Khởi công công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang
BHG - Trong không khí phấn khởi, thi đua lao động, sản xuất những ngày đầu năm mới, chào mừng kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 – 3.2.2023), chiều 2.2, UBND tỉnh tổ chức Lễ khởi công công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang.
Khởi công công trình đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang
Dự buổi lễ có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên Dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Vàng Seo Cón, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng T.Ư theo dõi Đảng bộ tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; các đồng chí trong BTV, BCH Tỉnh ủy; lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy; Thường trực HĐND – UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố và đại diện đơn vị thiết kế, thi công…
Công trình đập dâng nước được xây dựng trên sông Lô, thuộc địa phận phường Nguyễn Trãi và Minh Khai (thành phố Hà Giang) với các hạng mục chính: Đập dâng có cửa van điều tiết; cầu giao thông, đường nối tiếp; tràn tự do hai bên vai đập; kè bảo vệ bờ phạm vi công trình, gia cố lòng dẫn hạ lưu; điện điều khiển công trình... Công trình có chiều cao lớn nhất 17,5m, dâng nước sông Lô tại vị trí đập lên 6m, tạo lòng hồ trong lòng thành phố với chiều dài khoảng 7km, diện tích mặt hồ gần 54 ha, dung tích 2,2 triệu m3 nước. Đập sử dụng công nghệ hiện đại để quản lý, vận hành như:Thiết bị nâng, hạ đập bằng hệ thống xy-lanh thủy lực, hệ thống quan trắc các chỉ tiêu công trình như thấm, ứng suất thân đập, mực nước được tự động truyền số liệu về trung tâm điều hành đập. Kiến trúc công trình mô phỏng cánh hoa Tam giác mạch, thể hiện ý nghĩa, sức sống của đất và người Hà Giang.
Công trình có tổng mức đầu tư hơn 330 tỷ đồng, do Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và PTNT tỉnh làm chủ đầu tư; dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025. Dự án sau khi hoàn thành sẽ đạt được nhiều mục tiêu, như: Dâng và giữ mực nước ổn định cho sông Lô, đoạn qua thành phố Hà Giang vào mùa khô, tạo cảnh quan không gian trung tâm thành phố. Qua đó, tạo thuận lợi cho việc khai thác nguồn nước mặt cấp cho sản xuất, sinh hoạt vùng ven sông Lô. Tạo không gian mặt nước thoáng, rộng nhằm điều hòa khí hậu, cải thiện môi trường sinh thái, phát triển dịch vụ, du lịch trên sông và hai bên bờ sông. Giảm biên độ lên xuống của mực nước sông, gia tăng độ ổn định bờ sông, làm giảm lưu tốc dòng chảy ở chân mái bờ sông, giảm thiểu tình trạng sạt, lở bờ sông…
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn và GS.TS Trần Đình Hòa, Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, nêu rõ: Đây là công trình công cộng đa chức năng, vừa là cây cầu kết nối quốc lộ 2 với tuyến đường vành đai phía Nam thành phố, vừa là đập dâng nước tạo cảnh quan; đập được xây dựng tại vị trí đầu thành phố, nổi bật với kiến trúc đặc sắc, độc đáo. Sau khi đập dâng hoàn thành sẽ hình thành không gian xanh, tự nhiên sinh thái, là điểm nhấn kiến trúc độc đáo, tôn vinh vẻ đẹp của dòng sông Lô, góp phần xây dựng thành phố Hà Giang thêm xanh - sạch - đẹp, hấp dẫn, mang đậm bản sắc một đô thị xanh bên sông.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm, có tác động lớn đến diện mạo, cảnh quan thành phố, yêu cầu nghiêm ngặt về bảo đảm an toàn, bền vững trong suốt quá trình thi công, vận hành hoạt động. Do đó, để dự án hoàn thành, sớm phát huy hiệu quả, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công; chấp hành nghiêm các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng, đảm bảo công trình hoàn thành đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu cao về kỹ thuật, mỹ thuật, chất lượng công trình.
Các sở, ngành, UBND thành phố Hà Giang và huyện Vị Xuyên chủ động, tích cực phối hợp với chủ đầu tư trong quá trình triển khai dự án; thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo dự án hiệu quả, chất lượng. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tư vấn, nhất là về kỹ thuật, công nghệ, các yêu cầu về thiết kế, thi công, bảo dưỡng, bảo trì để công trình vận hành ổn định, tuyệt đối an toàn, bền vững.
Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang.
Một số hình ảnh phối cảnh Công trình Đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang: