Khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc)
Sáng 31/3, tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc). Lễ khởi công được tổ chức đồng thời và kết nối trực tuyến qua biên giới tại hai đầu cầu phía Bát Xát (Việt Nam và Bá Sái (Trung Quốc).

Lễ khởi công xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc).
Dự lễ khởi công có các đồng chí: Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương; lãnh đạo tỉnh Lào Cai, Yên Bái.
Vị trí xây dựng cầu qua sông Hồng phía Việt Nam tại khu vực cửa khẩu Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, cách cột mốc 97(2) khoảng 700m về phía hạ lưu sông Hồng.
Quy mô xây dựng: Cầu chính vượt sông Hồng dạng Extradosed (cầu dây văng tháp thấp). Sơ đồ nhịp: (Trung Quốc) 60m+110m+60m (Việt Nam); dầm bằng bê-tông cốt thép dự ứng lực thi công theo phương pháp đúc hẫng kết hợp với dây văng đan kiểu rẻ quạt, trụ tháp có chiều cao 20m tính từ mặt cầu.
Cầu rộng 35,3m (bao gồm cả chiều rộng trụ tháp). Trong đó, bên phía Việt Nam đầu tư xây dựng 1/2 cầu chính dài 115m.

Phối cảnh cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc).
Phần cầu và đường dẫn phía Việt Nam có chiều dài 40m bằng dầm hộp bê-tông cốt thép dự ứng lực đúc trên đà giáo cố định. Đường đầu cầu có chiều dài 232,5m chiều rộng nền đường 35m, chiều rộng mặt đường 25m. Kết cấu mặt đường bằng bê-tông nhựa.
Tổng mức đầu tư toàn dự án là 1.500 tỷ đồng; trong đó tổng kinh phí xây dựng cầu phía Việt Nam thực hiện khoảng 300 tỷ đồng. Dự án sẽ hoàn thành sau 18 tháng kể từ ngày khởi công.

Lễ khởi công xây dựng bên phía Trung Quốc.
Phát biểu khai mạc Lễ khởi công, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai nhấn mạnh: Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là điểm kết nối chiến lược giữa hai nước để thực hiện tốt kế hoạch hợp tác kết nối trong khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Thúc đẩy kết nối hạ tầng chiến lược giữa hai nước về đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng cửa khẩu, kết hợp giữa “kết nối cứng” về hạ tầng và “kết nối mềm” về giao lưu hợp tác về kỹ thuật, hải quan thông minh, giảm chi phí logistics qua cửa khẩu với cùng mục tiêu đạt giá trị xuất nhập khẩu hơn 10 tỷ USD trước năm 2030.
Việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng thuộc khu vực biên giới Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc) không chỉ có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông giữa hai quốc gia, mà còn khẳng định vai trò cửa ngõ giao thương của tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; là trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam-Trung Quốc.
Ghi nhận và biểu dương nỗ lực của hai tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) để hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng cầu đường bộ Bát Xát (Việt Nam)-Bá Sái (Trung Quốc). Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn cho biết: Công trình này không chỉ đóng vai trò nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai địa phương, mà còn tạo ra động lực lớn cho phát triển thương mại, du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước.
Sau khi Công trình được hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác về kinh tế, đầu tư, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân hai bên biên giới.

Các đại biểu bấm nút khởi động Dự án.
Đây cũng là minh chứng cho nỗ lực của cả hai nước Việt Nam-Trung Quốc trong việc thực hiện Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về “hợp tác, xây dựng kết cấu hạ tầng và kết nối giao thông, đẩy nhanh việc thúc đẩy kết nối xây dựng cơ sở hạ tầng biên giới”; cũng như quyết tâm của Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc trong việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực biên giới, hướng tới một khu vực phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng.
Bộ Xây dựng Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan của tỉnh Lào Cai, và các cơ quan hữu quan của Trung Quốc để bảo đảm công trình được triển khai, xây dựng, bàn giao đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cao nhất.