Khởi công Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua tỉnh Bình Dương
Sáng 1/2 (mùng 4 Tết), tại đường DT. 746, phường Tân Hiệp, TP. Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã dự lễ khởi công đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM) – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua tỉnh Bình Dương.
Dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương, có tổng chiều dài khoảng 52 km, được quy hoạch với quy mô 6 làn xe cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h.
Khi tuyến cao tốc Chơn Thành – Gia Nghĩa hoàn thành, sẽ tiếp tục kết nối với khu vực Tây Nguyên, tạo liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Trong giai đoạn 1, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), với quy mô 4 làn xe cao tốc, làn dừng xe khẩn cấp liên tục toàn tuyến, bề rộng nền đường 25,5m, tổng mức đầu tư khoảng 17.400 tỷ đồng.
Tuyến cao tốc này kết nối từ đường Vành đai 3 TP.HCM đến thị xã Chơn Thành (tỉnh Bình Phước), tạo động lực phát triển cho khu vực Đông Nam Bộ, mở rộng không gian đô thị và công nghiệp.
Dự án này cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc mà Đảng và Chính phủ đã đặt ra trong giai đoạn 2021-2030.
Theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương, liên danh Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex IDC) – Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (Becamex IJC) – Công ty CP Phát triển hạ tầng kỹ thuật Becamex Bình Phước – Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả đã được phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư trúng thầu xây dựng đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành theo hình thức đối tác công tư (PPP) và xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Cụ thể, đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành có tổng mức đầu tư hơn 8.833 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu, vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác (bao gồm lãi vay).
Thời gian khởi công xây dựng, hệ thống cơ sở hạ tầng và thời gian xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng là 36 tháng kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Thời gian vận hành, kinh doanh công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng là 32 năm 5 tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho nhà đầu tư thu phí sử dụng đường bộ.
Phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cam kết tiếp tục đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, phát huy lợi thế, tận dụng cơ hội để phát triển mạnh mẽ, bền vững, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Dịp này, tỉnh Bình Dương trao 7 dự án nhà ở xã hội với gần 8.500 tỷ đồng dự kiến sẽ đem đến 9.200 căn hộ là mái ấm cho người lao động, người dân có thu nhập thấp, góp phần đảm bảo an sinh xã hội như một lời cam kết “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển” của tỉnh Bình Dương. Cùng với đó, tỉnh trao quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương; 7 dự án đầu tư nước ngoài với 2 dự án cấp mới, 3 dự án điều chỉnh và 2 dự án hạ tầng khu công nghiệp, tổng vốn đầu tư hơn 970 triệu USD.