổi với nữ. Nhưng tại khu vực tư nhân, trong các nhà máy, xí nghiệp của doanh nghiệp FDI, hầu như không thể tìm thấy một công nhân đứng chuyền nghỉ hưu tại công ty. Họ đã bị thải loại, hoặc nghỉ việc từ khi 35-40 tuổi. Tuổi xuân đã qua, tuổi già chưa tới, người lao động hoang mang, chới với trên bước đường mưu sinh.

Vết xe “sa thải mềm”

Một ngày giữa năm 2022, chị Phạm Thị Thơm (Yên Mô, Ninh Bình) bàng hoàng hay tin công ty da giày, nơi chị gắn bó hơn 5 năm, quyết định cho cả nghìn nữ công nhân nghỉ việc. Lý do vì không có đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chị Thơm, khi ấy 34 tuổi, trong diện bị thải loại: Công ty có hơn 2.000 công nhân, cho nghỉ non nửa, phần lớn là lao động lớn tuổi. “Thời điểm đó, mỗi tháng tôi nhận 5 triệu đồng tiền lương, thu nhập khoảng hơn 7 triệu đồng tính cả chuyên cần, tăng ca. Bỗng dưng mất việc, không biết ngày mai làm gì nuôi gia đình. Vốn không, ruộng cũng chẳng còn. Lo đến phát khóc!”, chị Thơm nhớ lại. Rồi chị đành mua ít bàn ghế nhựa, mở quán nước chè nhỏ trong làng, chật vật kiếm từng đồng lẻ nuôi hai con đang tuổi ăn học.

Sinh năm 1963, bà Trần Thị Tú Oanh (TP Nam Định, Nam Định) từng có hơn 10 năm làm công nhân may. Đầu những năm 2000, bà bị thải loại với số tiền hỗ trợ thất nghiệp vài trăm nghìn đồng. Loay hoay mãi, bà vay tiền thuê cửa hàng, làm đại lý ở Nam Định cho một doanh nghiệp may mặc trong Khánh Hòa. Ổn định được một thời gian dài, đến khi mua sắm online bùng nổ, tuổi cũng đã cao, bà quyết định đóng cửa, chuyên tâm… bế cháu. Bà Oanh tâm sự: Nhìn lại, tôi thấy mình còn may mắn. Hầu hết những chị em đồng nghiệp ngày ấy giờ đều nghèo, cuộc sống rất vất vả. Cuộc sống thường ngày đã vậy, nhưng những lúc ốm đau mới “thấm” vì không có lương hưu, không có tích lũy. Có người tóc đã bạc phơ vẫn ngày ngày ngược xuôi buôn thúng, bán mẹt…

Năm 2023, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam thực hiện tới bốn đợt sa thải lao động, tổng số hơn 9.200 người. Số liệu của đợt thứ 4 (1.221 người) cho thấy, lao động 30-40 tuổi chiếm 47%, hơn 40 tuổi chiếm 48%. Về quá trình làm việc, có đến 43% số lao động phải nghỉ đã gắn bó hơn 10 năm; 46,5% gắn bó từ 15 năm. Trong “cơn bão mất việc” thời điểm đó, chị Nguyễn Ngọc Hương (39 tuổi) không trụ lại được, phải về quê nhà Long An. Ở đây ít doanh nghiệp, phần lớn lại chỉ tuyển lao động từ 18-35 tuổi, nên chị không tìm được việc mới. Cực chẳng đã, chị Hương phải đi rửa chén thuê cho các nhà hàng. Công mỗi ngày 100 nghìn đồng, việc cũng thi thoảng mới có.

Có nhiều cách để doanh nghiệp buộc người lao động lớn tuổi phải nghỉ việc: Trực tiếp chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc không cho tăng ca, thuyên chuyển sang bộ phận “ngồi chơi xơi nước” để công nhân không có thu nhập, phải tự nghỉ. Đây được gọi là “sa thải mềm”, tức là loại trừ lao động để giảm chi phí lương, các loại bảo hiểm, trợ cấp. Theo đó, lợi ích của chủ sử dụng lao động được tối ưu hóa, nhưng gánh nặng an sinh lại đẩy sang cho xã hội.

Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Việc làm, Bộ Nội vụ thừa nhận: Thực trạng lao động từ 35 tuổi trở lên bị thải loại và gặp khó khăn khi tìm việc làm mới là có thật. Lao động lớn tuổi (từ 35 tuổi trở lên) càng dễ mất việc trong các ngành giản đơn, thâm dụng lao động như dệt may, da giày, chế biến thủy sản, điện tử...

Bà Quyên bổ sung thêm, thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương, một số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức sẽ rời khỏi khu vực công để tham gia thị trường lao động ngoài nhà nước, khiến sự cạnh tranh việc làm ở khu vực này dự báo sẽ còn khốc liệt hơn nữa.

Vì sao lao động lớn tuổi dễ bị thải loại, khó tìm việc mới?

Nhiều lý do được đưa ra, phổ biến là họ không cạnh tranh được lớp trẻ về sức khỏe, năng suất lao động, khả năng linh hoạt thích ứng, cập nhật cái mới khi doanh nghiệp nâng cao hệ thống máy móc, công nghệ sản xuất. Lao động nữ lớn tuổi càng gặp nhiều khó khăn hơn do định kiến về giới và vai trò gia đình. Các doanh nghiệp cho rằng, họ dễ mất tập trung công việc do bận chăm sóc con cái.

Nhưng đó chỉ là bề nổi. Còn nhiều điều quan trọng khác, ít hoặc không được nói đến. Đó là trong mắt chủ doanh nghiệp, lao động lớn tuổi là gánh nặng về phụ cấp thâm niên và chi phí bảo hiểm. Có nghiên cứu chỉ ra rằng, chi phí lương, bảo hiểm cho một công nhân 40 tuổi có thể “bù” được từ 2-3 công nhân mới vào làm. Quan trọng nhất, lao động lớn tuổi không sẵn sàng, hoặc không đủ sức tăng ca liên tục như lao động trẻ. Thêm nữa, do có thâm niên làm việc, tích lũy kinh nghiệm, những công nhân trên 35 tuổi thường có chính kiến mạnh, có uy tín, là hạt nhân của những phong trào đòi quyền lợi, phổ biến nhất là tăng suất ăn ca, tăng lương, giảm giờ làm... Chừng ấy “vấn đề” đủ để trở thành rào cản cho mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận doanh nghiệp. Thật dễ hiểu vì sao “giới chủ” muốn thải loại họ!

Quá trình thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên gặp nhiều khó khăn trong liên hệ làm việc với các hội và cơ quan quản lý nhà nước. Đầu tháng 1/2025, Báo Nhân Dân đã gửi công văn đặt lịch làm việc với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhưng chưa được bố trí. Do thực hiện chủ trương “tinh-gọn-mạnh” của Trung ương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sáp nhập vào Bộ Nội vụ, vì vậy chúng tôi tiếp tục gửi công văn liên hệ Bộ Nội vụ. Sau nhiều lần trì hoãn, đến tháng 4/2025, buổi làm việc mới được diễn ra. Trong khi đó, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam “cáo bận”, còn Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, văn bản này hoàn toàn là nội dung tuyên truyền theo... ý của đơn vị, không liên quan vấn đề nhóm phóng viên cần tìm hiểu.

Ngoài vùng an sinh

Theo số liệu của Cục Việc làm, Bộ Nội vụ, năm 2023, cả nước có khoảng 372 nghìn lao động từ 35 tuổi trở lên thất nghiệp, chiếm khoảng 34,2% tổng số người thất nghiệp (khoảng 1,089 triệu người). Cùng năm, cả nước có khoảng 641 nghìn lao động từ 35 tuổi trở lên thiếu việc làm, chiếm tới 63,9% tổng số người thiếu việc làm (1,003 triệu người). Kết quả báo cáo tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp năm 2024 cho thấy, có gần 480 nghìn người lao động từ 35 tuổi trở lên nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm 51,97% tổng số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cả nước (hơn 923 nghìn người).

Tiến trình công nghiệp hóa của nước ta, với dấu mốc là sự hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tiên đến nay đã qua hơn 30 năm. Trong suốt vài thập kỷ ấy, có biết bao nhiêu thế hệ lao động lớn tuổi bị thải loại, rời khỏi khu vực có quan hệ lao động và không tìm được việc làm mới. Con số ước tính phải hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu người!

Theo điều tra tháng 5/2017 của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), tồn tại phổ biến tình trạng công nhân, lao động ở độ tuổi ngoài 30, đặc biệt là nữ công nhân phải nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Trong số lao động nữ từ 35-45 tuổi bị thất nghiệp, khoảng 43,1% làm công việc tự do; 17,2% làm công việc buôn bán; 15,3% về nhà làm công việc nội trợ; 13,3% làm ruộng và hơn 11% bán hàng rong. Đối với lao động nữ, phần lớn (82,6%) là bán hàng rong và bán nước, 12,1% làm công việc tự do không thường xuyên.

Nghiên cứu cũng nêu rõ: Tuổi càng tăng, khả năng mất việc của người lao động càng cao. Sau thất nghiệp ở độ tuổi 40-45, có khoảng 70% số phụ nữ làm công việc nội trợ gia đình, công việc tự do. Chỉ có hơn 27% buôn bán nhỏ và hơn 13% lao động nữ quay trở lại làm nông nghiệp.

Có thể thấy, phần lớn công nhân lớn tuổi mất việc chuyển sang khu vực lao động phi chính thức. Khi không còn con đường nào khác, họ chấp nhận bước vào “vùng rủi ro”, không có giao kết việc làm và không được bảo vệ quyền lợi. Một báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khẳng định, ở khu vực phi chính thức, thu nhập của người lao động chỉ bằng khoảng 60-70% khu vực lao động chính thức.

Theo TS Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Công nhân và Công đoàn, cuộc khảo sát năm 2017 là nghiên cứu duy nhất về công nhân lao động lớn tuổi mất việc mà đơn vị thực hiện. Từ đó đến nay, chưa có thêm một cuộc điều tra, khảo sát nào về đối tượng này. Ông Linh thừa nhận, dù có rất nhiều quy định về hỗ trợ đào tạo nghề nói chung, nhưng Nhà nước chưa hề có chính sách dành cho lao động lớn tuổi mất việc.

Ông Ngô Xuân Liễu, Giám đốc Trung tâm Quốc gia Dịch vụ việc làm, Bộ Nội vụ cho rằng, ngay chuyện lao động sau 35 tuổi bị thải loại đi đâu, làm gì cũng… không ai biết, nên rất khó có cơ chế, chính sách hỗ trợ họ. “Gần đây, chúng ta hoàn thiện được hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia, nên đó có thể là cơ sở để xây dựng chính sách cho đối tượng này”, ông Liễu đưa ra một gợi ý.

Cả nước hiện có khoảng 3 triệu lao động đang làm việc trong hơn 400 khu công nghiệp, khu chế xuất. Mỗi năm, có hàng trăm nghìn lao động lớn tuổi mất việc, nghỉ việc. Trước khoảng trống lớn đối với lực lượng lao động toàn xã hội, cũng tồn tại tương ứng một “khoảng trống” về cơ chế, chính sách an sinh. Nói cách khác, sau khi mất việc, những người lao động lớn tuổi đã bị bỏ quên.

Nhưng khoảng trống lao động sau tuổi 35, hệ quả của mâu thuẫn “doanh nghiệp - lao động lớn tuổi” không chỉ đến từ tác động một chiều. Doanh nghiệp chủ động thải loại người lao động, nhưng cũng có khi chính họ chủ động rời bỏ doanh nghiệp.

(Còn nữa)

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI NAY (NDO)

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/khoang-trong-lao-dong-sau-tuoi-35-ky-1-khi-lao-dong-het-han-su-dung-post319537.html