Khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 từ ngày 1/1/2023

Chiều 28/12, Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Khởi công toàn bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2).

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy khẳng định, đến nay toàn bộ 12 dự án thành phần dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 đã đủ điều kiện khởi công theo đúng quy định của pháp luật và thời hạn theo Nghị quyết của Chính phủ. Đây là kết quả sau hơn 10 tháng triển khai dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, cùng tinh thần làm việc khẩn trương, tập trung, trách nhiệm cao nhất của các cơ quan đơn vị liên quan của Bộ Giao thông vận tải.

Theo Thứ trưởng, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 vào sáng ngày 1/1/2023 tại 9 tỉnh.

Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2)

Bộ Giao thông vận tải tổ chức họp báo thông tin về tình hình triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2)

Trước đó, vào sáng ngày 31/12/2022 sẽ chính thức khánh thành cao tốc Cam Lộ - La Sơn thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. "Việc tổ chức Lễ khởi công toàn bộ 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là sự kiện lớn không chỉ của riêng ngành Giao thông vận tải mà còn là sự kiện lớn của các địa phương, tạo không khí phấn khởi, tích cực thi đua lao động đối với cán bộ, công chức viên chức, người lao động toàn ngành Giao thông vận tải ngay trong ngày đầu tiên của năm mới 2023" - Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho hay.

Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định, Bộ Giao thông vận tải đã có những đột phá, đổi mối tư duy, cách tiếp cận để có thể triển khai đảm bảo điều kiện khởi công chỉ trong hơn 10 tháng. Việc khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 là một điều đặc biệt, minh chứng cụ thể cho nỗ lực vượt bậc.

Sự kiện này cũng thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo quyết liệt và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đồng lòng của nhân dân nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công một trong 3 đột phá chiến lược đã được Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra với mục tiêu đến năm 2025, cả nước ta có khoảng 3000km đường bộ cao tốc; trong đó cơ bản hoàn thành toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau - ông Nguyễn Danh Huy cho hay.

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cũng thông tin, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp cùng Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tổ chức Lễ khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020 và Lễ Khởi công đồng loạt 12 dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km đi qua tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tổng mức đầu tư 7.669 tỷ đồng, khởi công tháng 9/2019. Cụ thể, sáng 31/12, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức khánh thành dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn thuộc Dự án xây dựng đường bộ cao tốc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại nút giao Cầu Tuần, xã Hương Thọ, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Sáng 1/1/2023, Lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đồng loạt diễn ra tại 12 dự án thành phần tại 9 tỉnh. Trong đó 3 điểm đầu cầu chính tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ngãi và Hậu Giang đại diện cho 3 khu vực (Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nam Bộ) trong đó điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn) với sự tham dự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. 9 điểm cầu (9 gói thầu/9 dự án thành phần) còn lại diễn ra tại địa bàn các tỉnh: Hà Tĩnh (2 điểm), Quảng Bình (1 điểm), Quảng Trị (1 điểm) Bình Định (1 điểm), Phú Yên (2 điểm), Khánh Hòa (1 điểm), Cà Mau (1 điểm). Được biết, Lễ khởi công được kết nối trực tuyến từ tất cả các điểm cầu với điểm cầu trung tâm tại Quảng Ngãi (Dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn).

Ngày 1/1/2023, đồng loạt khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Ngày 1/1/2023, đồng loạt khởi công toàn bộ 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Tập trung tổ chức thi công

Thông tin tại họp báo, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho rằng, đối với 13 gói thầu còn lại, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu để tổ chức thi công trước Tết Quý Mão (yêu cầu của Nghị quyết 18/NQ-CP thi công đồng loạt trước ngày 31/3/2023).

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, sau lễ khởi công, các nhà thầu sẽ triển khai các công việc để thi công ngay dự án bám sát các mốc tiến độ yêu cầu. Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát… cần tập trung nhân lực, trang thiết bị, máy móc để triển khai thi công đồng loạt các dự án bảo đảo tiến độ, chất lượng, an toàn.

Đến nay, mặt bằng của toàn bộ 12 dự án thành phần đã được bàn giao 70%, đáp ứng yêu cầu khởi công. Các địa phương cần tích cực triển khai giải phóng mặt bằng các diện tích còn lại để bảo đảm bàn giao toàn bộ trong quý II/2023; hỗ trợ tạo điều kiện cho các nhà thầu thi công trong việc cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải; chỉ đạo các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh, trật tự khu vực thi công.

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tiêu chí Bộ Giao thông vận tải lựa chọn nhà thầu mạnh, ông Lê Quyết Tiến - Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu theo quy định pháp luật. Quy trình lựa chọn nhà thầu cũng theo đúng các bước, đúng trình tự.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án đăng thầu về dự án công khai trên Báo Đấu thầu, Cổng Thông tin điện tử Bộ Giao thông vận tải, trang điện tử của các Ban Quản lý dự án để các nhà thầu nắm bắt thông tin, lựa chọn đối tác đủ khả năng thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án sẽ dựa vào các tiêu chí đánh giá và lựa chọn nhà thầu có năng lực.

Về việc xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà thầu, ông Lê Quyết Tiến cho hay, các tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tuân thủ pháp luật về đấu thầu. Bộ Kế hoạch đầu tư đã có Thông tư 08 để các Ban Quản lý dự án dựa vào đánh giá. Nghị định 15 của Chính phủ cũng quy định về năng lực nhà thầu. Công tác chuẩn bị lựa chọn nhà thầu đã được tiến hành song song với công tác khảo sát thiết kế, dự toán. Đến nay, các Ban Quản lý dự án đã phê duyệt kết quả chỉ định thầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án. Về quy trình thủ tục đều tuân thủ theo quy định pháp luật.

Ngoài ra, để đảm bảo công khai minh bạch công tác lựa chọn nhà thầu đáp ứng yêu cầu của dự án, Bộ Giao thông vận tải tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đăng tải thông tin nhà thầu công khai rộng rãi và Bộ Giao thông vận tải cũng nghiêm cấm các hành vi không minh bạch trong lựa chọn nhà thầu. Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, việc lựa chọn nhà thầu quyết định sự thành công của dự án. Ngay từ khi lập quy trình chỉ định thầu, Bộ Giao thông vận tải đều thực hiện đúng quy định của Chính phủ về chỉ định thầu.

Đồng thời, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các chủ đầu tư có trách nhiệm chính trong thẩm định việc phê duyệt các bước, các khâu trong công tác chỉ định thầu. Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông vận tải cũng giám sát, theo dõi để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Hiện nay, quá trình lựa chọn nhà thầu bằng chỉ định thầu đảm bảo quy định với kết quả là Bộ Giao thông vận tải đã ký hợp đồng của 14 gói thầu, đáp ứng điều kiện khởi công - ông Lê Quyết Tiến tông tin.

Ông Lê Kim Thành - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông có đặc điểm ngoài khai thác công trình còn có các yếu tố khác mang tính chất kinh doanh. Trong Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư xác định rõ nội dung việc xây dựng trạm dừng nghỉ theo hình thức xã hội hóa và chi phí xây dựng không tính vào tổng mức đầu tư của dự án.

Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt vị trí và quy mô các trạm dừng nghỉ và đang xây dựng cơ chế để đầu tư trạm dừng nghỉ, trong đó xây dựng Thông tư để kêu gọi đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ để đề xuất lựa chọn nhà đầu tư. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường cao tốc cùng các cơ quan liên quan như Cục Đường bộ Việt Nam khảo sát, đánh giá và xây dựng Thông tư làm cơ sở kêu gọi đầu tư trạm dừng nghỉ để phục vụ các dự án cao tốc tiếp theo.

Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 dài 729 km đi qua địa phận 12 tỉnh, thành (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) gồm các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km). Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng hơn 146.990 tỉ đồng.

Dự án được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác vận hành từ năm 2026; trong đó 12 dự án thành phần này được chia thành 25 gói thầu, gói thầu có giá trị lớn nhất là gần 8.000 tỉ đồng.

Nhật Khôi

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khoi-cong-toan-bo-12-du-an-cao-toc-bac-nam-giai-doan-2-tu-ngay-112023-232785.html