Khoảng trống sơ cấp cứu ban đầu

Một em bé đuối nước, một người đột quỵ, một nạn nhân chấn thương cột sống – tất cả đều có thể được cứu nếu người xung quanh biết cách sơ cấp cứu. Nhưng tại Việt Nam, phần lớn người dân chưa từng được đào tạo, trong khi phản ứng ban đầu lại dựa vào thói quen sai lầm. Khi lực lượng cấp cứu chưa thể đến kịp, chính sự thiếu chuẩn bị của cộng đồng đang để lộ một khoảng trống đáng lo ngại.

Những quan niệm sai lầm

Một bé trai 6 tuổi ở Hà Nội bị đuối nước tại khu nghỉ dưỡng khi đi chơi cùng gia đình. Khi được phát hiện, trẻ đã ngừng tim, ngừng thở. Trong lúc hoảng loạn, người lớn bế ngược cháu, chạy quanh sân với hy vọng “nước sẽ chảy ra”. Không ai thực hiện ép tim, không ai gọi cấp cứu ngay lập tức. Đến khi cháu được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng đã rơi vào hôn mê sâu, đồng tử giãn, mất toàn bộ phản xạ. Dù được điều trị tích cực, cháu bé không qua khỏi.

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản cho cộng đồng. ảnh: BVCC

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai hướng dẫn kỹ năng hồi sinh tim phổi cơ bản cho cộng đồng. ảnh: BVCC

Đó không phải là trường hợp cá biệt. Nhiều năm qua, các bệnh viện tuyến cuối liên tục tiếp nhận các ca tai nạn trong tình trạng đã vượt qua “giờ vàng” – giai đoạn mà nếu được sơ cứu đúng, nạn nhân có thể sống sót. Nhưng thay vì phản ứng đúng, người dân vẫn tiếp tục lặp lại các hành vi sai lầm: vác ngược trẻ đuối nước, chích máu đầu ngón tay khi có người đột quỵ, hay bế xốc nạn nhân trong một vụ tai nạn và đưa đến viện bằng xe máy.

Những hành vi phản khoa học này thường xuất phát từ niềm tin sai lệch được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Nhiều người tin rằng đột quỵ là “máu độc trào lên não” nên phải chích đầu ngón tay để xả ra; rằng trẻ đuối nước cần “dốc hết nước ra khỏi phổi” mới cứu được. Không một cơ sở y học nào công nhận các cách xử trí này.

Trong khi đó, các con số từ Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ. Chỉ khoảng 20% bệnh nhân tiếp cận y tế đúng thời gian vàng. Số trẻ em tử vong do đuối nước dao động từ 1.900 - 2.000 ca mỗi năm. Tình trạng tử vong hoặc tàn tật do sơ cứu sai, không sơ cứu hoặc trì hoãn sơ cứu không chỉ còn là cảnh báo, mà đã trở thành một thực trạng dai dẳng.

BSCKII Nguyễn Duy Long - Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết: Chấn thương cột sống cổ nếu không được cố định đúng tại chỗ có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang liệt tứ chi vĩnh viễn. Nhưng ngoài thực địa, chúng tôi vẫn thường xuyên gặp tình trạng bệnh nhân bị vận chuyển sai, dẫn đến hậu quả nặng nề hơn chính tai nạn ban đầu.

Nâng cao năng lực sơ cấp cứu cộng đồng

Theo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỷ lệ người dân từng được đào tạo sơ cấp cứu bài bản chỉ chiếm dưới 1% dân số. Trong khi đó, các tình huống cần sơ cứu đúng lại xảy ra hằng ngày: trẻ ngã vào nồi nước sôi, người lớn đột quỵ đột ngột, nạn nhân tai nạn giao thông nằm bất động giữa đường. Không có kỹ năng, người dân hoặc thụ động đứng nhìn, hoặc phản ứng theo bản năng, tạo thêm tổn thương.

Một số lớp học do Hội Chữ thập đỏ hoặc tổ chức dân sự thực hiện chỉ mang tính chất tình huống hoặc phong trào, không đủ để tạo nền tảng rộng rãi trong cộng đồng.

Trong khi đó, ở nhiều quốc gia phát triển, sơ cấp cứu là kỹ năng bắt buộc. Tại Đức, kỹ năng này phải học trước khi thi bằng lái; tại Nhật Bản, học sinh từ lớp 4 đã được huấn luyện cách gọi cấp cứu, ép tim, hô hấp nhân tạo.

Thực tế đã có những mô hình tốt bước đầu triển khai huấn luyện cộng đồng. Nhiều trường học tại TPHCM, Hà Nội đã đưa sơ cấp cứu vào hoạt động trải nghiệm. Các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Viện Nghiên cứu và Huấn luyện cấp cứu ngoại viện 115, hoặc các nhóm y tế thiện nguyện, đã tổ chức hàng trăm khóa đào tạo cho giáo viên, phụ huynh, công nhân, sinh viên. Tuy nhiên, quy mô vẫn còn nhỏ, thiếu tính bắt buộc và liên tục.

Về mặt chính sách, Bộ Y tế đang phối hợp với Hội Chữ thập đỏ triển khai Đề án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu cộng đồng đến năm 2030”, trong đó có mục tiêu xây dựng trạm sơ cấp cứu tại tuyến xã, huấn luyện hướng dẫn viên tại 15 tỉnh thí điểm.

Tuy nhiên, để lấp đầy khoảng trống này, cần nhiều hơn những nỗ lực đơn lẻ. Giải pháp căn cơ là đưa kỹ năng sơ cấp cứu thành nội dung bắt buộc trong chương trình phổ thông và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, cần phát triển các công cụ học tập trực quan như ứng dụng hướng dẫn sơ cứu, mô phỏng tình huống trên nền tảng số, tài liệu dạng video minh họa… giúp người dân dễ tiếp cận, dễ học, dễ nhớ.

BS Hoàng Quang Cường - Khoa Gây mê và Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khuyến cáo, người dân chủ động trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu: “Sơ cấp cứu đóng vai trò rất quan trọng không chỉ đối với nhân viên y tế mà còn với cả người dân. Việc nắm vững các kiến thức cơ bản về sơ cấp cứu ban đầu có thể giúp mọi người tự cứu bản thân và những người xung quanh trong các tình huống bất ngờ”.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo, mục đích của sơ cấp cứu là nhằm giảm thiểu các trường hợp tử vong, hạn chế tổn thương thứ phát và tạo điều kiện cho nạn nhân hồi phục. Việc sơ cấp cứu được tiến hành theo các bước: Đánh giá hiện trường; đánh giá ban đầu về tình hình nạn nhân; gọi trợ giúp rồi mới sơ cứu và vận chuyển. Khi gọi cho số máy khẩn cấp, cần xưng danh và cho số điện thoại của người sơ cứu, rồi thông báo về loại tai nạn, tổn thương và mức độ nghiêm trọng; số lượng, giới tính, độ tuổi của các nạn nhân; tình trạng nguy hiểm tại hiện trường.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khoang-trong-so-cap-cuu-ban-dau-10310058.html