Khóc ròng vì trót mua ô tô Trung Quốc
Vẻ ngoài hào nhoáng, nhiều trang bị và giá bán rẻ hơn hẳn so với các đối thủ nhưng các mẫu xe Trung Quốc lại không được người Việt ưa chuộng.
Với vẻ ngoài hào nhoáng, trang bị như xe sang và giá bán rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ nhưng các mẫu xe du lịch Trung Quốc lại không được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân do các mẫu xe này chưa tạo được niềm tin về chất lượng, độ an toàn và xuống giá nhanh.
Tại thị trường Việt Nam, các mẫu xe ô tô Trung Quốc chưa tạo được niềm tin, khó kiểm chứng về chất lượng, độ an toàn và xuống giá nhanh. Ảnh: Thanh Tùng
Khó bán lại dù đã chịu lỗ trăm triệu
Thấy mẫu mã ổn, trang bị khá nhiều trong khi giá lại chỉ ngang mẫu xe hạng dưới của các thương hiệu ô tô nổi tiếng tại Việt Nam, anh Đ.D. trú tại Quảng Ninh đã tậu chiếc xe Trung Quốc mang thương hiệu Zotye Z8L 7 chỗ ngồi với giá lăn bánh chỉ 735 triệu đồng.
Sau 6 tháng sử dụng và mới đi được hơn 10 nghìn km, anh lên mạng rao bán chiếc xe này với giá 628 triệu đồng, sẵn sàng chịu lỗ 107 triệu đồng. Nóng lòng muốn bán xe để lấy tiền làm ăn nhưng đã hơn một tháng nay món hàng vẫn chưa thể đẩy cho ai.
Anh Đ.D. tâm sự: “Lúc đầu mua xe, tôi xác định để đi lâu dài nên đầu tư thêm khá nhiều trang bị cho xe. Rao giá 628 triệu đồng là đã lỗ nặng. Vì khách trả giá quá “bèo” nên tôi vẫn chưa bán được”, anh D. tâm sự rồi than thở: “Tôi cũng không ngờ ô tô Trung Quốc khó bán lại và mất giá đến thế!”.
Một nhân viên bán hàng showroom ô tô cũ trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, showroom này chưa bao giờ mua xe Trung Quốc để bán lướt. Nguyên nhân do nhu cầu hiện không cao, rất khó bán lại. Để xe lâu, mất giá phải chịu lỗ nhiều.
Từ năm 2020 đến nay, xe nhập Trung Quốc bắt đầu cơ cấu lại và thay đổi hướng tiếp cận thị trường Việt Nam bằng những mẫu xe giá rẻ hơn.
Điển hình như mẫu xe gầm cao BAIC Beijing X7 hiện có giá bán chỉ từ 528 - 688 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc như: Honda CR-V (giá trên dưới 1 tỷ đồng), Mazda CX-5 (giá từ 839 đến hơn 1 tỷ đồng)… Tuy nhiên, mẫu xe này cũng chẳng mấy khi thấy xuất hiện trên đường.
Gần đây, hãng xe MG đã được một nhà phân phối TC Services Việt Nam (công ty con trực thuộc Tập đoàn Tan Chong của Malaysia) đưa về Việt Nam.
Để tạo dựng niềm tin, MG công bố giá bán ZS và HS rẻ hơn các đối thủ cùng thời gian bảo hành lên tới 5 năm, không giới hạn số kilomet.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm ra mắt tại Việt Nam, thương hiệu ô tô “tên Anh Quốc hồn Trung Quốc” này đã phải thay đổi chiến thuật, chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan để hưởng thuế suất ưu đãi và “làm mới” xuất xứ thương hiệu…
Cuối năm 2020, dư luận xôn xao khi đơn vị nhập khẩu xe Beijing X7 công bố trên mạng xã hội 1 nghìn xe đầu tiên đã có chủ chỉ sau 1 tháng bán ra.
Tuy nhiên, thông tin này đã tạo ra dư luận trái chiều. Thực tế, theo số liệu từ hệ thống dữ liệu của Cục Đăng kiểm VN, cả năm 2020 chỉ có 1.500 xe du lịch Trung Quốc nhập khẩu về Việt Nam. Không lẽ chỉ sau 1 tháng ra mắt mẫu xe Beijing X7 đã đạt doanh số gấp đôi của 6 thương hiệu ô tô Trung Quốc đang có mặt tại Việt Nam cộng lại? Vì thế việc công bố có 1 nghìn đơn đặt hàng của thương hiệu xe Trung Quốc này nếu có thật thì cũng chỉ là đơn hàng ảo.
Hầu hết ô tô Trung Quốc đều là hàng ế ở quê nhà
Dù đã nhiều lần đổ bộ thị trường Việt Nam song ô tô Trung Quốc vẫn là mặt hàng khiến nhiều người e dè
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, thực tế người dân Trung Quốc hiện vẫn ưu tiên sử dụng xe của châu Âu, Mỹ, Nhật hơn xe bản xứ tuy giá cao hơn nhiều. Các mẫu xe Trung Quốc đưa về Việt Nam thời gian qua thực ra đang dần mất phong độ và rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí có tháng không bán được chiếc nào, dẫn đến bị khai tử tại thị trường nội địa. Trong khi đó, các thương hiệu xe quen thuộc của Nhật hay Đức thường giữ được doanh số ổn định.
“Những mẫu xe Trung Quốc được quảng cáo rầm rộ tại Việt Nam như Brilliance V7, BAIC X55 hay Zoyte Z8 đều đang không có doanh số khả quan tại quê nhà. Khá khẩm hơn có Beijing X7 đạt doanh số vài nghìn xe mỗi tháng tại Trung Quốc song so với các đối thủ “ngoại quốc” bán ra, chênh lệch doanh số vẫn còn rất lớn.
Nếu tính riêng các mẫu xe, thị trường Trung Quốc có tới 513 mẫu xe khác nhau đến từ các thương hiệu khắp thế giới và bản địa. Trong đó, các mẫu xe Trung Quốc "quen thuộc" với thị trường Việt Nam xếp ở vị trí rất thấp như Brilliance V7 ở vị trí 431, BAIC X55 khá hơn với thứ hạng 365, Zotye Z8 xếp thứ 343, còn BAIC Q7 nằm ở vị trí 410...
Khác với những thương hiệu lớn trên thế giới như Honda, Toyota, đều cung cấp sản phẩm chính hãng thì hiện đa số hãng xe Trung Quốc lại qua nhà phân phối (bên thứ 3) như MG qua Tan Chong hay các đơn vị nhập khẩu tư nhân khác. Đây cũng được coi là một điểm yếu của thương hiệu ô tô này bởi rất có thể sau khi không đạt được mục tiêu về doanh số, nhà phân phối sẽ rút khỏi thị trường khiến những khách hàng đã mua xe bị bỏ rơi do nhà phân phối không duy trì các dịch vụ sau bán hàng, bảo hành, cung ứng phụ tùng và hỗ trợ kỹ thuật cho việc bảo dưỡng xe.
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Đồng, đây là điều thường gặp ở những thương hiệu có số lượng xe tiêu thụ trên thị trường quá ít. Việc thông qua nhà phân phối thứ 3 xuất phát từ lý do giúp các hãng xe tiết kiệm chi phí xây dựng các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng vốn tốn rất nhiều chi phí.
Theo dữ liệu từ Cục Đăng kiểm VN, trong hai năm trở lại đây, số lượng ô tô con và ô tô loại khác (xe tải, xe chuyên dụng…) nhập khẩu từ Trung Quốc dù đang có sự tăng trưởng nhưng gần như không đáng kể. Trong cả năm 2020, số lượng xe du lịch có xuất xứ Trung Quốc chỉ là 1.500 xe và trong 6 tháng đầu năm 2021 là 1.100 xe.
Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/khoc-rong-vi-chot-mua-o-to-trung-quoc-d516208.html