Khói bụi đã lui ở làng đúc nhôm 'ô nhiễm nhất nước'
Hàng chục năm nay, không khí ở thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) bị xếp vào hạng 'ô nhiễm nhất nước'. Làng nghề này luôn chìm trong khói bụi, nhiều thời điểm ánh mặt trời không thể xuyên qua. Sau hơn một tháng đóng cửa làng nghề, bầu trời ở Mẫn Xá như được gột rửa, ánh mặt trời đã ló rạng.
"Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế"
Sau hơn 1 tháng cao điểm cả hệ thống chính trị vào cuộc, dồn lực xử lý điểm nóng ô nhiễm môi trường, tất cả các cơ sở, hộ gia đình làm nghề đúc nhôm ở thôn Mẫn Xá, xã Văn Môn đã chính thức dừng hoạt động. Lãnh đạo huyện Yên Phong cho biết, đến nay, tất cả 207 hộ sản xuất tại thôn Mẫn Xá tự nguyện phá dỡ 327 ống khói và 382 lò đốt, lò tái chế kim loại.
Đây là kết quả đáng mừng, thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh trong việc xử lý ô nhiễm môi trường tại làng nghề Mẫn Xá, nơi trước đây được coi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất của tỉnh.
Theo ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, vào những ngày cuối tháng 12, làng Mẫn Xá nói riêng và xã Văn Môn nói chung đã yên bình trở lại, không còn cảnh xe ô tô chở phế thải nườm nượp ra vào.
Hết khói bui, bầu trời ở xã Văn Môn như được gột rửa, trở nên trong xanh, thoãng đãng. Những hàng cây 2 bên đường từng bị đổi màu xám đục vì bám bụi nay cũng đã xanh trở lại; ánh nắng mùa đông đã len lỏi vào ô cửa sổ của mỗi ngôi nhà.
Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh thôn, ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng thôn Mẫn Xá vui mừng: "Sống hơn nửa đời người, lần đầu tiên tôi cảm nhận được nơi đây là miền quê đích thực, chưa bao giờ trong lành, yên ả đến vậy".
Chủ tịch UBND huyện Yên Phong Nguyễn Chí Cường cho biết, với quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy kinh tế", huyện Yên Phong đã huy động tổng lực để thực hiện xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề Mẫn Xá.
Sau khi có chủ trương của tỉnh Bắc Ninh, với sự tuyên truyền của chính quyền địa phương, các cơ sở tái chế nhôm đã chấp hành tháo dỡ hết lò, ống khói. Chia sẻ về kết quả này, Chủ tịch UBND xã Văn Môn, ông Nguyễn Hoàng Gia không giấu được niềm vui: "Trước đây, chỉ mấy ngày nghỉ Tết ngắn ngủi các lò nhôm dừng hoạt động, làng quê mới được yên tĩnh. Nhưng kể từ tháng nay, khi các hộ làm nghề đóng cửa, hết ô nhiễm, xóm làng hân hoan như đang đón Tết".
Lãnh đạo xã Văn Môn cho biết thêm, mặc dù tất cả các lò nhôm đã đóng cửa nhưng đến thời điểm hiện tại, Công an huyện Yên Phong vẫn phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh triển khai 6 Tổ chốt chặn, có nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, nhất là việc vận chuyển nguyên vật liệu, xỉ thải, chất thải, rác thải công nghiệp.
Các chốt trực 24/24h sẽ duy trì nhiều tháng nhằm ngăn chặn triệt để, không để phát sinh thêm nguồn phế liệu ra, vào làng nghề.
Nan giải "bài toán" xỉ thải
Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn là làng nghề tái chế nhôm có quy mô lớn bậc nhất miền Bắc. Nghề tái chế nhôm cũng đem đến cuộc sống khấm khá cho người dân, biến nơi đây thành "làng tỷ phủ".
Theo Chủ tịch UBND xã Văn Môn Nguyễn Hoàng Gia, làng nghề Mẫn Xá có tuổi đời nhiều chục năm, có từ thời chống Mỹ. Xưa kia Mẫn Xá chuyên đúc xoong, chậu, mâm nhôm…, nhưng từ khi đồ inox ra đời, nghề đúc xoong nồi ở mai một, tất cả chuyển sang cô đúc phôi nhôm và "làng nghề ô nhiễm bậc nhất cả nước" cũng bắt đầu từ đó. Mẫn Xá ô nhiễm khủng khiếp, đến mức người lạ vào làng không chịu nổi.
Bà Nguyễn Thị Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN xã Văn Môn cũng cho biết: "Trước đây bất kể đông hay hè, trời mưa hay nắng, bầu trời luôn âm u, mù mịt từ sáng đến đêm, nhiều hôm còn không thấy ánh mặt trời, nơi đây mờ ảo như Sapa đầy sương.
Xã Văn Môn có 5 thôn, chỉ có thôn Mẫn Xá làm nghề đúc nhôm nhưng gây ô nhiễm cả xã, thậm chí cả những vùng lân cận. Gia đình tôi ở thôn bên cạnh càng khổ hơn. Hàng trăm cột khói xả thẳng lên trời khiến khói bụi mù mịt quanh năm. Người dân ở đây hầu hết mặc đồ màu đen, nhiều hôm áo quần mới phơi ra sân đã phải giặt lại vì nhuốm khói bụi. Khắp làng, khắp xã, nhà nào cũng đóng cửa im ỉm".
Phải chịu đựng ô nhiễm hàng chục năm trời nên những ngày qua, người dân ở Văn Môn đều cảm thấy như được "giải thoát". Tuy nhiên, niềm vui chưa thể trọn vẹn khi hàng trăm nghìn tấn xỉ thải của làng nghề đổ tràn lan ra đường, chất thành núi trên đồng ruộng, thậm chí vây kín nghĩa trang nhưng chưa có hướng giải quyết.
"Xỉ thải đổ tràn lan khắp nơi, cả chục năm nay không được xử lý, chúng tôi rất lo sợ sẽ ngấm vào đất, gây ô nhiễm lâu dài ảnh hưởng đến cả thế hệ con cháu sau này", một người dân xã Văn Môn lo lắng.
Qua ông Nguyễn Hoàng Gia, được biết, trước đây tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra nhiều phương hướng để xử lý nguồn xỉ thải tại xã Văn Môn đều chưa thành.
"Rất khó để đưa ra biện pháp xử lý. Nếu chôn lấp, sẽ mất rất nhiều hec - ta mới chứa hết, phải xây hệ thống bể lọc…, biện pháp đó không khả thi. Cách tốt nhất là tìm ra phương pháp nào đó để tái chế được khối lượng xỉ thải lên đến hàng trăm nghìn tấn này", ông Gia nói.
Về vấn đề giải quyết việc làm cho các hộ dân sau khi các lò tái chế nhôm đóng cửa, lãnh đạo xã Văn Môn cho hay, toàn xã có hơn 3.000 hộ dân, riêng thôn Mẫn Xá có hơn 900 hộ.
Mặc dù dân số đông nhưng chỉ có khoảng 200 hộ làm nghề, đa số lao động ở làng nghề là người ngoài địa phương và hiện họ đã đi tìm việc khác. Trước mắt phải dứt điểm dừng hoạt động của làng nghề, việc hỗ trợ chuyển đổi nghề cho người dân sẽ được bàn tính tới trong ít tháng tới.
Đề xuất hỗ trợ người dân
Bà Lê Thị Thảo, một hộ dân tái chế nhôm ở Mẫn Xá cho biết, bà nối nghiệp đúc xoong, chậu từ bố mình. Cách đây khoảng 20 năm, gia đình bà chuyển sang tái chế nhôm khối. Bà Thảo nói rằng, nghề tái chế nhôm gây ô nhiễm nhưng cho thu nhập tốt.
"Trước đây, mỗi ngày chưa phải làm gì tôi đã có ít nhất 500 nghìn từ những người làm công mang lại. Sau khi lò đóng cửa, tôi chuyển sang thu mua sắt vụn rồi tự tay phân loại bán, cả nhà làm vất vả nhưng ngày chỉ kiếm được vài trăm nghìn", bà Thảo nói.
Tương tự, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hằng cũng đã tháo dỡ tất cả các lò nhôm tại 3 cơ sở ở Mẫn Xá. Những ngày này, chị Hằng và người thân trong gia đình đang thu dọn nốt những vật dụng từng để chế biến nhôm trong khu xưởng rộng hàng trăm m2.
Chị Hằng nói rằng, gia đình đã đầu tư nhiều tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng nên mong muốn sẽ được cơ quan chức năng hướng dẫn quy chuẩn, điều kiện về môi trường để sau này có thể được tiếp tục làm nghề, phát triển kinh tế.
Trước đó, kiểm tra tiến độ thực hiện xử lý vi phạm ô nhiễm môi trường tại xã Văn Môn, ông Vương Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, quan điểm của tỉnh không thỏa hiệp với hành vi cố tình gây ô nhiễm môi trường. Tỉnh sẵn sàng, đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các làng nghề, cụm công nghiệp có nhu cầu chuyển đổi nghề nghiệp và mô hình sản xuất.
Phía lãnh đạo huyện Yên Phong cũng cho biết, thời gian tới tiếp tục duy trì các tổ chốt kiểm soát, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, không để phát sinh cơ sở sản xuất trong khu dân cư khi đã tháo dỡ lò cô đúc, ống khói hoạt động trở lại.
Các cơ sở trong Cụm công nghiệp không được phép hoạt động khi chưa đáp ứng đủ điều kiện về môi trường, phòng cháy, chữa cháy và an toàn điện. Chủ tịch UBND huyện Yên Phong cũng đã đề xuất với UBND tỉnh sớm có cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ người dân chuyển đổi sang lĩnh vực khác.