Những dự án, công trình tạo bứt phá cho TP.HCM

Dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 30-4-2025), cuối tuần qua, hàng loạt công trình trọng điểm ở TP.HCM được khởi công, khánh thành như nhà ga T3, cao tốc Bến Lức - Long Thành, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ… mang đến niềm vui, sự phấn khởi cho người dân TP.

Trong những công trình được khởi công, phải kể đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, siêu dự án đầy tham vọng của TP.HCM, đang được định hướng theo chuẩn mực ESG (môi trường - xã hội - quản trị) quốc tế.

Để làm rõ tiềm năng, thách thức và hướng phát triển bền vững dự án này trong chiến lược kinh tế biển quốc gia, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, chuyên gia hàng đầu về biển, đảo (*).

Cực tăng trưởng biển mới

. Phóng viên: Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ hướng tới một đô thị sinh thái, cân bằng giữa kinh tế - xã hội và môi trường. Ông đánh giá thế nào về vị trí và vai trò của dự án này đối với sự phát triển của TP.HCM và liên kết kinh tế vùng, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương sắp hợp nhất?

 PGS-TS Nguyễn Chu Hồi.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi.

+ PGS-TS Nguyễn Chu Hồi: Khu đô thị lấn biển Cần Giờ có tiềm năng trở thành một cực phát triển mới của TP.HCM. Nó sẽ là một trung tâm thu hút các nguồn lực mới, bao gồm cả lực lượng lao động chất lượng cao, tạo ra động lực tăng trưởng mới.

Việc xây dựng Cần Giờ theo mô hình một TP thông minh, xanh, sạch và bền vững là phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Lựa chọn hướng đi này giúp chúng ta tránh tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tận dụng lợi thế của người đi sau, không lặp lại những bất cập mà các đô thị hiện hữu trên đất liền, kể cả TP.HCM, đang đối mặt. Đây là cơ hội để đi tắt, rút ngắn khoảng cách phát triển đô thị.

 Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGỌC HÓA

Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ nhìn từ trên cao. Ảnh: NGỌC HÓA

Với những tiềm năng và lợi thế vượt trội đó, tôi tin TP.HCM sẽ phát huy được vai trò đầu tàu kinh tế nói chung và đầu tàu kinh tế biển nói riêng. Sự phát triển của đô thị biển Cần Giờ không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của TP mà còn thúc đẩy việc tổ chức lại liên kết vùng theo tư duy và bình diện phát triển mới.

. Với khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, vị thế kinh tế biển của TP.HCM sẽ thay đổi như thế nào? Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm quốc tế nào trong việc phát triển các đô thị biển quy mô lớn?

+ Hiện nay, cách tiếp cận đô thị trên thế giới là theo hệ sinh thái, không làm các đô thị tập trung quá lớn mà phát triển các đô thị vệ tinh, kết nối với nhau bằng hệ thống giao thông đa dạng đường bộ, đường sắt, metro, hàng không và đặc biệt là đường thủy - yếu tố cực kỳ quan trọng với vùng cửa sông như TP.HCM.

Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các vùng cửa sông tương tự trên thế giới như khu vực Saint Petersburg (Nga) với hệ thống kênh rạch và 59 cây cầu kết nối, hay vùng Maryland và Baltimore (Mỹ) ở phía bắc Washington, D.C., có cấu trúc rất giống vùng cửa sông Sài Gòn.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (thứ tư từ phải sang) trong một nghi thức để khánh thành nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19-4. Ảnh: NGUYỆT NHI

Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa), Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên (thứ tư từ phải sang) trong một nghi thức để khánh thành nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất hôm 19-4. Ảnh: NGUYỆT NHI

Khi nói đến chiến lược và thương hiệu biển Việt Nam, chúng ta có Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết xác định sáu lĩnh vực kinh tế biển quan trọng cần ưu tiên:

Du lịch và dịch vụ biển (mục tiêu đứng đầu vào năm 2030).

Kinh tế hàng hải (trọng tâm là khai thác cảng biển và dịch vụ logistics).

Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác.

Nuôi trồng và khai thác hải sản (ưu tiên nuôi biển và công nghệ cao).

Công nghiệp ven biển (ưu tiên công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ cao).

Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới (điện gió ngoài khơi, điện mặt trời trên biển...).

Tam giác phát triển kinh tế biển

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi cho rằng trong bối cảnh không gian phát triển mới của TP.HCM được mở rộng ra hướng biển, bao gồm cả yếu tố thềm lục địa và đảo (như Côn Đảo sau này), lợi thế về biển của TP trong tương lai là rất lớn.

“Việc đô thị Cần Giờ ra đời đặt ra nhu cầu quy hoạch kết nối một hệ sinh thái đô thị biển, có thể bao gồm đô thị đảo ở Côn Đảo và nâng cấp đô thị ven biển Vũng Tàu, hình thành một “tam giác vàng” phát triển kinh tế biển mạnh mẽ cho TP.HCM. Sắp tới, khu vực này cũng có tiềm năng lớn về phát triển điện gió ngoài khơi, có thể tiên phong trong hợp tác công tư” - ông Hồi đánh giá.

Trong đó, các ngành kinh tế biển mới là lĩnh vực cần tư duy đột phá. Tôi cho rằng đô thị Cần Giờ chính là hướng tới phát triển một ngành kinh tế biển mới: Kinh tế đô thị biển, bao gồm TP ven biển, TP đảo và tương lai có thể là TP nổi, thậm chí cả TP ngầm dưới đáy biển. Nếu cảng biển, du lịch được coi là kinh tế biển dù có yếu tố trên bờ thì tại sao kinh tế đô thị ven biển, vốn đóng góp tới 50% GDP của 28 tỉnh, thành ven biển, lại chưa được nhìn nhận tương xứng?

Phát triển kinh tế biển lần này không chỉ vì GDP mà phải đi cùng với sự thay đổi về chất: Khoa học công nghệ biển phải hiện đại; phải tạo sinh kế bền vững cho người dân (coi người dân là chủ thể, thu hút họ tham gia); phát huy khoa học công dân, kiến thức bản địa. Điều này sẽ tạo ra lực lượng lao động mới, quan hệ sản xuất mới, hiện đại hơn.

Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính theo hướng tăng số tỉnh/TP có yếu tố biển và kết nối duyên hải với lưu vực sông cũng cho thấy nhận thức rõ hơn về vai trò của biển và yêu cầu quản lý tổng hợp, liên ngành, liên vùng. Mọi nỗ lực phát triển dưới biển không thể thành công nếu không quản lý tốt các hoạt động trên đất liền.

Cần vận dụng tối đa cơ chế đặc thù để hiện thực hóa

. Theo ông, cần những giải pháp đột phá nào về cơ chế, chính sách, đặc biệt là hành lang pháp lý và việc ứng dụng khoa học công nghệ cho khu đô thị này, thưa ông?

+ Khu đô thị biển Cần Giờ nằm trên địa bàn TP.HCM nên đương nhiên được hưởng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã thông qua cho TP. Nếu cần những cơ chế đặc thù hơn nữa cho riêng dự án này, TP.HCM hoàn toàn có thể đề xuất và tôi tin Quốc hội sẽ ủng hộ.

Xu hướng sắp tới của Chính phủ là tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương như TP.HCM, trao cho TP tính chủ động cao hơn.

Với dự án Cần Giờ, việc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng trong nhiều năm, nhận được sự đồng thuận cao từ TP đến Trung ương, tôi tin rằng không có lý do gì để gặp khó khăn mà chỉ có thuận lợi.

Định hướng Cần Giờ là TP thông minh, xanh, sạch, bền vững đòi hỏi nền tảng công nghệ phải đi đầu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần các nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (như Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia).

Chủ đầu tư dự án - Tập đoàn Vingroup cũng là đơn vị có kinh nghiệm và nghiêm túc trong việc ứng dụng công nghệ vào các công trình lớn. Tôi tin tưởng dự án khu đô thị Cần Giờ sẽ trở thành hình mẫu, triển khai thành công các chủ trương lớn về phát triển bền vững và công nghệ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển của TP.HCM và cả nước.

. Xin cảm ơn ông.

(*) PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, đại biểu Quốc hội khóa XV, thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

Cơ hội vàng phát triển hài hòa của TP.HCM

Dự án khu đô thị du lịch biển Cần Giờ được xem là cơ hội vàng để hiện thực hóa khát vọng của TP.HCM trên nền tảng phát triển hài hòa và bền vững.

Một cam kết cốt lõi và xuyên suốt là dự án sẽ được triển khai trên diện tích lấn biển hoàn toàn mới, đảm bảo tính bất khả xâm phạm của toàn bộ vùng lõi rừng ngập mặn hiện hữu - “lá phổi xanh” vô giá của TP.

Để đảm bảo sự phát triển đi đôi với bảo tồn, việc dự án hoàn thành và được phê duyệt đánh giá tác động môi trường (ĐTM) là bước đi quan trọng, thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ESG đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ xanh, năng lượng tái tạo và các giải pháp xử lý nước thải, chất thải tiên tiến.

Với sự hợp lực giữa tầm nhìn chiến lược của Nhà nước, năng lực triển khai của nhà đầu tư và sự đồng hành, giám sát của các nhà khoa học và cộng đồng, khu đô thị sinh thái Cần Giờ hoàn toàn có thể trở thành biểu tượng cho sự phát triển cân bằng, nơi con người và thiên nhiên cùng song hành thịnh vượng.

TS VŨ NGỌC LONG, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam

Nền tảng phát triển đô thị
du lịch và giải trí đẳng cấp quốc tế

Tiềm năng lớn nhất và khác biệt nhất của Cần Giờ không chỉ nằm ở hệ sinh thái độc đáo, mà còn ở khả năng trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ và giải trí đẳng cấp thế giới, thu hút dòng khách quốc tế chi tiêu cao. TP.HCM hiện đang thiếu vắng những điểm đến thực sự đủ tầm cỡ để níu chân giới siêu giàu, những tổ hợp giải trí quy mô lớn hay những không gian sáng tạo đủ sức cạnh tranh toàn cầu. Cần Giờ có thể lấp đầy khoảng trống này.

Siêu đô thị này không chỉ cung cấp hạ tầng lưu trú cao cấp, mà còn phải tích hợp đầy đủ các tiện ích dịch vụ, vui chơi, mua sắm chuẩn quốc tế, đảm bảo logistics và quản lý vận hành chuyên nghiệp.

Việc phát triển theo mô hình siêu đô thị, đặc biệt khi tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn ESG, sẽ giúp tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, tạo ra sức hấp dẫn đầu tư đồng bộ và mạnh mẽ vào các ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao như du lịch hạng sang, công nghiệp giải trí, sáng tạo. Đây chính là cách để khai thác “giá trị thật” của Cần Giờ, biến nơi đây thành một điểm đến độc đáo trên bản đồ du lịch và giải trí thế giới, đóng góp thực chất vào nền kinh tế dịch vụ của TP.HCM.

TS HUỲNH PHƯỚC NGHĨA, chuyên gia kinh tế

TS VÕ KIM CƯƠNG, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM:

T3 cất cánh, hệ thống giao thông TP.HCM
cũng phải cất cánh theo

Việc khánh thành nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất được xem là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực “giảm nhiệt” cho khu vực vốn là điểm nóng giao thông nhiều năm qua. Khi đi vào vận hành, nhà ga này sẽ góp phần san sẻ áp lực giao thông lên các tuyến đường trọng yếu như Trường Sơn, Bạch Đằng - những cung đường vốn thường xuyên trong tình trạng quá tải, đặc biệt vào giờ cao điểm và dịp lễ, Tết.

Tuy nhiên, dù cùng với tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa tạo thêm một hướng tiếp cận quan trọng cho sân bay, hai dự án này mới chỉ giải quyết được phần ngọn của bài toán ùn tắc tại cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM.

Thực tế, khu vực này không chỉ là lối vào sân bay mà còn là đầu mối giao thông chiến lược, kết nối các tuyến từ Củ Chi, Hóc Môn và các tỉnh miền Tây đổ về trung tâm TP. Áp lực giao thông vì thế luôn ở mức cao, trong khi hạ tầng khu vực lại chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa và gia tăng phương tiện.

Riêng các tuyến đường như Cộng Hòa, Trường Chinh - hai trục xương sống của khu vực - vẫn thường xuyên rơi vào cảnh kẹt xe kéo dài, nhất là vào khung giờ cao điểm sáng - chiều. Điều này cho thấy để “giải cứu” cửa ngõ tây bắc một cách toàn diện, TP.HCM cần một chiến lược giao thông đồng bộ và tầm nhìn dài hạn, thay vì chỉ trông chờ vào một vài công trình đơn lẻ.

Trong bối cảnh TP.HCM đang nắm trong tay nhiều cơ chế, chính sách mang tính đột phá - đặc biệt là Nghị quyết 98 - TP đứng trước cơ hội vàng để bứt phá hạ tầng, hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại và bền vững.

Đây là thời điểm cần sự quyết tâm cao độ từ các sở, ngành, địa phương trong việc tăng tốc các công trình then chốt. Trước mắt, việc đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, tổ chức lại giao thông trục đường Cộng Hòa một cách khoa học, hợp lý là yêu cầu cấp bách nhằm gỡ “nút thắt” cửa ngõ tây bắc.

Đặc biệt, tuyến metro số 2 - dự án giữ vai trò kết nối trục đông - tây và đưa hành khách từ khu vực sân bay vào trung tâm TP - cần được ưu tiên nguồn lực và hành lang pháp lý để triển khai đúng tiến độ. Đây không chỉ là giải pháp giao thông, mà còn là một cú hích về phát triển đô thị theo hướng bền vững, văn minh.

Song song đó, mạng lưới giao thông công cộng cũng cần được thiết kế phủ sóng rộng khắp, đặc biệt là kết nối “mềm” vào các nhà ga như T3.

Ngay khi nhà ga này đi vào hoạt động, TP phải triển khai ngay hệ thống xe buýt kết nối, điều tiết theo nhu cầu thực tế, tránh để hạ tầng hiện đại bị “cô lập” trong một hệ sinh thái giao thông chưa hoàn chỉnh.

Trong cuộc đua với thời gian và nhu cầu phát triển, TP.HCM cần không chỉ hành động nhanh, mà còn hành động đúng - bằng những giải pháp lớn, tầm nhìn dài và sự phối hợp quyết liệt từ các sở, ban ngành.

PGS-TS CHU CÔNG MINH, giảng viên Bộ môn Cầu đường, ĐH Bách khoa TP.HCM:

Cao tốc, vành đai: Mở rộng không gian giao thông đô thị TP.HCM

Nhà ga T3 - dự án này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải áp lực nội địa - được xem là lời giải cho bài toán “nghẽn mạch” kéo dài tại Tân Sơn Nhất. Khi đi vào hoạt động vào cuối tuần qua, T3 hứa hẹn không chỉ giải tỏa sức ép bên trong sân bay mà còn tạo bước chuyển trong chiến lược phát triển hạ tầng hàng không quốc gia.

Riêng tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, kéo dài từ Công viên Hoàng Văn Thụ đến nút giao Trường Chinh - Cộng Hòa vừa đưa vào khai thác, kỳ vọng sẽ “chia lửa” cho tuyến Cộng Hòa - một trong những trục giao thông huyết mạch nhưng thường xuyên tê liệt vì kẹt xe suốt nhiều năm qua. Đây là lời giải cần thiết trong bối cảnh đường Cộng Hòa đang oằn mình gánh chịu lượng phương tiện khổng lồ mỗi ngày.

Tuyến đường mới không chỉ mở thêm một hướng tiếp cận cho sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp phân luồng hiệu quả, giảm áp lực trực tiếp lên các điểm nghẽn quen thuộc. Tuy nhiên, để tuyến đường phát huy tối đa hiệu quả, cần có cái nhìn tổng thể, tránh tình trạng “chuyển điểm nghẽn” từ chỗ này sang chỗ khác.

Nếu chỉ đơn thuần mở thêm một tuyến song song mà giữ nguyên hai nút giao ở hai đầu - Trần Quốc Hoàn và Trường Chinh (Mũi Tàu) - thì nguy cơ dồn ứ giao thông tại chính hai điểm này là điều khó tránh. Bài toán đặt ra là cần những giải pháp đồng bộ, tính toán kỹ lưỡng để không chỉ “giải cứu” đường Cộng Hòa mà còn tạo ra một trục giao thông bền vững, thông suốt cho toàn khu vực cửa ngõ Tân Sơn Nhất, cửa ngõ tây bắc TP.HCM.

Bên cạnh đó, việc thông xe kỹ thuật và chuẩn bị đưa vào khai thác thêm khoảng 20 km cao tốc Bến Lức - Long Thành, từ nút giao Quốc lộ 1 đến nút giao Nguyễn Văn Tạo sẽ giúp đoạn tuyến cao tốc phía tây được đồng bộ, thông suốt.

Theo đó, giúp kết nối trực tiếp từ cửa ngõ phía tây đến Quốc lộ 50, các địa phương thuộc tỉnh Long An, cảng Hiệp Phước, giảm thiểu thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa, đồng thời giúp giảm áp lực giao thông trên các tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (đoạn nút giao Chợ Đệm), đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 50 và một số tuyến đường huyết mạch của TP.HCM.

Trong nhiều năm qua, TP.HCM chủ yếu tập trung mở rộng mặt đường, cải tạo các nút giao - những giải pháp mang tính ngắn hạn, giúp giảm tải tạm thời nhưng chưa đi đến tận gốc bài toán ách tắc giao thông. Trong khi đó, hạ tầng chiến lược như các tuyến đường vành đai - vốn được xem là “xương sống” kết nối liên vùng và phân luồng từ xa - lại chưa được đầu tư đúng mức.

Việc khởi công một gói thầu thuộc dự án đường vành đai 2 mới đây là tín hiệu tích cực, đánh dấu bước chuyển mình trong tư duy phát triển hạ tầng. Tuy là một phần nhỏ trong tổng thể nhưng đó là bước đi đầu tiên hướng tới mục tiêu lớn hơn: Xây dựng hệ thống vành đai khép kín, tạo hành lang vận chuyển hiện đại, giảm áp lực cho khu vực nội đô.

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và áp lực giao thông ngày càng tăng, việc đẩy nhanh tiến độ các tuyến vành đai - đặc biệt là các đường vành đai 2, 3 và 4 - cần được xem là ưu tiên hàng đầu, bất chấp những khó khăn về vốn, giải phóng mặt bằng hay kỹ thuật. Đây không chỉ là giải pháp giao thông, mà còn là nền tảng để mở rộng không gian phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng tầm đô thị trong dài hạn.

NHƯ NGỌC ghi

QUANG HUY

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-du-an-cong-trinh-tao-but-pha-cho-tphcm-post845578.html