Khoảnh khắc thế giới cùng đếm ngược, bắn pháo hoa mừng năm 2022

Các hoạt động chào năm mới đầy màu sắc tiếp tục được tổ chức trên khắp thế giới, trong bối cảnh năm 2022 đã bắt đầu gõ cửa nhiều quốc gia từ Á sang Âu.

New Zealand và Australia là hai trong số những nước đầu tiên trên thế giới được dịp đón năm mới 2022.

Để phòng ngừa những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, giới chức New Zealand đã quyết định hủy bỏ màn bắn pháo hoa mừng năm mới ở nhiều địa điểm, trong đó có đỉnh Tháp Sky nổi tiếng ở thành phố Auckland.

Thay vào đó, một loạt tiết mục biểu diễn ánh sáng sẽ được trình chiếu tại Tháp Sky cùng các địa danh khác ở Auckland.Chương trình này có tên "Auckland vẫy gọi", với ý nghĩa biểu thị sự chào đón của New Zealand đối với du khách trong khu vực cũng như trên thế giới.

Trong khi đó, nhiều thành phố lớn ở Australia như Sydney, Melbourne và thủ đô Canberra đã liên tiếp được thắp sáng bằng những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Australia là một trong những nước hiếm hoi tổ chức đón năm mới rầm rộ bất chấp những lo ngại về dịch Covid-19.

Dubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất) đã tổ chức chào đón năm 2022 bằng một màn trình diễn pháo hoa đầy hoành tráng tại công trình biểu tượng Burj Khalifa, tòa nhà cao nhất thế giới.

Video: Burj Khalifa

Singapore và Thái Lan là 2 trong số các quốc gia Đông Nam Á tổ chức đón năm mới 2022. Để tránh nguy cơ dịch Covid-19 lan rộng, giới chức Singapore đã hủy sự kiện bắn pháo hoa truyền thống tại khu vực Vịnh Marina, thay vào đó chỉ tổ chức bắn pháo hoa với quy mô nhỏ hơn tại 9 địa điểm.

Chương trình bắn pháo hoa ở Vịnh Marina được thay thế bằng các tiết mục biểu diễn ánh sáng. Giới chức Singapore khuyến khích người theo dõi các sự kiện này qua truyền hình và tránh tụ tập đông người.

Tiết mục biểu diễn ánh sáng chào năm mới tại Vịnh Marina, Singapore. Video: Twitter

Trong thông điệp năm mới, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh 2022 sẽ là "năm bản lề" khi nền kinh tế của đảo quốc này phục hồi sau đại dịch và tái kết nối với thế giới.

“Chúng ta sẽ mở rộng du lịch xuyên biên giới một cách an toàn và tái kết nối với phần còn lại của thế giới, nếu điều kiện ngăn ngừa biến thể Omicron có cho phép. Chúng ta cũng sẽ thúc đẩy việc thu hút nhiều lao động nhập cư cần thiết, và đảm bảo các tài năng quốc tế cảm thấy được chào đón và có thể là nguồn lực bổ sung cho người dân Singapore”, Thủ tướng Lý Hiển Long nói.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Bộ Truyền thông & Thông tin Singapore

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Ảnh: Bộ Truyền thông & Thông tin Singapore

Thái Lan chính thức mừng năm mới với màn bắn pháo hoa dài 6 phút, trải dài trên một không gian dài 1,4km dọc theo sông Chao Phraya, Bangkok. Giới chức nước này vẫn cho phép tổ chức các buổi tiệc mừng năm mới và bắn pháo hoa, nhưng phải tuân thủ các điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.

Điều đặc biệt là chương trình bắn pháo hoa tại thủ đô Bangkok có sự tham gia của hơn 30.000 quả pháo thân thiện môi trường làm từ gạo nếp.

Tại thủ đô Seoul (Hàn Quốc), lễ rung chuông đón năm mới thường niên đã bị hủy bỏ trong năm thứ 2 liên tiếp, do những lo ngại gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Thay vào đó, một video ghi hình trước buổi lễ này ở tháp chuông Bosingak, với sự tham gia của Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon, đã được phát trên Internet và các kênh truyền hình.

Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon rung chuông tại tháp chuông Bosingak ở Seoul, và gửi lời chúc năm mới đến người dân Hàn Quốc. Video: Youtube

Trong khi đó, Triều Tiên đã tổ chức chương trình ca nhạc mừng năm mới, cùng một màn bắn pháo hoa lớn tại quảng trường Kim Nhật Thành ở thủ đô Bình Nhưỡng trong những thời khắc chuyển giao sang năm 2022.

Khắp Nhật Bản, nhiều người dự định có các chuyến xuất hành đầu năm để dành thời gian bên gia đình. Vào ngày cuối cùng của năm cũ, người người nối nhau tới các ngôi chùa và đình, đa số đều đeo khẩu trang.

Đêm 31/12, ngôi chùa Phật giáo Hasadera tại Kamakura, phía nam Tokyo, đã thắp khoảng 6.500 ngọn nến để phục vụ người tới viếng và cầu nguyện.

Nhân viên chùa Hasadera ở phía nam Tokyo kiểm tra các ngọn nến vào tối 31/12/2021. Ảnh Reuters

Nhân viên chùa Hasadera ở phía nam Tokyo kiểm tra các ngọn nến vào tối 31/12/2021. Ảnh Reuters

Người Nhật có truyền thống tới thăm đền chùa từ đêm 31/12 của năm cũ tới ngày 3/1 trong năm mới để cầu nguyện cho năm sau. Nhưng trước diễn biến của đại dịch Covid-19, các đình và chùa đề nghị người dân tới sớm để tránh đông đúc.

Hong Kong (Trung Quốc) mừng năm mới với màn bắn pháo hoa kết hợp cùng trình diễn ánh sáng trên nền nhạc do dàn nhạc giao hưởng biểu diễn trực tiếp. Tuy quy mô màn bắn pháo hoa cùng lễ đếm ngược nhỏ hơn mọi năm, nhưng cũng đã là một bước lớn so với năm ngoái. Năm 2021, thành phố này chỉ thực hiện một buổi bắn pháo hoa và ánh sáng ảo, được xây dựng từ đồ họa và các yếu tố công nghệ.

Như thường lệ, Đài Loan (Trung Quốc) đón những giây phút đầu tiên của năm mới với màn bắn pháo hoa ấn tượng từ tòa tháp Đài Bắc 101 – tòa nhà cao nhất hòn đảo này. Sự kiện đón năm mới tại Đài Loan cũng được tổ chức trên quy mô lớn, dành cho tất cả những ai đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 và có giấy mời tham dự.

Khi đồng hồ vừa điểm 12 tiếng vào nửa đêm, nhiều người Nga đã tụ tập ở thủ đô Moscow để xem pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm trên Quảng trường Đỏ.

Video: Global News

Thủ đô Athens (Hy Lạp) cũng chào mừng năm 2022 với màn bắn pháo hoa đầy màu sắc phía trên Đền Parthenon nổi tiếng.

Video: Global News

Ở Vương Quốc Anh, khi đồng hồ Big Ben lần đầu tiên đổ chuông sau 4 năm sửa chữa, cũng là lúc thủ đô London ngập tràn trong các màn bắn pháo hoa, trình diễn ánh sáng đặc sắc. Điểm đặc biệt trong sự kiện mừng năm mới lần này tại thủ đô nước Anh chính là màn trình diễn của hàng trăm thiết bị bay không người lái, xếp thành các hình khối đẹp mắt trên dòng sông Thames.

Video: Sky News

Việt Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/khoanh-khac-the-gioi-cung-dem-nguoc-ban-phao-hoa-mung-nam-2022-805822.html