Khởi công dự án thủy điện tích năng đầu tiên của Việt Nam

Ngày 22/2, Ban Quản lý dự án Điện 3 - Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN) đã tổ chức Lễ triển khai thi công xây dựng dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái - giai đoạn 2. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới 21.100 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc EVN phát biểu tại buổi lễ

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc EVN phát biểu tại buổi lễ

Theo EVN, Dự án nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án có quy mô 1.200 MW gồm 4 tổ máy Tuabin/bơm – Máy phát/động cơ có công suất 300MW/ tổ máy.

Dự án góp phần chuyển đổi năng lượng sạch

Phát biểu tại lễ triển khai thi công, ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, đây là dự án thủy điện tích năng đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và là một trong các dự án trọng điểm của EVN triển khai trong năm 2025.

EVN giao nhiệm vụ cho Ban QLDA Điện 3 và Liên danh các nhà thầu thực hiện quản lý dự án, tổ chức thi công. Nguồn vốn cho dự án được thu xếp từ vốn vay và vốn do EVN bố trí. Dự kiến sẽ hoàn thành tổ máy 1 vào tháng 12/2029, hoàn thành tổ máy 4 vào tháng 12/2030 và hoàn thành toàn bộ dự án vào tháng 5/2031.

Theo ông Tuấn, công trình thủy điện tích năng Bác Ái không chỉ là một dự án năng lượng quan trọng mà còn mang lại nhiều lợi ích dài hạn về kinh tế, xã hội và môi trường.

Dự án này sẽ góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, bền vững.

Lãnh đạo EVN cho rằng, với đặc điểm khu vực các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận tập trung cao nhiều dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) và tương lai có thêm các nhà máy điện hạt nhân, hoạt động của Thủy điện tích năng Bác Ái sẽ góp phần điều tiết công suất và ổn định nguồn điện khu vực.

Khi nhu cầu tiêu thụ điện thấp (ngoài giờ cao điểm), nhà máy dùng điện dư thừa để bơm nước lên từ hồ thấp lên hồ chứa trên cao; khi nhu cầu tiêu thụ điện tăng (giờ cao điểm), nước được xả xuống từ hồ cao xuống hồ thấp để phát điện, giúp ổn định vận hành của lưới điện khu vực và cả hệ thống điện quốc gia.

"Hiện nhà máy điện hạt nhân đang được chuẩn bị triển khai tại Ninh Thuận. Nếu hai dự án được hoàn thành vào năm 2030, Ninh Thuận sẽ trở thành trung tâm năng lượng sạch lớn nhất Việt Nam và lớn nhất Đông Nam Á”, ông Tuấn chia sẻ.

Lãnh đạo EVN cũng kiến nghị lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và các bộ ngành, địa phương dự án tiếp tục chỉ đạo, thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao toàn bộ mặt bằng công trường để chủ đầu tư tổ chức triển khai thi công đồng bộ các hạng mục nhằm đáp ứng tiến độ của dự án.

Ông Trịnh Minh Hoàng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới, dự báo nhu cầu năng lượng trong những năm tới sẽ ngày càng tăng cao, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang ngày càng cạn kiệt, vì vậy phát triển năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời) đang trở thành xu hướng của các quốc gia trên thế giới,

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết số 189 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt đầu tư xây dựng Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, đặt mục tiêu hoàn thành trong vòng 5 năm tới.

Cùng với công trình thủy điện tích năng Bắc Ái là công trình độc nhất của Việt Nam, việc tái khởi động dự án điện hạt nhân có ý nghĩa lớn với địa phương, giúp điều hòa hệ thống, phát điện phủ đỉnh.

Để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng, ông Hoàng mong muốn EVN tập trung nguồn lực để triển khai đồng bộ 2 dự án bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ để phát huy hiệu quả đầu tư (cả 2 dự án đều do EVN làm chủ đầu tư).

Trước đó, Dự án thủy điện tích năng Bắc Ái giai đoạn 1 đã triển khai từ tháng 1/2020 và nghiệm thu hoàn thành vào tháng 3/2021, với hạng mục là cụm công trình cửa xả nằm sâu trong lòng hồ thủy điện Sông Cái, đảm bảo tiến độ tích nước hồ chứa Sông Cái - thuộc Dự án thủy lợi Tân Mỹ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Thủy điện tích năng là dạng thủy điện giúp dự trữ năng lượng để bổ sung cho hệ thống khi cần thiết, tức sẽ được tích điện vào thời gian rảnh rỗi và được mang ra dùng khi có nhu cầu.

(Theo TPO)

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/346387/khoi-cong-du-an-thuy-dien-tich-nang-dau-tien-cua-viet-nam.aspx