Khoảnh khắc vỡ òa của ngư dân bị chìm tàu trên biển khi gặp lại gia đình
Sau nhiều ngày lênh đênh trên biển khi tàu bị chìm, các ngư dân được cứu sống trở về trong sự vỡ òa của gia đình, nhiều người đã bật khóc.
Chiều 3/11, rất đông người thân, bạn bè và hàng xóm của anh Huỳnh Xuân Phi (xã Hoài Hải, TX Hoài Nhơn, Bình Định), một trong ba thuyền viên may mắn trên tàu BĐ 97469 TS do anh Võ Ngọc Đô làm thuyền trưởng, đã tập trung đến nhà để chờ đợi giờ phút anh Phi được đưa về từ Khánh Hòa. Suốt cả buổi chiều, bố mẹ, vợ của anh Phi đều không làm gì được, chỉ ngồi ở cửa ngóng tin, lâu lâu lại đi ra đi vào trong sự sốt ruột.
Chị Huỳnh Thị Tuyết (34 tuổi, vợ anh Phi) cho biết, những ngày nghe tin tàu anh Phi bị mất tích khi tránh bão số 9, lòng chị rối bời, ngổn ngang trăm bề. Đó là những ngày sống không bằng chết, chị không thể nào ngủ được, chỉ biết nằm khóc thương cho chồng còn đang nằm giữa nơi biển khơi lạnh lẽo.
Lúc đó, chỉ chỉ cầu mong một điều, nếu chồng mất cũng hy vọng sẽ tìm được thi thể anh để về hương khói. Thế rồi, như một phép màu, khi đang nằm trong góc nhà thì nghe người báo tin có tàu đã tìm thấy được chồng chị. Lúc đó, chị cũng không thể tin đây là sự thật.
“Niềm vui này quá sức tưởng tượng với gia đình tôi, nó giống như một giấc mơ vậy. Tôi như được sinh ra một lần nữa khi biết anh Phi vẫn còn sống”, chị Tuyết xúc động chia sẻ.
Trong giây phút ngồi chờ anh Phi trở về, chị Tuyết cho biết, chưa bao giờ mình thấy thời gian lại trôi chậm như ngày hôm nay. Thỉnh thoảng, chị lại ngước lên nhìn vội vào màn hình điện thoại như chờ đợi điều gì đó.
Đúng 18h30 ngày 3/11, xe chở anh Phi cùng 2 người khác từ Nha Trang về đến xã biển Hoài Hải. Cánh cửa xe vừa kéo ra, mọi người ùa đến ôm anh Phi vào lòng, người sờ soạng xem phải anh Phi thật hay không, người thì lặng lẽ đứng một góc rồi khóc. Nhưng không như cách đây một tuần khi chúng tôi đến, lần này là những giọt nước mắt của hạnh phúc.
Anh Phi bước xuống xe, ngã khụy vào vòng tay ông Huỳnh Xuân Phương (62 tuổi, cha của anh). Ông Phương mắc bệnh nên tâm trí đôi lúc lơ ngơ như một đứa trẻ. Nhưng vào giữa thời khắc này, tôi thấy ông tỉnh táo thật sự, vui mừng thật sự. “Về nhà rồi con ơi, con sống rồi”, ông Phương thốt lên rồi ôm chằm lấy anh Phi dìu vào nhà.
Nằm trong lòng cha, anh Phi khóc nức nở như một đứa trẻ lần đầu xa vòng tay bố mẹ. “Con tưởng sẽ không bao giờ gặp lại cha nữa rồi chứ. Cha ơi, con về đây rồi”.
Anh Phi được cha dìu vào thắp nhang bàn thờ, hai đứa con anh cũng chạy theo sau. Riêng vợ anh bị bệnh tim nên cũng được mọi người đưa đi phía sau. Khoảnh khắc ấy, tôi thấy như anh vừa được sinh ra thêm một lần nữa. Chắc chỉ có những người thân trong gia đình và chính anh mới cảm nhận được hết niềm hạnh phúc này.
Cách đó không xa, nhà anh Lê Minh Don cũng chật cứng người đến để chia vui với gia đình. Anh Don vừa xuống xe, bà Võ Thị Phúc (44 tuổi, mẹ của Don) nhìn con xúc động không nói nên lời chỉ biết ôm con trai rồi khóc nức nở.
Khi nghe anh Don kể về hành trình lênh đênh trên biển để giành giật sự sống, nhiều người đã không giấu được sự xúc động.
“Khi thuyền bị chìm, nhiều anh em cố gắng bám vào các vật dụng rồi kêu cứu. Nhưng lần lượt từng chiếc tàu một lướt qua mà không thấy những cánh tay vẫy cầu cứu của họ, nhiều người đã buông tay và chìm dần xuống giữa cơn thịnh nộ của biển khơi. Nhìn khoảnh khắc những người từng gắn bó với mình trên những chuyến hành trình mưu sinh nằm lại, đến bây giờ tôi vẫn còn thấy ám ảnh, thương xót”, anh Don kể trong những tiếng nấc nghẹn.
Chúng tôi tạm biệt để dành lại không gian đoàn tụ cho gia đình nhỏ này, những cái ôm đằm thắm, những giọt nước mắt của hạnh phúc. Với họ, có lẽ bình yên trở về nhà sau những chuyến vươn mình nơi đầu sóng, ngọn gió của tổ quốc, được thấy những người thân yêu của mình là niềm hạnh phúc lớn lao nhất trong đời.
Chúng tôi rời đi với những cảm xúc lẫn lộn, vui cho những người đã may mắn sống sót giữa biển cả bao la khi bão tố ập đến, cũng xót xa bởi ở cái làng chài nghèo này, những chiếc bàn thờ khác đã được lập nên, dù người thân của họ vẫn còn đang mất tích.