Tổng Bí thư Tô Lâm lần đầu trải nghiệm Metro Bến Thành - Suối Tiên
Ngày 22/2, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) vinh dự được đón tiếp những vị khách đặc biệt...

Tổng Bí Thư Tô Lâm trải nghiệm thực tế trên Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Ảnh: TTXVN
Ngày 22/2, trong chương trình công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trải nghiệm thực tế Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) - tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cùng đi với Tổng Bí thư có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Chuyến đi không chỉ thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với hệ thống giao thông công cộng, mà còn khẳng định tầm quan trọng của metro số 1 trong việc phát triển hạ tầng đô thị, giảm ùn tắc và nâng cao chất lượng sống cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Trải nghiệm hành trình từ ga Bến Thành đến ga Tân Cảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã gặp gỡ, trò chuyện thân mật với nhân dân trên tàu, được người dân phấn khởi chia sẻ cảm nhận khi được đi trên phương tiện giao thông công cộng hiện đại, rút ngắn rất nhiều thời gian di chuyển trong nội thành, đáp ứng nhu cầu đi lại hàng ngày rất lớn của người dân và góp phần nâng cao chất lượng sống.

Tổng Bí thư Tô Lâm trò chuyện với người dân trên tàu Metro số 1. Ảnh: TTXVN
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) là tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh, được phê duyệt năm 2007, khởi công năm 2012 với tổng vốn đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, kết nối trung tâm thành phố với cửa ngõ phía Đông.
Hành trình của Tuyến Metro Bến Thành-Suối Tiên dài 19,7km, gồm 14 nhà ga (ba ga ngầm, 11 nhà ga trên cao) và một depot. Ga đầu tiên cũng là nhà ga trung tâm - ga Bến Thành và ga cuối của hành trình là ga Suối Tiên.
Chính thức vận hành khai thác từ ngày 22/12/2024, đến nay Tuyến Metro số 1 đã chuyên chở trên 4,6 triệu lượt hành khách. Dự kiến ngày 9/3 tới đây, Tuyến Metro số 1 sẽ chính thức được khánh thành.
Giá vé tàu Metro số 1 từ 7.000-20.000 đồng/lượt; vé tháng phổ thông là 300.000 đồng. Đối với học sinh, sinh viên, giá vé được giảm 50% là 150.000 đồng/vé/tháng; đồng thời miễn phí dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người cao tuổi trên 60 tuổi, người khuyết tật.
Hiện, tuyến đang sử dụng hệ thống thu phí tự động của tuyến hỗ trợ nhiều phương thức thanh toán như mã QR Code, ứng dụng HCMC Metro, thẻ ngân hàng quốc tế, thẻ nội địa NAPAS, ví MOMO và căn cước công dân.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tuyến Metro số 1 không chỉ là một công trình giao thông đô thị hiện đại, mà còn là biểu tượng của khát vọng vươn cao, hội nhập và phát triển bền vững của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Lê Minh Triết, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1), cho biết cả hai đoàn khách đều là những "vị khách đặc biệt" khiến HURC1 vô cùng bất ngờ nhưng cũng đầy tự hào khi tuyến metro số 1 nhận được sự quan tâm lớn từ lãnh đạo Đảng và Chính phủ.
Theo đại diện HURC1, trong tháng 2 này, tuyến đã vận hành 3.769 chuyến tàu, vận chuyển 913.540 lượt hành khách, đạt 124% so với kế hoạch vận chuyển.
Được biết, lưu lượng hành khách cao nhất của Tuyến Metro số 1 ghi nhận đạt 200.000 lượt/ngày vào ngày 29/12/2024 và 120.000 lượt/ngày vào ngày 30/1/2025 (mùng 2 Tết).
Mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong đó, Quốc hội cho phép Ủy ban nhân dân Thành phố được thu và sử dụng 100% các khoản thu liên quan để tái đầu tư vào hệ thống đường sắt đô thị, giao thông công cộng và hạ tầng kỹ thuật kết nối. Hội đồng nhân dân Thành phố có trách nhiệm ban hành các quy định chi tiết về phương pháp xác định mức thu, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện, bảo đảm không trùng lắp với các loại thuế, phí khác.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được phép chủ động huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, cũng như các hình thức hợp pháp khác. Tổng mức dư nợ vay của thành phố không vượt quá 120% số thu ngân sách theo phân cấp, và trong trường hợp cần thiết, Quốc hội sẽ xem xét điều chỉnh tăng mức dư nợ phù hợp với nhu cầu thực tế.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh cũng được giao thẩm quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án liên quan. Đây là bước tiến quan trọng, giúp thành phố rút ngắn quy trình phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án hạ tầng giao thông, tạo động lực phát triển bền vững cho đô thị.