Khóc cười chuyện bố mẹ 'kế hoạch' mà con vẫn quyết đòi ra, chuyên gia lý giải sự cố mà nhiều người không ngờ đến
Nhiều em bé vẫn quyết ra đời dù trước đó bố mẹ đã thực hiện các biện pháp kế hoạch như đặt vòng, dùng thuốc tránh thai… như trường hợp bé trai mang cả vòng tránh thai ở Hải Phòng mới đây. Chuyên gia cho rằng, việc có thai dù đã có kế hoạch là chuyện không hiếm và dưới đây là một số nguyên nhân thường gặp.
Quyết chào đời dù bố mẹ có "kế hoạch"
Câu chuyện về bé trai chào đời với chiếc vòng tránh thai mang theo ở Khoa Sản 2, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng vẫn đang thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Thực tế, chuyện những em bé ra đời dù trước đó bố mẹ thực hiện các biện pháp tránh thai vẫn xảy ra.
Trước đó, một người phụ nữ Trung Quốc đặt vòng vẫn mang thai, bác sĩ mổ đẻ mà không tìm thấy vòng đâu. Người phụ nữ này đặt vòng tránh thai năm 2011 nhưng đã mang thai ngay sau đó và sinh con vào tháng 2/2012. Khi đứa trẻ chào đời bằng phương pháp sinh mổ, bác sĩ đã không tìm thấy chiếc vòng tránh thai và đặt giả thiết nó đã ghim vào tử cung người mẹ.
5 năm sau vì đau bụng, thắt lưng và thường xuyên buồn đi tiểu, người phụ nữ đã vào bệnh viện kiểm tra lại. Các bác sĩ đã thực hiện chụp X-quang và bàng hoàng phát hiện chiếc vòng tránh thai năm nào đã "lạc lối" đục thủng tử cung đi vào bàng quang rồi gây ra các biến chứng về đường tiết niệu cho chị.
Tại các bệnh viện sản, khoa sản như bệnh viện Phụ sản Trung Ương, bệnh viện Phụ sản Hà Nội… không khó để ghi nhận những câu chuyện về việc mang thai ngoài ý muốn do "kế hoạch" không thành. Chị N.T.T, 33 tuổi ở Hà Nội đến giờ vẫn chưa tin mình đang mang bầu ở tháng thứ 4. Nhiều người biết chị mang bầu tiếp toàn trêu chị: "Có cái vòng trong người mà rơi ra lúc nào cũng không biết". Chị bảo bản thân chị cũng chẳng hiểu vòng tránh thai "biến mất" từ khi nào.
Theo lời chị kể, khi con đầu của chị được 1 tuổi chị mới bắt đầu có kinh nguyệt trở lại và hai vợ chồng tính kế hoạch lâu dài đến khi con được 7 tuổi thì mới sinh bé tiếp. Qua tìm hiểu trên mạng, chị đã quyết định đặt vòng tránh thai. Sau khi thực hiện, tâm lý đinh ninh chiếc vòng tránh thai như "bùa hộ mệnh" nên vợ chồng vô tư thả.
"Sau 5 tháng đặt vòng, tôi thấy người thường hay mệt mỏi, nôn khan lúc sáng sớm giống như lúc mang thai đầu. Nghĩ là sức khỏe không ổn nhưng không nghĩ tới mình vỡ kế hoạch. Chồng tôi còn bảo mua que thử về xem mà tôi còn bảo là đang đặt vòng thì bầu bí sao được. Khi chồng mua que về cho thử, nhìn thấy 2 vạch đỏ căng đét mà tôi sững người.
Lúc đó tôi rất hoang mang không hiểu vì sao dùng vòng tránh thai mà vẫn có thai. Đi siêu âm, bác sĩ bảo thai nhi đã được 6 tuần tôi mới "ngã ngửa". Bác sĩ cũng không thấy chiếc vòng tránh thai đâu bảo có lẽ chiếc vòng đã bị tuột rơi ra ngoài nên tôi mới dính bầu" – chị T chia sẻ.
Vì đâu vẫn mang thai dù làm kế hoạch?
Theo BS sản khoa Lê Thị Kim Dung (Trung tâm Y tế Thái Hà, Hà Nội), không hiếm trường hợp nhiều người đã đặt vòng rồi mà vẫn có bầu và sinh con bình thường. Tất cả các biện pháp đặt vòng vẫn khiến phụ nữ có thể có thai ngoài ý muốn. Tỷ lệ đặt vòng vẫn có thai chiếm từ 1 đến 2% nên những phụ nữ đặt vòng nếu thấy chậm kinh vẫn phải thử thai bình thường.
Khó có thể khẳng định, phụ nữ sử dụng một trong các biện pháp tránh thai như đặt vòng, uống thuốc tránh thai, miếng dán tránh thai, thuốc tiêm tránh thai, que cấy tránh thai, dùng bao cao su… sẽ đảm bảo rằng không mang thai trong suốt thời kỳ kế hoạch này. Phương pháp hiệu quả nhất là thắt ống dẫn trứng nhưng vẫn có những phụ nữ có thai khi dùng biện pháp này. Hay những người uống thuốc không đúng giờ, lúc nhớ, lúc quên thì tỉ lệ thất bại của biện pháp này rất cao. Tuy tỉ lệ thất bại của việc đặt vòng tránh đã được ghi nhận nhưng việc đặt vòng vẫn là biện pháp tránh thai an toàn.
Với trường hợp bé sơ sinh vừa chào đời ở Khoa Sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng ngày 30/6 mang theo vòng tránh thai của mẹ đã đặt trước khi sinh bé 3 năm, các bác sĩ cũng đã đưa ra lý giải rằng, không có biện pháp tránh thai nào đạt hiệu quả tránh thai tuyệt đối 100 %. Phương pháp thắt ống dẫn trứng hiện là phương pháp đạt hiệu quả tránh thai cao nhất cũng chỉ đạt 99 %; còn 0,5 % -1% thắt ống dẫn trứng vẫn mang thai mà lại dễ bị thai ngoài tử cung.
Các bác sĩ Khoa Sản 2, bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng cho rằng, phương pháp đặt vòng tránh thai là phương pháp tránh thai hiện đang sử dụng rộng rãi vì rẻ tiền, thực hiện đơn giản, hiệu quả tránh thai lại cao nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ 97- 98%. Theo đó, cứ 100 bệnh nhân đặt vòng tránh thai có khoảng 2-3 người vẫn mang thai khi đang mang vòng tránh thai trong tử cung (TC). Hiện nay đa phần có hình chữ T- được gọi là vòng chữ T- đặt vào buồng tử cung với thời hạn là 5 năm.
Đặt vòng tránh thai vẫn mang thai thường do:
+ Buồng TC rộng hoặc do sau đặt vòng, đi lại vận động nhiều, làm việc nặng sớm, giao hợp sớm… sẽ làm xô lệch vị trí ban đầu của vòng.
+ Vòng bị đẩy tụt xuống thấp vùng eo CTC do TC tăng co bóp
+ Vòng quá hạn.
+ Do kỹ thuật: vòng được đặt không đúng vị trí trong buồng tử cung (đặt lệch không tới đáy TC, đặt tụt thấp…)
Các nguyên nhân này đều làm mất tác dụng tránh thai của vòng nên xảy ra có thai ngoài ý muốn. Trường hợp bé trai ở trên là tình huống có thai ngoài ý muốn do vòng bị tụt thấp xuống vùng eo TC nên không có tác dụng tránh thai. Đến khi đẻ, cổ TC mở hết, ối được bấm vỡ, bé chui ra, tay sổ qua eo TC mắc vào vòng, lôi luôn vòng ra và nắm tay lại theo phản xạ sơ sinh bình thường.