Khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực, tự cường

Sự phát triển của văn học - nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại

Ngày 10-7 tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".

Hệ sinh thái sáng tạo rộng mở

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương - cho rằng với những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được trong 40 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đến thời điểm Đại hội XIV của Đảng được tổ chức vào đầu năm 2026, Việt Nam đã hội đủ các điều kiện cần thiết để bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” ngày 10-7 tại Hà Nội

Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” ngày 10-7 tại Hà Nội

Cùng với những đổi mới và chuyển động quyết liệt, mạnh mẽ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại..., sự phát triển của văn học - nghệ thuật có vai trò to lớn trong việc khơi dậy cảm hứng và ý chí tự lực, tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặc biệt là phát huy sức mạnh văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam khi bước vào kỷ nguyên mới, đưa đất nước đi tới hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc, tất cả vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

Trong bối cảnh đó, hội thảo "Định hướng phát triển văn học - nghệ thuật trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" được coi là diễn đàn học thuật dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm, hữu ích của các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa - văn nghệ nhằm trao đổi, hiến kế, đưa ra những định hướng đúng đắn, khoa học, giàu tính lý luận và thực tiễn, giàu tinh thần khai phóng. Từ đó, góp phần tháo gỡ những "điểm nghẽn" về nhận thức, tư duy, cơ chế, chính sách, mở ra hệ sinh thái sáng tạo sâu rộng.

TS Ngô Phương Lan - Phó Trưởng Tiểu ban Lý luận - Phê bình văn học - nghệ thuật, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam - nhận định điện ảnh Việt Nam đang đứng trước thời cơ lớn để trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa quốc gia, quảng bá hình ảnh đất nước, con người và bản sắc dân tộc ra thế giới.

Theo PGS-TS - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, cần xác định sứ mệnh cao cả của văn nghệ sĩ và phát huy vai trò cá nhân sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông cho rằng cần không ngừng nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tính độc đáo, tính dân tộc và tính hiện đại của văn học - nghệ thuật Việt Nam trong hội nhập quốc tế với bản sắc riêng của dân tộc. Bên cạnh đó, cần có các chính sách văn hóa phù hợp để kích cầu phát triển văn học - nghệ thuật trong giai đoạn mới.

Đồng hành với sự nghiệp cách mạng

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp - Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Văn học - nhìn nhận sau 4 thập kỷ đổi mới đất nước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn để vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh mềm văn hóa, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn học - nghệ thuật có sứ mệnh đồng hành với sự nghiệp cách mạng của nhân dân, miêu tả sâu sắc thực tiễn đương đại, góp phần xác lập vị thế văn hóa và bản sắc dân tộc trong thời đại mới.

PGS-TS Nguyễn Đăng Điệp cũng chỉ ra những thách thức với nền văn học - nghệ thuật Việt Nam như việc chưa nhận thức thật sâu sắc, đầy đủ vai trò của văn học - nghệ thuật trong kiến tạo văn hóa và động lực phát triển kinh tế - xã hội; xu hướng thương mại hóa nghệ thuật, quá đề cao chức năng giải trí, xem nhẹ chức năng giáo dục văn hóa, tư tưởng, chạy theo thị hiếu tầm thường...

Ông Bùi Thanh Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, cho rằng để văn học - nghệ thuật có nhiều tác phẩm đỉnh cao, xứng tầm thời đại và lay động lòng người, phản ánh được hơi thở của cuộc sống trong kỷ nguyên mới, cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về văn học - nghệ thuật.

"Cần coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ cả về số lượng lẫn chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gắn bó máu thịt với vận mệnh của dân tộc, sẵn sàng dấn thân, lăn lộn với thực tiễn cuộc sống và hơn hết là khát vọng cống hiến, sự say mê với nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển công nghiệp văn hóa, ưu tiên phát triển các ngành văn học - nghệ thuật có tiềm năng thương mại, sức lan tỏa và phù hợp với trình độ công nghệ - thị trường…" - ông Bùi Thanh Tâm nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, việc nhận diện rõ đâu là cơ hội, đâu là thách thức sẽ giúp chúng ta có cơ sở khoa học vững chắc để xây dựng chiến lược phát triển văn học - nghệ thuật đúng đắn, tạo điều kiện sản sinh nhiều tác phẩm ưu tú, đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức văn học - nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân; đồng thời nâng tầm vị thế văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài và ảnh: YẾN ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/khoi-day-cam-hung-va-y-chi-tu-luc-tu-cuong-196250710205339801.htm