Khóc cười chuyện kinh doanh homestay
Sau thời gian phát triển ồ ạt, mô hình kinh doanh nhà chia sẻ hay homestay bắt đầu biến tướng đe dọa đến sự phát triển bền vững của mô hình này.
Không tiền cũng có thể kinh doanh
Sau 5 năm làm việc trong lĩnh vực du lịch ở vị trí vận hành tour, biết được một số “mẹo” kinh doanh phòng khách sạn trên nền tảng các ứng dụng quốc tế, anh Nguyễn Minh Phương (Cầu Giấy, Hà Nội) quyết định tách ra làm riêng. Anh vay vốn, tìm thuê nhà gần khu vực nhiều khách du lịch, các tòa nhà tập trung công ty nước ngoài để kinh doanh mô hình nhà chia sẻ.
Phương cho biết: 3 năm trước, 1 căn nhà khoảng 4 phòng ở vị trí đắc địa (không cần mặt tiền) anh thuê lại với giá 10-15 triệu đồng/ tháng. Sau khi sửa chữa, trang trí bắt mắt, Phương chụp ảnh, đăng bán phòng trên các nền tảng, ứng dụng của: Airbnb, Agoda, Booking, HomeAway… và hàng chục nền tảng khác. Giá phòng tùy vị trí, diện tích có thể bán từ 600.000 - 1.500.000 đồng/đêm. Nếu tỷ lệ phủ phòng đạt 60-80%/ tháng thì thu nhập của Phương (sau khi trừ tiền thuê nhà) cũng được 8-10 triệu đồng/phòng/tháng.
Cũng theo anh Phương, tương tự như Grab là dịch vụ kết nối giữa người có xe và người có nhu cầu đi xe, mô hình nhà chia sẻ giúp kết nối giữa người có nhà cho thuê và người đi thuê bằng công nghệ. Trên các nền tảng ứng dụng kể trên, người có phòng chỉ cần lập tài khoản, chụp ảnh CMND, số tài khoản visa chứng minh chính chủ và đăng ảnh chụp phòng (khoảng 20 tấm) bán trên đó. Khi khách hàng ưng ý, đặt phòng, họ sẽ chuyển tiền thuê phòng cho bên quản lý các ứng dụng, bên đó sẽ trích lại từ 3-5% số tiền “phí dịch vụ” để bảo đảm có trách nhiệm với những sự cố, còn lại sẽ chuyển về cho chủ nhà (còn gọi là các host) ngay sau khi khách nhận phòng.
“Đây là mô hình kinh doanh tự động. Khách đến, chủ nhà nhắn tin với họ qua nền tảng ứng dụng, hướng dẫn họ lấy chìa khóa (hoặc mật khẩu vào nhà) tại ổ khóa tự động gắn sẵn trước cửa thế là xong. Khi nào hết thời gian lưu trú khách tự rời đi. Mình đến kiểm tra phòng, nếu có bất kỳ mất mát, hư hại, mình sẽ chụp ảnh, báo cáo lại với bên đối tác. Khi chứng minh đúng thực trạng, họ sẽ có trách nhiệm đền bù cho mình”, anh Phương cho biết.
Dù đang mang bầu 7 tháng, với trình độ tiếng Anh bập bõm phần lớn nhờ vào “Google dịch”, nhưng chị Nguyễn Phương Thảo, chủ 5 căn dịch vụ trên đường Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội) vẫn là Superhost (Siêu chủ nhà - người được đánh giá cao) trên nền tảng Airbnb - một trong những ứng dụng phổ biến nhất của mô hình kinh doanh nhà chia sẻ.
“Tùy vào vốn liếng, kinh nghiệm, bạn có thể lựa chọn hình thức kinh doanh Airbnb cho phù hợp. Chẳng hạn nếu có tiền, có thể mua nhà để cho thuê, hoặc đứng ra thuê nhà dài hạn sau đó đầu tư sửa chữa, thiết kế… rồi cho thuê lại. Với những người vốn mỏng, an toàn nhất là hợp tác với chủ nhà, mình đứng ra set-up phòng, mời gọi khách trên ứng dụng. Chi phí set-up bỏ ra để làm phòng đẹp lên mất 3-4 triệu đồng/căn. Khi bắt đầu có khách, lợi nhuận sẽ được chia sẻ theo tỷ lệ, chủ nhà 60% và người quản lý nhận 40%”, Thảo chia sẻ.
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng theo Thảo, thực ra cô phải dành thời gian chăm khách như… chăm con mọn. Ngoài việc chuẩn bị chu đáo các vật dụng cần thiết trong thời gian khách lưu trú, bất cứ khi nào họ có thắc mắc, Thảo phải lập tức phản hồi. Khi thay bình nước, lúc thì hết kem đánh răng, có khi đang ngủ say cũng bị khách gọi vì đang đi vệ sinh thì… hết giấy!
“Nếu họ hài lòng với sự chăm sóc, chủ nhà sẽ nhận được review “5 sao” sau thời gian lưu trú trên tài khoản. Số lượng “sao” là căn cứ để tài khoản (listing) của mình được xuất hiện nhiều hơn ở các vụ trí đẹp trên ứng dụng. Từ đó lượng khách đặt sẽ nhiều hơn. Ngược lại, chỉ cần nhận được 1 review từ 1-3 sao thì coi như… xong. Listing sẽ bị tụt hạng không phanh và tốt nhất là nên chọn cách… làm lại từ đầu. Ngược lại, nếu khách hàng nhận được review không tốt từ chủ nhà (trong trường hợp khách có hành vi phá hoại tài sản, gây thiệt hại, hành vi không tốt trong thời gian lưu trú) thì sẽ rất khó khăn để họ đặt phòng ở chỗ khác lần sau”, chị Thảo cho biết.
Bi hài chuyện “hầu” các “Thượng đế”
“
Khó bền vững, vì sao?
"Trên thế giới bản chất của kinh doanh nhà chia sẻ hay homestay là chủ nhà có 1 căn hộ hoặc có 1-2 phòng không sử dụng, họ set-up và cho người khác thuê để có thêm thu nhập. Với cách làm này, giá thuê thường rất rẻ, người thuê có thể được ở cùng chủ nhà, có những trải nghiệm văn hóa địa phương, chủ nhà đôi khi kiêm “hướng dẫn viên du lịch”…
Ông Chương Đặng, Việt kiều tại California (Mỹ )
"Không giống như khách sạn hay nhà nghỉ, homestay dành cho khách không gian độc lập, riêng tư để trải nghiệm văn hóa. Mô hình này cũng được cho là giải pháp hỗ trợ đắc lực cho du lịch địa phương. Tuy nhiên, đáng tiếc, tại Việt Nam, bản thân những người làm homestay cũng không hiểu mô hình này là gì. Những biến dạng từ nhà nghỉ đã khiến homestay bị mất hết ý nghĩa, khó có thể phát triển bền vững".
Bà Cao Phương Nga, chủ hệ thống BON BON Cafe & Homestay
”
Trong số hàng chục nền tảng cho thuê phòng phổ biến tại Việt Nam, theo các host, Airbnb đang được coi là nền tảng “uy tín” hơn cả để kinh doanh dịch vụ nhà chia sẻ đúng nghĩa. Ông Chương Đặng, một Việt Kiều ở Mỹ dẫn ví dụ một giao dịch điển hình qua ứng dụng Airbnb: “Tôi đặt phòng tại một căn hộ cạnh Nhà Trắng, căn nhà có view đẹp cả phía trước và phía sau, bàn ăn bằng gỗ cao cấp, sofa vải xịn, kệ sách quí, máy pha cà phê đắt tiền… Không có một căn phòng nào cửa đóng then cài, không có cánh cửa tủ đựng đồ dùng sinh hoạt nào khóa. Phòng tôi thuê không có phí dọn dẹp, điều ấy có nghĩa là khi rời đi, mọi thứ cần phải đúng như khi vừa đến”.
Trong khi đó, kinh doanh homestay hoặc ứng dụng trung gian cho dịch vụ lưu trú ở Việt Nam là một thách thức không nhỏ. Bởi theo ông Chương Đặng, khách thuê, nhất là khách Việt chưa chuẩn bị tốt kỹ năng, tâm lý để sống trong gia đình người khác. Ngược lại, hầu hết chủ homestay tại Việt Nam lại chưa nắm rõ như nguyên tắc an toàn, thực hiện đầy đủ quy định về an ninh, lưu trú đối với khách. Nhưng chuyện bị mất đồ tại Airbnb rất phổ biến, khách nước ngoài thì họ rất cần chứng nhận của công an để khai bảo hiểm. Tuy nhiên, chủ homestay tại Việt Nam lại rất lo sợ và tránh né mời công an khiến cho khách rất mệt mỏi…
Nhiều người kinh doanh mô hình nhà chia sẻ cũng không ít lần gặp phải những câu chuyện dở khóc, dở cười. Chị Nguyễn Hà Linh, host của 3 căn dịch vụ cho thuê gần tòa nhà Keangnam (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: “Có hôm 22h đêm mình nhận được tin nhắn khách đặt phòng trên Airbnb. Chưa kịp nhắn lại thì khách inbox đang đứng trước cửa căn hộ, cần khóa để vào gấp vì... buồn đi vệ sinh quá! Ấy vậy mà, sau khi rời đi, bạn ấy để lại một “bãi chiến trường” bừa bộn, lộn xộn và một review 3 sao với nội dung: Chậm hồi âm cho khách hàng khiến họ không thoải mái”.
Host Lam Giang, chủ căn hộ ở khu phố cổ Hàng Bài (Hà Nội) kể câu chuyện nhớ đời với nhóm khách người Trung Quốc thuê phòng hồi tháng 8: “Họ đăng ký 2 người lưu trú nhưng khi nhận phòng lại có 4 người. Cả đêm họ mở tiệc nhảy nhót và uống rượu ngoài ban công khiến hàng xóm không thể ngủ được. Trong khi đó mình đã dán nội quy trong phòng và lưu ý trên listing là không ồn ào quá 22h. Hậu quả là hôm sau, khi họ đã rời đi, mình bị gọi lên phường nhận phạt hành chính. Tất nhiên là mình không thể kinh doanh ở căn hộ đó nữa”.
Giang cũng chia sẻ thêm, ngoài chuyện vi phạm nội quy, việc khách ở bẩn là chuyện cơm bữa. “Khăn tắm họ trải dưới sàn toilet đi cho đỡ ướt, nồi cơm điện thì họ luộc khoai rồi để mốc meo. Chưa kể bát đũa, cốc chén thỉnh thoảng lại vỡ, mất… nhưng để nhận được cái phản hồi thân thiện, nhiều host vẫn phải cắn răng nhận xét khách tốt. Không những thế, có khách nam người nước ngoài còn “ngỏ ý” nhờ host tìm “bạn gái” ngủ qua đêm trong thời gian lưu trú”, Giang cười.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt của các listing tại Việt Nam trên nền tảng đắt khách nhất là Airbnb cũng đang gây ra nhiều hệ lụy.
Theo báo cáo Homesharing Vietnam Insights 2019 công bố gần đây của Outbox Consulting, chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm xuất hiện tại Việt Nam, số lượng listings (căn hộ/ phòng đăng kí cho thuê) trên Airbnb tại Việt Nam tăng gấp hơn 40 lần (từ 1.000 listings trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 vào đầu năm 2019). Chỉ cần vào ứng dụng, gõ khu vực cần tìm căn hộ dịch vụ, nhà lưu trú hay homestay là bản đồ sẽ hiện lên chi chít với hàng chục mức giá khác nhau.
Song, một năm trở lại đây, trên các diễn đàn dành cho hội kinh doanh nhà dịch vụ, homestay bắt đầu thấy xuất hiện nhan nhản các status sang nhượng phòng, bán lại listing để… giải nghệ.
N.T.P. - một host vừa rao bán homestay tại phố cổ Hà Nội cho biết, cô đã làm host được 3 năm, nhưng một năm trở lại đây, số lượng phòng bán trên ứng dụng quá nhiều. Các khách sạn, nhà nghỉ cũng bắt đầu xâm nhập vào thị trường bán phòng trên ứng dụng. Giá họ đưa ra quá rẻ nên homestay khó có thể cạnh tranh. P. chia sẻ: “Áp lực tiền thuê phòng, tiền setup 1 căn hộ đẹp lung linh luôn khiến các host phải nghĩ cách làm thế nào để tỷ lệ phủ phòng ít nhất đạt 70 - 80% mới có lãi. Thế là có lúc, giá niêm yết một đằng nhưng phải sale đến “sập sàn” để có khách. Ngoài bán trên nền tảng, phải bỏ tiền quảng cáo trên Facebook để tìm kiếm khách Việt lấp phòng… Quá mệt mỏi nên mình sang nhượng tìm cách kinh doanh khác”.Hoàng Ngân
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/khoc-cuoi-chuyen-kinh-doanh-homestay-d436195.html