Khởi đầu Thập kỷ khoa học đại dương
Sáng 23/3, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 - cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi động Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2030
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, từ năm 1950, ngày 23/3 hằng năm đã được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công nhận là Ngày Khí tượng thế giới. Sự kiện này nhằm tôn vinh những đóng góp to lớn của ngành khí tượng thủy văn thế giới nói chung và của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nói riêng trong công cuộc phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn cho của nhân dân không chỉ tại Việt Nam mà còn của nhân dân các nước trong khu vực.
“Mỗi số liệu quan trắc, mỗi thông tin dự báo, cảnh báo của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam bất kể ngày và đêm đã và đang từng bước góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời đóng góp quan trọng, thiết thực nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ hiệu quả thông tin giữa các quốc gia. Đây cũng là sự kiện có nhiều ý nghĩa trong việc kêu gọi và kết nối từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia trong việc tham gia công tác khí tượng thủy văn”, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Chủ đề của Ngày Khí tượng thế giới năm 2021 là “Đại dương, Thời tiết và Khí hậu của chúng ta”, qua đó, nhấn mạnh thông điệp trọng tâm của WMO về việc kết nối đại dương, khí hậu và thời tiết trong hệ thống Trái đất. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự khởi động Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc giai đoạn 2021-2030, thập kỷ khuyến khích nỗ lực thu thập khoa học đại dương thông qua các ý tưởng sáng tạo và chuyển đổi, làm cơ sở thông tin để hỗ trợ phát triển bền vững.
Nhân Kỷ niệm Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3) và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao cho Tổng cục Khí tượng Thủy văn và các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai lồng ghép các hoạt động hưởng ứng. Theo đó, ngày 23/3, diễn ra Lễ Phát động hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới và Tọa đàm “Giám sát đại dương – Dự báo cảnh báo thiên tai phục vụ sinh kế biển”.
Để hưởng ứng sự kiện Ngày Khí tượng Thế giới năm 2021, hòa chung với ý tưởng kết nối từng cá nhân, cộng đồng, xã hội tham gia công tác khí tượng thủy văn của WMO, thay mặt lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Lê Công Thành kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành khí tượng thủy văn Việt Nam nói riêng, cán bộ toàn ngành tài nguyên và môi trường nói chung tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và cố gắng tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, tính cần cù, vượt qua mọi khó khăn để tiếp tục gách vác trọng tránh to lớn của ngành.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với ngành khí tượng thủy văn để hỗ trợ hiệu quả trong công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, góp phần vào sự phát triển và sinh kế bền vững của mỗi người dân.
Khởi đầu Thập kỷ khoa học đại dương
Báo cáo khí hậu toàn cầu thường niên mới đây của WMO đã chỉ ra, năm 2020 là một trong 3 năm nóng nhất lịch sử, mặc dù La Nina đang hoạt động khiến khu vực Thái Bình Dương trở nên mát mẻ hơn. Thập kỷ 2011-2020 cũng được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất trong lịch sử. Biến đổi khí hậu đang làm cho đại dương ấm lên, ảnh hưởng đến thời tiết của toàn thế giới. Nhiệt độ đại dương đang ở mức kỷ lục, quá trình đại dương bị acid hóa đang tiếp diễn. Băng trên biển vẫn đang tan. Tốc độ gia tăng mực nước biển ngày càng mạnh.
Theo GS. Petteri Taalas - Tổng Thư ký WMO, trong năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những đợt hạn hán dài, khiến cho mùa khô nóng và các đợt cháy rừng bị kéo dài ở nhiều nơi trên toàn thế giới. Một ví dụ điển hình là đợt cháy rừng nghiêm trọng ở Autralia có liên quan đến nhiệt độ đại dương do bị ảnh hưởng bởi hình thái khí hậu mùa khô nóng hơn.
Nhiệt độ đại dương ấm lên đã thúc đẩy một mùa bão kỷ lục ở Đại Tây Dương và các cơn lốc xoáy nhiệt đới dữ dội bất thường ở Ấn Độ Dương và Nam Thái Bình Dương. Thiệt hại từ ảnh hưởng của nước dâng do bão ở những khu vực này đã chứng tỏ sức mạnh của đại dương và tác động tàn phá của nó đối với các cộng đồng dân cư ven biển.
Các cơn bão ngoại nhiệt đới trên biển tiếp tục gây ảnh hưởng đến vận tải hàng hải quốc tế, gây thêm thiệt hại về tính mạng và tài sản trên biển. Thể tích băng tối thiểu trên khu vực Bắc Cực năm 2020 được ghi nhận nằm trong các năm có mức thấp nhất. Các cộng đồng ở vùng cực đã phải hứng chịu lũ lụt bất thường ở ven biển cũng như các hiểm họa trên biển do băng tan.
Theo đó, cộng đồng WMO có vai trò chính trong việc hỗ trợ nghiên cứu, quan trắc, dự báo và cung cấp dịch vụ thông tin về đại dương, cũng như khí quyển, địa quyển và băng quyển.
Sự thiếu hụt lớn trong cơ sở dữ liệu quan trắc trên đại dương đang cản trở khả năng dự báo chính xác thời tiết và xa hơn nữa, là các biến động thời tiết và khí hậu ở quy mô mùa và nội mùa.
Tổng Thư ký Taalas cho hay, Hội nghị Dữ liệu của WMO vào tháng 11/2020 đã ghi nhận những khoảng trống lớn trong cơ sở dữ liệu, đặc biệt ở các khu vực đại dương. Điều này một lần nữa khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng hệ thống dữ liệu về Trái đất ở dạng mở, có thể truy cập tự do, để khai thác những dữ liệu này một cách hiệu quả nhất.
WMO có rất nhiều đối tác hợp tác, bao gồm cả với Ủy ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO, nhằm hiểu, quan trắc và dự báo đại dương một cách tốt hơn.
Với hơn 40% dân số toàn cầu sống cách bờ biển chỉ 100 km, chúng ta có thể thấy rõ nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ an toàn cộng đồng dân cư trước tác động của các thiên tai ven biển. WMO và các thành viên đã và đang thực hiện nhiệm vụ của mình, nhằm hỗ trợ cho công tác quản lý, tăng cường khả năng phục hồi vùng ven biển và củng cố các Hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai MHEWS.
Gần 90% hoạt động thương mại trên thế giới được thực hiện qua vận tải hàng hải quốc tế và phải đối mặt với những điều kiện thời tiết hàng hải khắc nghiệt. WMO hợp tác với Tổ chức Hàng hải Quốc tế và Tổ chức Thủy văn Quốc tế để cung cấp thông tin, dự báo và cảnh báo đã được chuẩn hóa, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản trên biển.
GS. Taalas nhấn mạnh, năm 2021 là một năm rất quan trọng đối với WMO để đánh dấu sự khởi đầu của Thập kỷ khoa học đại dương vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (giai đoạn 2021-2030). WMO cam kết sẽ tập trung phần lớn các hoạt động của mình để hướng tới các mục tiêu của Thập kỷ, vì một “đại dương an toàn”, “đại dương thấu hiểu” và “đại dương tường minh”.