Khoảng trống trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ
Ở nước ta hiện nay vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao, chiếm 42% dân số cả nước. Nhu cầu về biện pháp tránh thai còn cao trong khi công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ/SKSS vẫn còn một khoảng trống.
33 tỉnh/thành có mức sinh cao
Hiện nay cả nước vẫn còn 33 tỉnh/thành có mức sinh cao và nhiều nơi có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, người dân vẫn sinh nhiều con. Các chuyên gia dân số đã đánh giá về tác động tiêu cực của việc sinh đẻ nhiều đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kinh tế hộ gia đình sẽ là những rào cản chung của toàn xã hội.
Trong thời gian qua, hệ thống y tế và dân số nước ta đã có nhiều cải thiện đáng kể trong cung cấp dịch vụ tránh thai cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn những khoảng trống trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Hằng năm, theo thống kê chưa đầy đủ có tới 300-350 nghìn ca phá thai. Cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 tuổi có chồng thì có 62 ca mang thai ngoài ý muốn. Phá thai không an toàn là nguyên nhân chính dẫn đến vô sinh thứ phát.
Theo Ths.Bs. Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ), có thể nói rằng, tỉ lệ sử dụng biện pháp tránh thai của Việt Nam ở mức cao so với khu vực và trên thế giới. Hệ thống cung cấp dịch vụ của các cấp cũng đã được tăng cường và nâng cao để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân. Việc xã hội hóa các dịch vụ y tế nói chung và KHHGĐ nói riêng cũng đã được đẩy mạnh, góp phần đa dạng hóa nguồn lực, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân.
Tuy nhiên, trong bối cảnh phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng và đạt ở mức cao (khoảng 26 triệu người) vào trước năm 2030 dẫn tới nhu cầu về phương tiện tránh thai dịch vụ gia đình ngày càng cao. Hiện nay các biện pháp tránh thai của Việt Nam trong nhiều năm qua là chậm đa dạng, chỉ có dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, cấy, viên uống và bao cao su. Ví dụ dụng cụ tử cung trên thế giới có rất nhiều loại, Việt Nam hiện chỉ sử dụng TCu 380. Thuốc tiêm, thuốc cấy có nhiều năm không mua được hàng, không có hàng để cấp cho người dân có nhu cầu.
Việc quản lý, kiểm soát chất lượng của bao cao su trên thị trường là một vấn đề rất quan ngại. Bên cạnh đó, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu theo phân đoạn thị trường ngày càng đa dạng của từng nhóm đối tượng.
Ngoài việc củng cố mạng lưới thì cần phát triển, tăng cường vai trò của y tế tư nhân đối với chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và KHHGĐ nói riêng. Phải đa dạng hóa dịch vụ tại cộng đồng, bao gồm dịch vụ liên quan đến ung thư đường sinh sản để giúp họ dự phòng ung thư, dự phòng vô sinh. Bên cạnh đó, cần nhiều mô hình để phù hợp, được tiếp cận và áp dụng tại Việt Nam.
Năm 2019, Bộ Y tế đã có Quyết định số 718/QĐ-BYT phê duyệt Đề án tiếp tục đẩy mạnh, mở rộng xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS đến năm 2030 (Đề án 818 mở rộng). Ngày 19/11/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1848/QĐ-TTg phê duyệt chương trình "Củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ đến năm 2030". Các giải pháp này được kì vọng góp phần giải quyết khoảng trống trong công tác cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Việc giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất
Đổi mới truyền thông
Theo Tổng cục Dân số - KHHGĐ, trong thời gian tới, ngành dân số tiếp tục chú trọng tuyên truyền về sự cần thiết cung ứng đầy đủ các phương tiện tránh thai, đảm bảo an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai; không để tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, ảnh hưởng đến công tác KHHGĐ. Tiếp tục tuyên truyền về sự thuận tiện của việc mua và sử dụng các phương tiện tránh thai thông qua tiếp thị xã hội, xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ – SKSS… Từ đó dần xóa bỏ khác biệt trong tiếp cận dịch vụ kế hoạch hóa gia đình giữa các vùng địa lý, mang lại lợi ích cho toàn bộ người dân, đặc biệt là cho đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào hiện đang sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ngành y tế, dân số kịp thời ban hành và triển khai thực hiện các biện pháp phù hợp góp phần khắc phục các khó khăn nảy sinh như: huy động các cơ sở y tế công lập và tư nhân cùng tham gia cung cấp dịch vụ, các biện pháp tránh thai… Chuyển đổi các hình thức truyền thông trực tiếp sang sử dụng các kênh truyền thông kỹ thuật số… để đảm bảo đưa công tác chăm sóc KHHGĐ đến với người dân một cách liền mạch và hiệu quả.