Khóc, cười cùng 'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ' trên sân khấu kịch
'Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ', từ sách cho đến kịch, đã đưa khán giả về thế giới tuổi thơ hồn nhiên nhưng lồng vào đó là những trăn trở, lo toan của người lớn.
Nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, sân khấu Hồng Hạc quyết định chuyển thể tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ để phục vụ công chúng. Đây là lần thứ ba Hồng Hạc chuyển thể Nguyễn Nhật Ánh sau hai vở diễn Thiên thần nhỏ của tôi (2016) và Làm bạn với bầu trời (2019).
Vở kịch đã tái hiện những câu chuyện hồn nhiên, đáng yêu của bốn đứa trẻ lên tám sống cùng một khu xóm là cu Mùi, Hải Cò, Tí Sún và Tủn (các bé Khang An, Minh Khôi, Tuệ Nhi, Hà Anh thủ vai). Trong đó, người kể chuyện là cu Mùi dưới hình thức kể của "thằng cu Mùi" lúc bé và nhận xét, đánh giá của "ông Mùi" khi đã gần 50 tuổi (do nghệ sĩ “Chuông vàng vọng cổ” Võ Minh Lâm thủ vai).
Song song đó còn có sự xuất hiện của các phụ huynh và những câu chuyện dở khóc dở cười khiến chúng như đang sống lại tuổi thơ tươi đẹp. Từ những lời thoại ngây ngô của các em cho đến những tâm sự sâu lắng ở tuổi trưởng thành đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, những tiếng cười và khoảng lặng đan xen trong suốt vở kịch.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ cũng để lại nhiều kỷ niệm đẹp cho ê-kíp thực hiện khi là vở kịch đầu tiên Võ Cẩm Tiên chỉ đạo sân khấu kịch, lần đầu tiên nghệ sĩ cải lương Võ Minh Lâm tham gia diễn kịch Hồng Hạc, lần đầu tiên các diễn viên nhí đứng trên sân khấu chuyên nghiệp… Những điều đó đã khiến đạo diễn Võ Cẩm Tiên vỡ òa xúc động khi vở kịch kết thúc thành công.
Biên kịch Việt Linh nhận xét các em đã diễn rất tròn vai, đồng thời bà cũng nhắn nhủ: “Tôi muốn các em thiếu nhi ở đây và cả phụ huynh hiểu được rằng tất cả trẻ em đều có tiềm năng cần được khám phá”.
Bà cũng chia sẻ vở kịch lần này là một thách thức lớn so với những tác phẩm khác của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đối với một tác phẩm sâu sắc, bà lo lắng nhiều thứ, chẳng hạn “làm kịch cho người lớn hay cho trẻ em?”, chưa kể ê-kíp đã tốn 2 tháng ròng rã tập thoại chỉ để các em nhớ được thoại.
“Đây là một đặc điểm của truyện Nguyễn Nhật Ánh là người lớn hay trẻ con đều đọc được. Vì vậy tôi như một người đi trên dây khi không thể làm quá nhí nhố mà cũng không thể như một chuyên đề cho người lớn được”, bà nói.
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, từ sách cho đến kịch, đã đưa độc giả và khán giả về thế giới tuổi thơ hồn nhiên nhưng lồng vào đó là những trăn trở, lo toan của người lớn. Ca ngợi sự trong trẻo, ham thích sáng tạo, những kỷ niệm thời thơ ấu như cổ tích dành cho mọi lứa tuổi, là tấm vé lên tàu dành cho những ai muốn quay lại tuổi thơ.