Khóc, cười chuyện mất hàng khi vận chuyển

Có nhiều trường hợp bị thất lạc hoặc bị mất hàng hóa trong hoàn cảnh cười ra nước mắt.

Công ty C. chuyên sản xuất trà (trụ sở tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) ký hợp đồng bán hai container trà cho một đối tác nước ngoài tại Sri Lanka nhưng đã bị mất toàn bộ hàng trị giá hơn 51.650 USD.

Bị lấy mất hàng vì hóa đơn giả

Theo thỏa thuận hợp đồng, đối tác nước ngoài chỉ định Công ty C. giao hàng cho hãng tàu V. (trụ sở tại KCN Cát Lái 2, quận 2, TP.HCM). Đối tác sẽ cấp lệnh container rỗng và seal cho Công ty C. xếp hàng vào bên trong container và xuất bill (hóa đơn) gốc. Công ty C. có trách nhiệm làm bộ chứng từ giao hàng gửi cho ngân hàng tại Việt Nam nhờ ngân hàng thu tiền của đối tác tại nước ngoài.

Theo quy định của nước ngoài, người mua hàng phải có hóa đơn gốc sau khi thanh toán cho ngân hàng thì đưa cho hãng tàu để nhận hàng. Tuy nhiên, lô hàng này đã bị lấy đi mất bằng một tờ hóa đơn giả, tức là hàng hóa đã đi nhưng Công ty C. không nhận được tiền. Trong khi theo nguyên tắc vận chuyển, đối tác phải thanh toán xong mới có được hóa đơn gốc do ngân hàng giao rồi mới tiến hành thủ tục nhận hàng.

Sau khi tìm hiểu, Công ty C. được hãng tàu V. xác nhận đã làm sai về luật quốc tế hàng hải khi giao nhận hàng tại Odessa (Ukraine) là nhận hàng trong khi Công ty C. vẫn còn giữ hóa đơn gốc. Theo Công ty C., hành vi trên chẳng khác gì là nhận chở hàng rồi đem bán luôn mà không thanh toán.

Cuối năm 2018, Công ty C. khởi kiện yêu cầu phía hãng tàu bồi thường thiệt hại hai container hàng nói trên. Tuy nhiên, sự việc đến nay vẫn chưa được giải quyết vì phía hãng tàu kéo dài thời gian thương lượng việc bồi thường thiệt hại.

Hơn trăm triệu chỉ nhận được bàn phím máy tính

Trường hợp khác, Công ty cổ phần P. (trụ sở tại quận 11, TP.HCM), có đơn hàng được vận chuyển từ Singapore về Việt Nam do Công ty Chuyển phát nhanh T. (trụ sở tại quận Tân Bình, TP.HCM) thực hiện vào tháng 12-2018.

Theo Công ty P., đây là kiện hàng điện tử chứa sáu bộ wireless systems, trị giá bán lẻ tại thị trường Việt Nam khoảng 123 triệu đồng. Tuy nhiên, khi nhận hàng bên trong chỉ là một bàn phím máy vi tính. Sau một tháng phản hồi liên hệ, Công ty P. được Công ty Vận chuyển T. thông báo lô hàng bị gửi nhầm qua Canada và không thể thu hồi được.

Công ty P. khiếu nại không đồng tình với giải thích này vì mọi giấy tờ, chứng từ vận chuyển đều có nhưng đơn vị vận chuyển lại nói rằng không thể thu hồi là vô lý. Nếu người nhận cố tình không trả thì Công ty T. phải có trách nhiệm bồi thường, vì đây là lỗi do nhân viên của công ty này gây ra.

Trả lời về khiếu nại trên, phía Công ty T. thừa nhận sau khi kiểm tra thông tin, lô hàng trên đã bị dán nhầm vận đơn với một lô hàng khác đi Canada và không thu hồi được. Do đó, Công ty T. đã bồi thường bằng việc miễn trừ toàn bộ phí vận chuyển là 1,7 triệu đồng đối với lô hàng trên.

Về giá trị lô hàng, Công ty T. cho rằng do khách hàng không sử dụng dịch vụ gia tăng trách nhiệm bồi thường nên trách nhiệm bồi thường của Công ty T. được giới hạn giá trị thấp hơn khi so sánh giữa giá trị hàng kê khai hóa đơn và trọng lượng lô hàng bị mất. Do đó, mức bồi thường cuối cùng của lô hàng này chỉ là 4,9 triệu đồng.

Phía Công ty P. chỉ còn biết cười ra nước mắt vì bị mất toàn bộ số hàng trong khi hoàn toàn không có lỗi mà việc bồi thường thì không thỏa đáng. Đại diện Công ty P. cho biết sắp tới sẽ xem xét khả năng khởi kiện ra tòa để yêu cầu được bồi thường thêm.

Kinh nghiệm hạn chế rủi ro

Nguyên tắc chung cần lưu tâm khi sử dụng dịch vụ giao nhận hàng hóa là không chọn giá rẻ mà chọn uy tín. Theo đó bên ký gửi hàng cần quan tâm về tuổi đời của hãng vận tải, quy mô, nhân sự, các chính sách và cam kết với khách hàng. Các chế độ, quy định về bảo hiểm, bảo hành, giao hàng trong hợp đồng có được quy định rõ ràng và chặt chẽ hay không. Ngoài ra phải tìm hiểu những khiếu kiện liên quan đến hãng vận chuyển trước đó là nhiều hay ít và họ đã giải quyết ra sao.

Nơi ký gửi hàng hóa cần biết rõ đơn vị vận chuyển là người duy nhất tham gia vào toàn bộ quá trình vận chuyển hay chỉ tham gia một số công đoạn. Nếu không tham gia hết thì việc ủy thác lại và uy tín của đơn vị nhận vận chuyển theo ủy thác lại sẽ ra sao, bên nào sẽ chịu trách nhiệm chính với chủ hàng về các rủi ro trong chuỗi vận chuyển. Chủ hàng cũng cần hết sức lưu ý với các hợp đồng vận chuyển theo mẫu hay các điều lệ vận chuyển mẫu do các hãng vận chuyển chủ động đưa ra (thường sẽ có nhiều quy định lợi cho họ) để đàm phán các điều khoản liên quan.

Các hợp đồng vận chuyển hàng hóa quốc tế liên quan đến nhiều thuật ngữ, khái niệm và quy định chuyên ngành. Chúng liên quan đến các tập quán quốc tế và các công ước quốc tế cũng như pháp luật các quốc gia và tồn tại dưới dạng song ngữ hoặc đa ngôn ngữ, hiếm khi là đơn ngữ. Do vậy, các doanh nghiệp nên chủ động tham khảo ý kiến của các luật sư, chuyên gia, trọng tài thương mại quốc tế làm công tác tư vấn và những người am hiểu về lĩnh vực này để tránh bị cài bẫy.

Luật sư NGUYỄN SƠN TÙNG,ĐoànLuật sư TP.HCM

HOÀNG YẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/khoc-cuoi-chuyen-mat-hang-khi-van-chuyen-848813.html