Khởi công cao tốc Quy Nhơn - Pleiku trong tháng 10-2025

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu các xã, phường thành lập Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đảm bảo hài hòa lợi ích người dân.

Chiều 25-7, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị họp kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) thực hiện dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ.

Ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết dự án sẽ sớm triển khai xây dựng trong tháng 10-2025. Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm Quốc gia tỉnh Gia Lai và các địa phương có dự án đi qua là thành viên.

Thống nhất chính sách bồi thường trên toàn dự án

Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý dự án Giao thông và Dân dụng tỉnh Gia Lai, cho biết dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài 125 km, điểm đầu từ quốc lộ 19B, thuộc phường An Nhơn Bắc và điểm cuối tại đường Hồ Chí Minh, địa phận phường Hội Phú, tỉnh Gia Lai.

 UBND tỉnh Gia Lai họp kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường GPMB thực hiện dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ.

UBND tỉnh Gia Lai họp kiểm tra tình hình triển khai công tác bồi thường GPMB thực hiện dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku qua địa bàn tỉnh Gia Lai cũ.

Dự án có tổng mức đầu tư 43.743 tỉ đồng, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, vận tốc thiết kế 100 km/h; dự án có 3 công trình hầm ngầm qua hai đèo An Khê và Mang Yang.

Theo đó, dự án có 3 dự án thành phần, diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 942 ha, dự kiến thời gian triển khai từ 2025-2029.

Theo ông Phong, hiện nay đã tiến hành đo ranh 60 m và đã số hóa tài liệu gửi cho các địa phương. Về chính sách bồi thường, thống nhất dùng chính sách tỉnh Bình Định cũ đền bù cho toàn dự án. Tại tỉnh Bình Định cũ lựa chọn 7 khu tái định cư.

Qua tổng hợp số liệu hồ sơ, nhu cầu vật liệu thực hiện cho dự án khoảng 21 triệu m3 đất đắp, 2,5 triệu m3 cát và 2,8 triệu m3 đá. Qua đó, các mỏ khoáng sản đã khảo sát, cơ bản đáp ứng nhu cầu dự án.

 Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku.

Ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Gia Lai, cho biết dự án thành phần 3 cơ bản đã có hướng tuyến chính xác. Để đảm bảo tiến độ chung, dự kiến sẽ cho khởi công nhanh nhất có thể tại các đoạn tuyến thuận lợi đã bàn giao mặt bằng.

Về ảnh hưởng của dự án, theo kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được duyệt, số hộ dân bị ảnh hưởng, cần thực hiện tái định cư là 221 hộ, diện tích đất khoảng 295 ha.

Mong muốn hỗ trợ đền bù và cắm mốc

Tại hội nghị, lãnh đạo các xã, phường có dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đi qua bày tỏ mong muốn các sở, ngành hỗ trợ địa phương trong công tác cắm mốc, làm giá đất… do phần lớn khối lượng công việc đều giao về cho địa phương, nhiều nội dung còn mới nên lúng túng.

 Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong tháng 10-2025.

Dự kiến, dự án sẽ khởi công trong tháng 10-2025.

Ông Lê Lợi, Chủ tịch UBND xã Lơ Pang, cho biết qua khảo sát, địa phương có 8,2 ha đất bị ảnh hưởng, trong đó có 5,7 ha lúa nước. Hiện nay, giá đất đền bù ở địa phương vẫn chưa có nên mong muốn Ban Quản lý dự án tỉnh hỗ trợ .

“Qua nắm bắt tâm tư người dân, bà con ở đây rất quý quỹ đất lúa, mong được hỗ trợ đền bù mức giá phù hợp. Hiện, giá mỗi sào lúa dao động từ 400-500 triệu đồng”, ông Lợi nói.

Riêng tại xã Mang Yang, địa phương này đã chủ động cùng đơn vị tư vấn thống nhất bàn giao hồ sơ, tọa độ GPMB và đã có quyết định thành lập Hội đồng bồi thường, tái định cư.

Nói về công tác đền bù, GPMB, bà Bùi Thị Thương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ bày tỏ không ít băn khoăn về về việc hỗ trợ, đền bù cho người dân bị ảnh hưởng.

 Bà Bùi Thị Thương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ bày tỏ băn khoăn và mong muốn hỗ trợ để đảm bảo sớm hoàn thành công tác GPMB.

Bà Bùi Thị Thương, Chủ tịch UBND xã Đăk Pơ bày tỏ băn khoăn và mong muốn hỗ trợ để đảm bảo sớm hoàn thành công tác GPMB.

Theo bà Thương, đến nay xã chưa thành lập Ban Chỉ đạo dự án, thành lập Hội đồng đền bù GPMB do thiếu nhân lực, thiết bị và còn nhiều lúng túng. Đề nghị Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh hỗ trợ công tác cắm mốc, GPMB.

Tại địa phương, nhiều hộ dân cũng mong muốn sớm có thông báo chính thức về thời gian thực hiện dự án để người dân chủ động bón phân, chăm sóc và thu hoạch nông sản theo mùa vụ đảm bảo.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Dự án này là mong muốn của nhân dân tỉnh Bình Định và tỉnh Gia Lai cũ nhiều năm qua và nay đã thành hiện thực”. Do vậy, quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi đảm bảo chất lượng, kịp tiến độ và kỳ vọng của địa phương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực, phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong công tác hướng tuyến, rà soát GPMB.

Theo ông Nguyễn Tự Công Hoàng, để dự án không bị vướng, chậm trễ thì các xã, phường có dự án đi qua cần khẩn trương thành lập Hội đồng bồi thường GPMB. Các Ban Quản lý dự án, Trung tâm Phát triển quỹ đất sẽ hỗ trợ các địa phương thực hiện.

 Dự án có 3 hầm qua hai đèo An Khê và Mang Yang.

Dự án có 3 hầm qua hai đèo An Khê và Mang Yang.

Về giá đất, yêu cầu các xã, phường phải chủ động phê duyệt giá đất, vì việc thuê đơn vị tư vấn cần thời gian thẩm định rất lâu. Quá trình đền bù, GPMB phải đảm bảo phù hợp, hài hòa lợi ích nhân dân và quy định của Nhà nước.

Đối với kiến nghị kéo dài thời gian GPMB “thêm một vài tháng” cho người dân chủ động thu hoạch nông sản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương xem xét nguyện vọng của người dân, ưu tiên triển khai trước những vị trí thuận thi công trước.

LÊ KIẾN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khoi-cong-cao-toc-quy-nhon-pleiku-trong-thang-10-2025-post862365.html