Khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa sau 12 năm dừng thi công

Vừa qua, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã chính thức khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa sau 12 năm dừng thi công do thiếu vốn.

Ngày 18/11, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã phối hợp Tập đoàn Đèo Cả tổ chức Lễ triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Tham dự bổi lễ khởi công có ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Giao thông vận tải; Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương; cùng lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An.

 Lễ triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (Ảnh: Thanh Niên)

Lễ triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa tại huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương (Ảnh: Thanh Niên)

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa đi qua 4 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm: Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An có chiều dài 72,75km.

Trước đó, vào năm 2009, Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa đã được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, đến năm 2011, dự án bị đình hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/2/2011) của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) của Thủ tướng Chính phủ.

Sau 12 năm dừng thi công, sáng nay ngày 18/11, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đã phối hợp Tập đoàn Đèo Cả tái khởi động với mục tiêu tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn Nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe, chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

Trước đó, gói thầu được Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi.

Tập đoàn Đèo Cả là đơn vị trúng thầu gói XL1 là Thi công xây dựng đoạn Km10+000-Km41+150 (bao gồm cầu Kênh Phước Hòa, cầu Cây Trường, cầu Bà Tứ, cầu Thị Tính, cầu Suối Tre, cầu Thanh An) thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành- Đức Hòa.

Điểm đầu của gói thầu XL1 là xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương và điểm cuối là xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, có chiều dài 31,5km với giá trị xây lắp gần 682 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày. Dự kiến tháng 11/2025 sẽ hoàn thành đưa dự án vào hoạt động.

 Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa thi công trở lại sau 12 năm ngưng thi công. (Ảnh: Công Thương)

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa thi công trở lại sau 12 năm ngưng thi công. (Ảnh: Công Thương)

Phát biển tại buổi lễ, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đủ nhân lực, thiết bị máy móc để tập trung triển khai thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn về vệ sinh môi trường; tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật để dự án hoàn thành đúng thời hạn.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình kỹ thuật, quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công trong quá trình triển khai xây dựng công trình.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà nhận định, dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành-Đức Hòa khởi động lại trên nền tảng dự án đã triển khai trước đây, đáp ứng được mong mỏi của người dân trên địa bàn các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An.

Tuyến đường sẽ giúp hoàn thiện hệ thống đường phía Tây Bắc của tỉnh Bình Dương, mở ra hướng kết nối mới để tỉnh Bình Dương với các tỉnh xung quanh, đặc biệt là kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; đồng thời đẩy nhanh việc hình thành, phát triển các Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng, Khu công nghiệp Cây Trường sớm trở thành khu công nghệ cao, Vùng đổi mới sáng tạo theo định hướng quy hoạch kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Dương đến năm 2040, định hướng đến năm 2050.

Song Anh t/h

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/khoi-cong-du-an-duong-ho-chi-minh-doan-chon-thanh-duc-hoa-sau-12-nam-dung-thi-cong-82762.html