Khoảng trống nguồn nhân lực trong bức tranh tiềm năng của ngành logistics

Ngành logistics Việt Nam được đánh giá là giàu tiềm năng và đang thu hút đầu tư trong và ngoài nước mạnh mẽ. Song, thực tế cho thấy nếu không giải được 'bài toán' nhân lực đang vừa thiếu vừa yếu, ngành logistics Việt sẽ khó phát huy được tiềm năng và tận dụng được cơ hội để phát triển.

Sinh viên Đại học Đại Nam đang tham gia thực tế tại một doanh nghiệp logistics. Ảnh minh họa: Đại học Đại Nam

Sinh viên Đại học Đại Nam đang tham gia thực tế tại một doanh nghiệp logistics. Ảnh minh họa: Đại học Đại Nam

Nhân lực quá mỏng so với tiềm năng

Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam có gần 34.500 doanh nghiệp dịch vụ logistics. Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.

Tại diễn đàn quốc tế với chủ đề Phát triển kỹ năng nhân lực ngành logistics được tổ chức cuối năm 2023, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40 – 42 tỉ đô la Mỹ/năm, logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam.

Ông Dũng cho biết mục tiêu của Việt Nam đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8-10%; tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%… Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh, trong đó, phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Tuy nhiên trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong ngành nhận định nhân lực mỏng và yếu đang làm hạn chế năng lực tiếp cận cơ hội trên thị trường.

Khảo sát từ Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam cho biết dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics của Việt Nam trên 200.000 người. Trong khi khả năng đáp ứng của khối đào tạo chỉ khoảng 10% nhu cầu thị trường. Hiện số lao động được đào tạo bài bản chỉ chiếm 5 – 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Còn Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam dự báo, đến năm 2030, ngành logistics ở nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực. Trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao, có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ. Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp từ các đơn vị đào tạo chỉ có 2.500 sinh viên, học viên mỗi năm.

Về chất lượng nhân sự ngành này, ông Đào Trường Thành, Trưởng khoa Kinh tế và Đô thị, trường Đại học Thủ đô Hà Nội nhận định, tại các doanh nghiệp Việt Nam nhân sự logistics chỉ có khoảng 10% đáp ứng được yêu cầu. Trong đó chỉ 7% là qua đào tạo chính quy, bài bản.

Ông Thành cho rằng thực trạng nhân sự logistics nêu trên là vừa yếu vừa thiếu. Một trong những nguyên nhân doanh nghiệp khó tuyển nhân sự logistics chất lượng cao là do thực trạng đào tạo hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cụ thể, cả nước hiện chỉ có khoảng 50 trường đại học đào tạo đúng chuyên ngành logistics và số lượng sinh viên vào học chuyên ngành này chưa nhiều.

Trong khi đó, dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phương, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Đỏ chia sẻ, tập đoàn này đang tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực mới là logistics. Thế nhưng, khó khăn nhất mà tập đoàn này đang gặp phải là tìm kiếm nguồn nhân lực đầu vào với chất lượng cao. Mặc dù các trường đại học đã có ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhưng chất lượng đầu ra của sinh viên đang có khoảng cách lớn so với yêu cầu của doanh nghiệp (cả về kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm).

Cách nào để nâng chất, tăng lượng?

Các chuyên gia cho rằng, không giải được ‘bài toán’ nhân lực, ngành logistics Việt khó chớp thời cơ và phát huy được tiềm năng. Tại nhiều sự kiện được tổ chức gần đây, các chuyên gia đã kiến nghị nhiều giải pháp để thục đẩy phát triển nhân lực trong lĩnh vực này.

Tại hội thảo “Logistics Vùng Đồng bằng Sông Hồng”, nhiều chuyên gia cho rằng để phát triển ngành logistics tại Việt Nam, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên như các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và đặc biệt là các trường đại học – với vai trò cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Ông Đặng Đình Đào, giảng viên logistics của Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, để phát triển ngành logistics, cần chú trọng khâu đào tạo nguồn nhân lực bởi thực trạng đào tạo logistics hiện còn đang gặp nhiều rào cản như sau: đội ngũ giáo viên hạn chế (chủ yếu từ ngành khác chuyển sang, chưa được đào tạo bài bản), chương trình chưa thống nhất…

Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân sự ngành logistics, ông Đào cho rằng cần tập trung vào 3 mảng: đào tạo cán bộ logistics trong các cơ quan quản lý, bồi dưỡng và đào tạo lại cán bộ logistics trong các doanh nghiệp và đào tạo cán bộ phụ trách logistics tại các doanh nghiệp sản xuất để đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, đã có rất nhiều trường đại học mở ngành logictics nhưng các giảng viên vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm. Đa số các chương trình đào tạo được xây dựng dựa vào nhau. Trường đi sau thường tham khảo của trường đi trước nhưng việc đào tạo lại thiếu thực tế… Nhiều chuyên gia cho rằng, để giải quyết tình huống cho nhân lực ngành logistics cần rút ngắn thời gian đào tạo và đưa sinh viên đi thực tập nhiều hơn.

Nhìn nhận về vấn đề này, bà Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam cho rằng, cần tập trung hỗ trợ các trường hình thành đội ngũ giảng dạy, nhất là chuyên gia về logistics. Hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy logistics ở các trường để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là các kiến thức, quy chuẩn theo Liên đoàn các Hiệp hội giao nhận vận tải quốc tế… Bởi khi có một đội ngũ giảng viên tốt thì sẽ có đội ngũ người lao động chất lượng và có kỹ năng tốt để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phát triển logistics.

Chia sẻ với báo chí mới đây, ông Phạm Xuân Dương, Hiệu trưởng trường đại học Hàng Hải Việt Nam cho biết, phải có chiến lược đào tạo nhân lực cho ngành logistics bài bản, chuyên nghiệp hơn. Trong đó, cần hướng đến việc kết hợp với đối tác nước ngoài để quy hoạch bài bản hệ thống hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, chương trình đào tạo cần nghiên cứu chương trình của những nước thành công trong hoạt động logistics để sàng lọc, bổ sung và chuẩn hóa chương trình của Việt Nam cho các cấp độ. Đặc biệt chú trọng kỹ năng ngoại ngữ, nhất là chuyên ngành.

Đưa ra giải pháp đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics Việt Nam tại một nghiên cứu mới đây, bà Lê Thị Mỹ Ngọc, Khoa Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Đại Nam đề xuất ở nhiều góc độ khác nhau.

Về phía Nhà nước, cần phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với DN nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Xây dựng các bộ tiêu tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics. Nên hình thành và liên kết với những trường đào tạo chuyên ngành về logistics, đặc biệt liên kết với nhà đầu tư từ nước ngoài trong việc đào tạo nguồn nhân lực này.

Về phía cơ sở đào tạo, cần xây dựng chương trình gắn việc đào tạo với thực tiễn cũng như nhu cầu của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể tham gia một phần vào quá trình đào tạo như giảng dạy một số học phần thực hành nghề nghiệp, hướng dẫn hỗ trợ sinh viên trong các hoạt động trải nghiệm thực tế, quá trình thực tập tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, bà Ngọc cho rằng cần khuyến khích giảng viên tham gia vào các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp để cọ xát với các hoạt động nghề nghiệp trong thực tế, gắn bài giảng lý thuyết với thực hành. Cần tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đào tạo với nhau nhằm chia sẻ nguồn lực giữa các cơ sở đào tạo như giảng viên, cơ sở vật chất, giáo trình, tài liệu học tập…

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khoang-trong-nguon-nhan-luc-trong-buc-tranh-tiem-nang-cua-nganh-logistics/