Khởi đầu mới giữa những người bạn cũ

Ngay trong ngày làm việc đầu tiên trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh giữa Liên minh châu Âu (EU) cùng Cộng đồng Các quốc gia Mỹ Latin và Caribe (CELAC), EU đã cam kết mức đầu tư lên tới 45 tỷ euro. Hội nghị này, diễn ra trong ngày 17 và 18/7 tại Brussels (Bỉ), có thể xem là bước đột phá của châu Âu, trên tiến trình kiến tạo hợp tác liên khu vực với Mỹ Latin và Caribe, khi những cuộc cạnh tranh ngày càng trở nên khốc liệt.

1. Khép lại sau 2 ngày hội thảo, hội nghị thượng đỉnh được cả EU và CELAC đánh giá là thành công tốt đẹp, khi các bên đều nhất trí thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác này, mà minh chứng là những thỏa thuận thương mại đã được ký kết.

Đó là “một khởi đầu mới giữa những người bạn cũ”, như cách sử dụng ngôn từ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) - Ursula von der Leyen. Theo quan điểm của bà, được “lập ngôn” rõ ràng ở phiên khai mạc, EU và CELAC đang cần hỗ trợ lẫn nhau hơn bao giờ hết, trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, cũng như tình trạng xung đột gia tăng. Ở phiên bế mạc, mệnh đề ấy được nhắc lại một lần nữa.

Cái bắt tay giữa những người bạn cũ.

Cái bắt tay giữa những người bạn cũ.

Cũng rất bất ngờ, trái với dự báo của không ít nhà phân tích quốc tế, hội nghị ra được một tuyên bố chung, với sự đồng thuận gần như tuyệt đối giữa những quốc gia (và vùng lãnh thổ) thành viên của hai khối (ngoại trừ duy nhất Nicaragua không nhất trí với một mục liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine).

Tuyên bố chung nhấn mạnh: Hội nghị thượng đỉnh lần này đã củng cố hơn nữa quan hệ đối tác giữa EU và các quốc gia CELAC về các ưu tiên chung, về kỹ thuật số và chuyển đổi xanh, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học; về sức khỏe, an ninh lương thực, di cư, an ninh và quản trị... cũng như cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia.

Không phải ngẫu nhiên, Chủ tịch lâm thời của CELAC đồng thời là Thủ tướng Saint Vincent và Grenadines - ông Ralph Gonsalves, đánh giá đây là "sự kiện lịch sử" bởi hội nghị đã đạt được tiến bộ cụ thể với việc thông qua thỏa thuận "hậu Cotonou" - cơ sở thiết lập khuôn khổ pháp lý cho quan hệ giữa EU cùng 79 quốc gia châu Phi, Caribe và Thái Bình Dương.

Ở những khía cạnh chi tiết hơn, một loạt bản ghi nhớ đã được EU ký với Argentina và Uruguay về hợp tác năng lượng, hay với Chile về hợp tác phát triển chuỗi giá trị nguyên liệu thô bền vững. Như Tổng thống Argentina Alberto Fernández nhận xét: Đây là lần đầu tiên hai bên thảo luận và tuyên bố rõ ràng về cơ chế chấm dứt hoạt động khai khoáng ở Mỹ Latin, cũng như loại bỏ tư tưởng Mỹ Latin chỉ là nơi sản xuất các sản phẩm sơ cấp, để tiến tới công nghiệp hóa những sản phẩm này.

Bên cạnh đó, một liên minh kỹ thuật số giữa EU với nhiều quốc gia bên kia Đại Tây Dương đã được nhất trí thành lập, như một khuôn khổ hợp tác về các vấn đề kỹ thuật số, nhằm phục vụ lợi ích người dân ở cả hai khu vực, đồng thời tái khẳng định cam kết đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Cuối cùng, không thể không nhắc đến, mối quan hệ hợp tác EU - Cuba tiếp tục được thắt chặt, khi hai bên cam kết tôn trọng lẫn nhau bất chấp các lệnh bao vây cấm vận. EU và Cuba sẽ tiếp tục duy trì các dự án hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, năng lượng tái tạo, biến đổi khí hậu và hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại “Hòn đảo tự do”.

2. Không chỉ riêng việc EU kiên định duy trì quan hệ hợp tác và phát triển với Cuba (bất chấp những phản ứng rất có thể là trái chiều từ phía Mỹ), hướng phát triển liên khu vực sang Mỹ Latin và Caribe mà châu Âu đang thúc đẩy, thực tế, cũng là một biểu hiện rõ rệt của xu thế tất yếu toàn cầu hóa - đa phương hóa. Bởi, trong suốt thế kỷ 20 đến tận đầu thế kỷ 21 này, trong ý niệm của giới quan sát địa chính trị, Mỹ Latin và Caribe, dù muốn dù không, vẫn mang dáng dấp “sân sau của nước Mỹ”. Không chỉ vậy, vận động này có vẻ cũng không trùng khớp với quỹ đạo chung “xoay trục về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific)” đang được nhắc tới khắp nơi.

Đương nhiên, Mỹ và EU vẫn luôn là những đồng minh khăng khít, cùng nhau chia sẻ rất nhiều giá trị cũng như quan điểm và lập trường cốt lõi, trong trật tự thế giới hiện tại mà phương Tây nói chung nắm quyền chủ đạo.

Tuy vậy, qua những biến động của thời cuộc, điểm bất di bất dịch vẫn luôn là lợi ích cốt lõi riêng của từng chủ thể tham gia quan hệ quốc tế. Lật lại quá khứ gần và nhìn nhận một cách thẳng thắn, kể từ khi mối quan hệ giữa Mỹ với Nga bắt đầu xấu đi vào nửa đầu thập kỷ trước, có những quãng thời gian dài các nền kinh tế châu Âu đã “mắc kẹt giữa hai làn đạn”, khi bị cuốn vào những hình thức cấm vận, trừng phạt và trả đũa của Washington với Moscow. Gần như song song, những hệ lụy dai dẳng của “thương chiến Mỹ - Trung” cũng từng làm EU điêu đứng.

Đến đầu thập niên 2020 này, cùng lúc, đại dịch COVID-19 toàn cầu, tiến trình biến đổi khí hậu và trực tiếp là chiến dịch quân sự đặc biệt của nước Nga tại Ukraine lại càng khiến những gánh nặng thêm chất chồng. Một thực tế không thể chối cãi, là đến tháng 6/2023 vừa qua, Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới - G7 (bao gồm Đức, Pháp và Italy đến từ EU) đã bị khối BRICS (mà Brazil là một trong 5 thành viên) vượt qua, trong tỷ lệ đóng góp vào tổng GDP toàn cầu (30,7 % so với 31,5%).

Hội nghị này là một trong các cơ hội thoát khỏi những khó khăn đang bủa vây EU.

Hội nghị này là một trong các cơ hội thoát khỏi những khó khăn đang bủa vây EU.

Rõ ràng, việc tìm kiếm những cánh cửa thoát hiểm khỏi vũng lầy khó khăn trở thành một nhiệm vụ bắt buộc, cho dù EU sẽ phải cố gắng vươn khỏi những không gian đa diện truyền thống.

Chương trình đầu tư Cổng toàn cầu (Global Gateway) - mà những nỗ lực kết nối, hợp tác với Mỹ Latin, Caribe hay châu Phi, bao gồm cả Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC lần này - có thể xem là sự cụ thể hóa chiến lược thoát hiểm ấy.

Sau khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đại diện cho phần còn lại của thế giới tuyên bố: “Đã đến lúc phương Tây không thể tiếp tục cho rằng mọi vấn đề của họ chính là vấn đề của thế giới, còn các vấn đề của thế giới thì không liên quan đến phương Tây”, nhất là sau những sự tê liệt do phụ thuộc vào năng lượng của Nga hay khả năng sản xuất quy mô lớn của Trung Quốc, EU bắt buộc phải mở rộng cả nguồn cung, thị trường, lẫn những mối quan hệ hữu hảo.

Ở Brussels, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Banco Santander đã ký khoản vay trị giá 300 triệu euro, để hỗ trợ thành lập một loạt nhà máy quang điện quy mô nhỏ tại Brazil. Tương tự, EIB cũng công bố khoản vay 200 triệu euro cho Banco del Estado de Chile để tài trợ cho những ngôi nhà mới với tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng tốt hơn và khoản vay 100 triệu euro để hỗ trợ ngành công nghiệp hydro tái tạo đang phát triển của Chile. Những thí dụ ấy, tương tự cách EU đã và đang thiết lập những nguồn cung năng lượng mới ở châu Phi, cho thấy rằng châu Âu đã học được những bài học đắt giá từ thực tế.

3. Còn quá sớm để nói về việc EU - với sự lãnh đạo của nước Pháp và nước Đức - trở nên hoàn toàn độc lập với trục đồng minh khăng khít Mỹ - Anh. Tuy vậy, việc bảo đảm, duy trì và khuếch trương vị thế của mình, như một trong những trung tâm quyền lực địa chính trị toàn cầu, nhằm bảo vệ những lợi ích riêng cốt lõi thì vẫn luôn là điều các nhà lãnh đạo EU hướng đến, điển hình là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Kể từ khi tiếp nhiệm lần đầu cho đến hiện tại, ông chủ Điện Elysee đã luôn đề cập đến khái niệm “tự chủ chiến lược”, không chỉ về mặt quân sự, bất cứ lúc nào thích hợp.

Để từng bước xây dựng khả năng tự chủ đó, còn quan trọng hơn năng lực răn đe quốc phòng, đương nhiên là tiềm lực kinh tế cũng như vị thế và tầm ảnh hưởng đối ngoại. Tiềm lực và vị thế này cần những đối tác thích hợp, những “người bạn cũ” cũng đang vươn lên, sẵn sàng khẳng định tầm vóc của mình trong tình hình mới.

Ở khu vực Mỹ Latin, châu Âu có thể tìm thấy những đối tác như thế, đơn cử như Brazil. Và, đi kèm những cái bắt tay, sẽ luôn là “chuyện làm ăn”. Nấc thang tiếp theo, không còn nghi ngờ gì nữa, sẽ là mục tiêu hoàn tất thỏa thuận thương mại giữa EU với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), vốn đã bị đình trệ từ năm 2019.

Tại khu vực này, những đường đua có lẽ vẫn đang rộng mở và “nhẹ nhàng” hơn nhiều so với sự tấp nập nhưng cũng đầy cạm bẫy của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương...

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/khoi-dau-moi-giua-nhung-nguoi-ban-cu-i701560/