Khởi công xây dựng hạng mục đầu tiên trong dự án 'triệu đô'
Hiện nay, một dự án 'triệu đô' đang được khẩn trương triển khai tại TP. Long Xuyên, nhằm từng bước xây dựng địa phương giàu đẹp, văn minh và phát triển bền vững. Đó là dự án 'Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên'.
Khởi công xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư
Quy mô đầu tư dự án gồm 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 3 trong khu vực thu nhập thấp (4 khu vực dân cư thu nhập thấp (LIA) gồm: LIA 1 phường Mỹ Bình, LIA 3 phường Đông Xuyên, LIA 5 phường Mỹ Xuyên, LIA 6 phường Mỹ Long - Mỹ Phước). Hợp phần 2 là nâng cấp cơ sở hạ tầng cấp 1, 2 ưu tiên: xây dựng đường Hùng Vương dài 1,2km, bề rộng nền đường 24m; đường Trần Quang Diệu 0,9km, bề rộng nền đường 20,5m; kè rạch Long Xuyên 2,3km (đoạn 1 từ cầu Duy Tân đến kè Nguyễn Du, đoạn 2 từ kè cầu Duy Tân đến bến phà Ô Môi, đoạn 3 từ cầu Nguyễn Thái Học đến qua cầu Tôn Đức Thắng); cải tạo rạch Cái Sơn (1,8km), rạch Bà Bầu (1km), rạch Ông Mạnh (1,6km), cả 3 rạch được nạo vét đến hết lớp bùn, tiết diện từ 8-15m, đảm bảo thoát nước của tuyến rạch theo mô hình thủy lực được tư vấn Ngân hàng Thế giới (WB) kiểm tra. Hợp phần 3 là xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư, diện tích 4ha, dự kiến bố trí 343 lô nền (diện tích tối thiểu 63m2/nền).
Dự án nhằm giải quyết các vấn đề về: phát triển đô thị và khu dân cư nghèo, việc bồi lắng, ách tắc dòng chảy của các con rạch thoát nước chính trong khu vực nội ô, tăng cường khả năng kết nối của mạng lưới giao thông, giảm mật độ lưu thông cho các tuyến đường chính, tạo thêm quỹ đất đô thị. Bên cạnh đó, cải thiện điều kiện thoát nước, điều kiện vệ sinh môi trường cho tuyến kênh rạch. Có thể khẳng định, đây là công trình trọng điểm được tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, có quy mô và giá trị tương đối lớn, đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án là cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực dự án, bao gồm các phường: Mỹ Bình, Mỹ Long, Mỹ Xuyên, Đông Xuyên, Mỹ Hòa, Mỹ Phước và Mỹ Quý. Chỉ riêng ở hợp phần 1 có 24.396 người (sống tại phường Mỹ Bình, Đông Xuyên, Mỹ Xuyên, Mỹ Long và Mỹ Phước) sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Đối tượng thụ hưởng gián tiếp là cộng đồng dân cư sinh sống ở vùng phụ cận, các cơ quan quản lý, thực hiện dự án; các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực môi trường; du khách đến nghỉ ngơi, tham quan và làm việc tại TP. Long Xuyên.
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Dự án đầu tư nâng cấp đô thị TP. Long Xuyên Nguyễn Ngọc Kính, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị các thủ tục đầu tư dự án, tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định, đến nay đã hoàn tất kết quả lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng, bàn giao mặt bằng, công trình đủ điều kiện triển khai thi công. Khi triển khai dự án, việc cần thiết nhất là giải tỏa và tái định cư cho hộ dân trong vùng. Do đó, hạng mục đầu tiên của dự án vừa được triển khai thi công: xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư. Giá trị gói thầu trên 27,7 tỷ đồng, thi công 360 ngày, hoàn thành vào quý II-2020. Các gói thầu còn lại của dự án sẽ tiếp tục được triển khai và hoàn thành ngay sau đó.
“Nhằm tăng cường công tác quản lý chất lượng và rút ngắn thời gian thi công, hàng tháng, ban quản lý họp trực tiếp tại công trường với tư vấn giám sát và quản lý hợp đồng, tư vấn thiết kế, nhà thầu để đôn đốc, kiểm tra chất lượng, tiến độ công trình; giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Nhà thầu trước khi thi công phải trình kế hoạch, phương thức kiểm soát chất lượng cho tư vấn giám sát thi công và quản lý hợp đồng, ban quản lý; đảm bảo an toàn thi công xây dựng, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Đối với tư vấn giám sát thi công và quản lý hợp đồng, khi phát hiện nhà thầu có biểu hiện thi công chậm, không đảm bảo chất lượng có giải pháp xử lý ngay”- ông Nguyễn Ngọc Kính nhấn mạnh.
Dự án “Mở rộng, nâng cấp đô thị Việt Nam - Tiểu dự án TP. Long Xuyên” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án năm 2017; UBND tỉnh phê duyệt dự án năm 2018. Tổng mức đầu tư hơn 56,4 triệu USD (tương đương hơn 1.280 tỷ đồng), từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng. Thời gian thực hiện từ 2018-2023.