Khoảng trống trong bảo tồn biển hiện nay

Các khu bảo tồn biển (KBTB) giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học biển, đồng thời còn giúp bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, tình trạng các KBTB đã và đang bị xâm hại, bị khai thác, đánh bắt thủy sản bừa bãi khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng.

Nhiều khu bảo tồn biển “4 không”

Nước ta hiện có các KBTB: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Cau (Bình Thuận), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), vịnh Nha Trang (Khánh Hòa), Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc (Kiên Giang)... Tổng diện tích các KBTB được bảo tồn và quản lý là 174.748,85ha, chiếm khoảng 0,175% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.

"Tuy nhiên, tình trạng các KBTB với nhiều “cái không” như: Không có trụ sở làm việc; không trang thiết bị để phục vụ công tác nghiên cứu; không phương tiện để tuần tra, kiểm soát bảo vệ khu bảo tồn; không đủ kinh phí và đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn để đánh thức tiềm năng đa dạng sinh học cũng như hoạt động bảo tồn biển... hiện nay khiến công tác bảo tồn nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển ở nước ta chưa đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí còn bị đe dọa nghiêm trọng hơn"-ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tỏ ra lo lắng.

 Nghiên cứu, khảo sát tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Ảnh: HUỲNH NGỌC DIỄN

Nghiên cứu, khảo sát tại khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Quảng Nam). Ảnh: HUỲNH NGỌC DIỄN

Do nhiều cái thiếu và yếu ở KBTB đã dẫn đến tình trạng tính đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản ở nước ta hiện nay bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Như tình trạng khai thác san hô và sử dụng ngư cụ cấm, nhất là lưới kéo, khai thác thủy sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của KBTB như: Lý Sơn, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Vườn quốc gia Bái Tử Long. Hiện các KBTB không chỉ đối mặt với nguy cơ bị đe dọa, xâm hại bởi hoạt động khai thác thủy sản không đúng quy định mà còn bị xâm hại bởi chính các hoạt động phát triển kinh tế mà chưa quan tâm thực sự tới hoạt động bảo tồn biển ở nhiều địa phương. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch-dịch vụ vi phạm những quy định quản lý KBTB như: Lấn chiếm, xây dựng công trình hạ tầng và tổ chức dịch vụ du lịch trái phép trong KBTB. Chỉ tính riêng năm 2022, ở KBTB thuộc Vườn quốc gia Phú Quốc đã phát hiện 11 doanh nghiệp xây dựng trái phép trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái của KBTB.

Một bất cập nữa do các KBTB là đơn vị sự nghiệp có thu, không có chức năng xử phạt hành chính những hành vi xâm hại, khai thác thủy sản kiểu hủy diệt ở khu bảo tồn; không có lực lượng kiểm ngư trong khu bảo tồn nên việc xử phạt đều phải trông chờ vào chính quyền các địa phương.

Sớm có cơ chế, chính sách cho bảo tồn biển

Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển; nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện. Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển, 43 loài chim nước (hơn 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển. Các đặc trưng trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái, nguồn lợi thủy sản và có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển nói chung, phát triển nghề cá và kinh tế thủy sản nói riêng. Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng cho rằng, hệ thống pháp luật về bảo tồn biển, đa dạng sinh học khá đầy đủ; tuy nhiên vẫn còn thiếu và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý bảo tồn biển hiệu quả, bền vững. Hiện vẫn chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đối với những người trực tiếp làm công tác bảo tồn biển tại các khu bảo tồn; chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân trong và xung quanh các khu bảo tồn còn chậm.

Một số chuyên gia về kinh tế nông nghiệp cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu bảo tồn cần ban hành chính sách về việc thu phí tham quan tại các khu bảo tồn, chia sẻ doanh thu từ hoạt động bảo tồn, hoạt động du lịch trong khu bảo tồn cho các ban quản lý trong khu bảo tồn... Tuy nhiên, theo một số địa phương, việc thu phí hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do không có quy định của pháp luật; trong khi đó, luật quy định chỉ có các khu vực được công nhận danh lam thắng cảnh mới được thực hiện thu phí.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của các quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia có đa dạng sinh học hệ sinh thái biển, nếu không kịp thời có những biện pháp, cơ chế, chính sách để bảo vệ các KBTB thì nguồn lợi thủy sản sẽ tiếp tục bị xâm hại, đối mặt với nguy cơ cạn kiệt; hệ sinh thái biển, môi trường biển cũng bị đe dọa nghiêm trọng. Việc bảo vệ các KBTB không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái biển mà còn góp phần gỡ thẻ vàng về thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC), đồng thời xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/khoang-trong-trong-bao-ton-bien-hien-nay-726757