Khơi dậy cảm hứng đọc sách cho trẻ

Tìm những cuốn sách theo chủ đề ưa thích của con, đọc vào một khung giờ cố định, cả gia đình đọc sách cùng nhau để tạo sự tương tác là bí quyết giúp trẻ có thêm cảm hứng khi đọc.

“Em không thích đọc vì trong sách có nhiều chữ”, “Đọc sách dễ gây buồn ngủ” là hai trong số nhiều ý kiến của học sinh, sinh viên được nêu ra trong tọa đàm khuyến đọc với chủ đề “Sách và khát vọng cống hiến” diễn ra tại Phố Sách 19/12 (Hà Nội) hôm 1/4.

Thực trạng không thích đọc sách ở lứa tuổi thanh, thiếu niên cũng là một trong những vấn đề hàng đầu được các bậc phụ huynh và người làm công tác xuất bản, khuyến đọc trăn trở hiện nay.

Trên hành trình xây dựng văn hóa đọc trong gia đình, một số lời khuyên được đưa ra, nhằm khơi gợi hoặc tìm lại cảm hứng đọc sách cho trẻ.

 Trẻ sợ đọc sách là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh minh họa: PBS Kids.

Trẻ sợ đọc sách là trăn trở của nhiều bậc phụ huynh. Ảnh minh họa: PBS Kids.

Đọc sách cho con theo sở thích

Chia sẻ với Zing, bà Phan Hồ Điệp - chuyên gia giáo dục sớm tại Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng những thành quả mà con bà (Đỗ Nhật Nam) có được đến thời điểm hiện tại là nhờ sự đóng góp to lớn từ việc đọc sách.

Bà Điệp khẳng định sách là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu đối với quá trình trưởng thành của trẻ. Trước đây, người mẹ này đọc sách theo kiểu ngẫu hứng. Nhưng kể từ khi làm mẹ, hành động đó trở nên có chủ đích hơn, giúp con hiểu được sách là công cụ không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

“Tôi luôn nói với con rằng bất kỳ khó khăn nào trong cuộc đời, ta cũng có thể tìm được lời giải trong một cuốn sách nào đó. Lời khuyên đó cứ thế theo con lớn dần. Và đến bây giờ, con đã coi đọc sách là hoạt động không thể thiếu mỗi ngày”, giảng viên Phan Hồ Điệp chia sẻ.

Chuyên gia giáo dục sớm tại Đại học Sư phạm Hà Nội này cũng cho biết trong quá trình thực hiện thai giáo, bà giữ có thói quen đọc sách cho con từ 30 phút đến một tiếng mỗi ngày. Hoạt động đó tiếp tục được duy trì ngay cả khi con đã biết đọc.

Bà mẹ cũng tâm sự rằng trong nhiều lần đọc sách cho con nghe, có những lúc bé không chịu hợp tác và có phản ứng trái chiều. Khi đó, người mẹ không nên nản, mà phải kiên trì đọc to thành tiếng.

“Hoặc nếu thấy con thực sự không hứng thú với cuốn sách đó, ngày hôm sau, tôi sẽ đổi sang đọc cuốn khác, nương theo yêu cầu của con. Ví dụ, khi tôi phát hiện con rất thích chơi với các phương tiện, tôi dụ con đọc sách bằng cách mua những cuốn về chủ đề đó. Kết quả là con đã ngay lập tức hứng thú ngồi nghe mẹ đọc”, bà Điệp gợi ý.

Đại diện Công ty Crabit Kidbooks - đơn vị chuyên làm sách cho thiếu nhi - cho rằng một trong những phương pháp “điều trị” chứng chán đọc ở trẻ là chọn cho các em những cuốn sách hài hước, khơi dậy trí tò mò.

Theo một báo cáo về chủ đề đọc sách trong gia đình của Scholastic (công ty xuất bản sách giáo dục toàn cầu ở Mỹ), hơn 70% trẻ trong độ tuổi 6-17 nói các em luôn mong muốn tìm kiếm những cuốn sách khiến mình bật cười thỏa thích khi đọc.

“Điều này có nghĩa là khi đọc những cuốn sách có nội dung, lời lẽ dí dỏm, hài hước, cả trẻ em lẫn phụ huynh sẽ đều cảm thấy vui vẻ và tận hưởng niềm vui nhiều hơn từ sách”, đại diện Crabit Kidbooks nói.

 Đọc sách cùng con là hoạt động mang tính kết nối trong gia đình. Ảnh: Hoa Phượng.

Đọc sách cùng con là hoạt động mang tính kết nối trong gia đình. Ảnh: Hoa Phượng.

Hoạt động mang tính kết nối

Trong một lần trả lời Zing, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - chia sẻ một trong những bí quyết để bà gieo tình yêu đọc sách cho con là “bày sách ở khắp nơi và kê giá sách ở khắp các phòng trong nhà”, với mục đích “để con chạm vào đâu cũng thấy sách”.

“Trong nhà tôi, bố mẹ đọc cuốn nào hay sẽ chia sẻ với con hoặc gợi ý cho con chọn sách theo độ tuổi. Việc để trẻ tự tìm các cuốn sách mà con yêu thích cũng là cách giúp các con cảm thấy được bố mẹ tôn trọng”, bà Phượng nói.

Cũng là bà mẹ tin vào khái niệm thai giáo, người đứng đầu Nhà xuất bản Phụ nữ cho rằng đọc sách cùng con từ khi còn nhỏ sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn. Đó vừa là hoạt động giúp xây dựng tình cảm gia đình, tạo nên kết nối giữa các thành viên; vừa cho trẻ làm quen ngôn ngữ từ sớm.

Trong quá trình đọc sách cùng con, chuyên gia giáo dục sớm Phan Hồ Điệp rút ra 2 bài học cơ bản. Thứ nhất, các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn đọc theo lịch trình đã được vạch sẵn, không bỏ dở giữa chừng. Hành động đọc phải được lặp đi lặp lại vào một khung giờ cố định.

Thứ hai, mỗi khi đọc, cha mẹ nên quan sát phản ứng của con trước các cuốn sách để từ đó thay đổi phương pháp đọc linh hoạt, khiến con hợp tác hơn trong mỗi giờ đọc.

Trong khi đó, bà Điệp chia sẻ: “Tôi luôn cố gắng chọn và điều chỉnh giọng đọc để con cảm thấy dễ chịu nhất. Bên cạnh đó, cha mẹ nên lồng ghép những câu hỏi cảm nhận hoặc suy đoán của con về diễn biến câu chuyện trong sách. Điều đó giúp con ghi nhớ nội dung một cách có chủ đích hơn”.

Theo người mẹ này, những câu hỏi trong và sau khi đọc sẽ tạo nên sự tương tác hai chiều, khiến trẻ hứng thú, nâng cao khả năng tập trung lắng nghe và quan sát.

“Tôi có lời khuyên dành cho các bà mẹ là hãy đọc sách cùng con kể cả khi con đã biết tự đọc. Bởi đây là hoạt động mang tính kết nối giữa mẹ và con. Trẻ cần có được suy nghĩ rằng giờ đọc sách không phải là một nhiệm vụ hay yêu cầu trả bài, mà là khoảnh khắc các thành viên trong gia đình cùng nhau thư giãn”, giảng viên Phan Hồ Điệp nói thêm.

Thu Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khoi-day-cam-hung-doc-sach-cho-tre-post1306965.html