Khoe của giữa mùa lũ

Giàu có không phải là tội. Khoe của cũng không nhưng khoe của giữa mùa dịch, mùa lũ thì có gì đó nhẫn tâm, phản cảm.

Tuần rồi, mạng xã hội lan truyền chóng mặt clip đám cưới sang chảnh. Hàng trăm xế hộp "xịn" như Rolls-Royce nối đuôi đón dâu, mỗi chiếc trị giá hàng chục tỉ đồng; cùng hàng loạt xe sang Porsche, Mercedes, Range Rover, Audi…; đậu kín một góc sân bay Nội Bài. Cô dâu đi hẳn chuyên cơ ra Hà Nội về nhà chồng. Dân mạng tò mò, đoán gia thế của cô dâu, chú rể và bình luận. Nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ, ước mơ và cả tủi thân.

Có tiền hợp pháp, sử dụng thế nào là quyền của mỗi người. Điều này được luật pháp mặc định. Chú rể, cô dâu dùng tiền của cha mẹ, không phải tiền nhà nước, tiền bất minh hay bất chính.

Đành vậy nhưng giữa lúc thông tin đồn dập về rốn lũ miền Trung với bao cảnh đau lòng nhức ruột. Đã có hơn trăm người chết và mất tích, hàng trăm người khác bị thương. Hàng trăm ngàn nhà cửa hư hỏng, ruộng vườn tan tác. Tài sản ky cóp cả đời bỗng chốc tiêu tan. Lắm cảnh không cầm được nước mắt.

Người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình phải di chuyển bằng bè chuối

Người dân xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình phải di chuyển bằng bè chuối

Nhiều tập thể, cá nhân trong và ngoài nước đang tìm cách hỗ trợ chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ. "Miếng khi đói bằng gói khi no", "Lá lành đùm lá rách"; thậm chí "Lá rách ít, đùm lá rách nhiều". Đó không chỉ là truyền thống mà còn là đạo lý của người Việt từ bao đời nay.

Hôn nhân là chuyện trọng đại. Thể hiện ngày vui thế nào tùy điều kiện và hoàn cảnh từng nhà. Đám cưới to hay nhỏ không quan trọng bằng hạnh phúc bền vững. Nhưng có cần phải khoe của, chơi nổi cho thiên hạ "lác mắt", ganh tị giữa lúc lũ dồn, bão dập; đày đọa dân nghèo miền Trung?

Nhà dân ở nhiều xã huyện Minh Hóa bị ngập chìm, cô lập, chia cắt

Nhà dân ở nhiều xã huyện Minh Hóa bị ngập chìm, cô lập, chia cắt

Đại dịch Covid chưa qua thì thiên tai ập tới. Đã nghèo lại càng khổ. Nhiều nơi phát động chương trình "Hướng về miền Trung ruột thịt", san sẻ với bà con vùng lũ những đồng tiền chắt chiu, tiết kiệm của mình. Từ người bán vé số dạo, chạy xe grap, công nhân, hưu trí đến các nghệ sĩ, doanh nhân, doanh nghiệp.

Từ hồi học lớp nhất (lớp 5 ngày nay) trường làng ở miền Nam hơn 50 năm trước, những lời dạy của Gia Huấn Ca (Nguyễn Trãi) vẫn nằm lòng và văng vẳng bên tai tôi. Gia Huấn Ca dạy: "Thương người bớt miệng, bớt lòng mà cho. Miếng khi đói, gói khi no. Của tuy tơ tóc, nghĩa so nghìn trùng".

Người dân di chuyển đồ đạc đi tránh lũ

Người dân di chuyển đồ đạc đi tránh lũ

Tôi ước giá mà cái đám cưới khủng nhất nước đó tổ chức chừng mực. Tiền tiết kiệm và cả tiền mừng cưới của hàng trăm thiếu gia được trích ra một phần để chia sẻ với bà con rốn lũ thì hạnh phúc biết bao. Không chỉ người giúp hay người nhận mà cả xã hội đều có chung niềm vui về lòng nhân ái.

Ông bà ta từng dạy: "Dẫu xây chín bậc phù đồ. Không bằng làm phúc cứu cho một người". Hoặc nhắc nhau: "Giàu có rồi, nhớ làm việc thiện". Hay người Thái Lan bảo con cháu: "Làm việc thiện trước khi làm giàu". Người có trái tim bình thường không quay lưng và dửng dưng trước nỗi đau của người khác.

Vi Văn Hưởng

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/khoe-cua-giua-mua-lu-20201024090123776.htm