Khởi công cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, dài gần 23km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80km/giờ (giai đoạn 1), có tổng vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng đã chính thức khởi công.
Ngày 4-1, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Long và UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1.
Tham dự buổi lễ khởi công có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ ngành trung ương và lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL.
Theo đó, dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23km, tổng mức đầu tư 4.826 tỷ đồng (bằng hình thức đầu tư công), thời gian thi công 2 năm. Đơn vị chủ đầu tư Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị quản lý dự án Tổng Công ty Đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có điểm đầu tại phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, điểm cuối tại nút giao Chà Và (kết nối QL1 hiện hữu, thuộc xã Thuận An, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Dự án cao tốc đi qua 3 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố (bao gồm huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp; huyện Long Hồ, huyện Bình Tân, thị xã Bình Minh và TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Dự án được xây dựng với quy mô tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/giờ, 6 lần xe ở giai đoạn hoàn chỉnh. Trong đó, giai đoạn 1 phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.
Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã giải phóng mặt bằng đạt 17,8km (chiếm 77,49%), giải ngân chí phí giải phóng mặt bằng 824,4 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết, đường cao tốc từ TPHCM đến Cần Thơ là một bộ phận của trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 140/QĐ-TTg ngày 21-1-2010. Đây là trục đường có lưu lượng xe lớn vào bậc nhất trong các trục đường chính trên toàn quốc.
Trong đó, đoạn TPHCM - Trung Lương đã được sử dụng từ tháng 2-2010; đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận đang được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT dự kiến đưa vào sử dụng năm 2021; cầu Mỹ Thuận 2 đang được triển khai xây dựng dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2023. Do vậy việc đầu tư xây dựng đoạn tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ nhằm hoàn chinh toàn tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ theo quy hoạch đã phê duyệt là hết sức cần thiết và cấp bách.
Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Đây là dự án công trình giao thông có nghĩa đặc biệt quan trọng thúc đẩy sự phát triển về nhiều mặt của 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với hơn 20 triệu dân.
Đặc biệt, việc chúng ta đã chuyển hình thức đầu tư cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang hình thức đầu tư công từ ngân sách nhà nước, đã góp phần giảm chi phí cho ĐBSCL trong xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, với lưu lượng lớn đi qua tuyến đường quan trọng này.
Bên cạnh đó, dự án còn là nỗ lực rất lớn, một chủ trương quan trọng để góp phần thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển toàn diện, đồng bộ ĐBSCL, trong đó có các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
Với ý nghĩa quan trọng trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương có liên quan cần đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng, đồng thời chăm lo tốt chính sách tái định cư, đảm bảo đời sống cho người dân. Đối với chủ đầu tư, các đơn vị thi công cần đảm bảo tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng, kỹ thuật công trình.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khoi-cong-cao-toc-my-thuan-can-tho-706844.html