Dự án mở rộng cao tốc Bắc - Nam 'hút' nhà đầu tư
Doanh nghiệp Xuân Trường vừa kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư mở rộng 415km cao tốc Bắc Nam theo phương thức PPP, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 59.600 tỷ đồng. Đây không phải doanh nghiệp đầu tiên xin tham gia dự án này.
Điều đáng chú ý, doanh nghiệp đầu tư mở rộng cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP) sẽ giảm áp lực lên ngân sách nhà nước, song có thể gia tăng tổng mức đầu tư.
Đề xuất không sử dụng vốn Nhà nước
Hiện nay, Nhà nước đã đầu tư xây dựng khoảng 1.375km cao tốc Bắc-Nam với quy mô từ 2 đến 4 làn xe. Trong đó, 654km thuộc giai đoạn 1 (2017-2020) đã đưa vào khai thác và 721km thuộc giai đoạn 2 (2021-2025) đang triển khai, dự kiến hoàn thành vào năm 2025-2026. Do nguồn vốn đầu tư công còn hạn chế, nhiều đoạn tuyến trong giai đoạn đầu chỉ phân kỳ từ 2 đến 4 làn xe, không đáp ứng nhu cầu lưu thông, tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc và mất an toàn giao thông. Trước thực trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông lên 6 làn xe, phấn đấu khởi công một số dự án thành phần trong tháng 12/2025.

Những tuyến đường cao tốc tạo thuận lợi cho người dân khi lưu thông.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất hai phương án đầu tư mở rộng 15 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam. Phương án 1, các tuyến cao tốc Bắc - Nam được gộp thành một dự án để đầu tư với tổng chiều dài 966km và tổng mức đầu tư khoảng hơn 128.290 tỷ đồng. Với phương án 2, Bộ Xây dựng đề xuất gộp thành hai dự án. Trong đó, dự án 1 bao gồm 8 dự án thành phần từ Mai Sơn đến Cam Lộ với chiều dài 415km, tổng đầu tư 54.180 tỷ đồng. Dự án 2 gồm 7 dự án thành phần từ Quảng Ngãi đến Dầu Giây với chiều dài 551km, tổng mức đầu tư 74.110 tỷ đồng.
Hiện đã có 6 nhà đầu tư trong nước đề xuất tham gia đầu tư mở rộng cao tốc Bắc Nam từ 2-4 làn lên 6 làn xe theo phương thức PPP, gồm: Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Giao thông Phương Thành, VIDIFI, VEC, Công ty cổ phần Rạng Đông. Và mới đây nhất là doanh nghiệp Xuân Trường. Cụ thể, đơn vị này đề xuất triển khai dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, kết hợp vốn chủ sở hữu và vay thương mại, không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp cam kết bố trí tài chính, nhân sự, thiết bị để triển khai đúng tiến độ, tuân thủ đầy đủ quy định về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông.
Năng lực tài chính của doanh nghiệp trong nước vẫn là rào cản
Trong bối cảnh ngân sách còn hạn chế và giai đoạn sau năm 2025 cần dồn lực cho các dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị và phát triển hạ tầng ở vùng sâu, nhiều chuyên gia cho rằng, việc huy động vốn tư nhân để đầu tư hạ tầng giao thông là giải pháp hợp lý và bền vững. Không chỉ giảm chi phí đầu tư ban đầu, PPP còn giúp ngân sách nhà nước không phải chi trả cho công tác vận hành, bảo trì đường. Theo ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Đường bộ Việt Nam, khi áp dụng đầu tư PPP, nhà nước sẽ giao cho nhà đầu tư vận hành, bảo trì dự án theo hợp đồng từ 10 đến 20 năm và thu phí hoàn vốn đầu tư. Doanh nghiệp do đó có động lực xây dựng công trình chất lượng tốt để giảm chi phí sửa chữa về sau…
Bên cạnh những lợi thế, đầu tư PPP cũng có hạn chế. Đó là tổng mức đầu tư dự án có thể tăng so với đầu tư công do cộng thêm chi phí vay vốn và lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo phân tích của một số chuyên gia cho thấy, với mức lãi vay khoảng 8-9% và lợi nhuận của nhà đầu tư khoảng 11% vốn chủ sở hữu, tổng mức đầu tư dự án PPP thường tăng khoảng 10% so với dự án đầu tư công có cùng quy mô. Để bù đắp, dự án có thể phải kéo dài thời gian thu phí và sẽ tác động trực tiếp tới người sử dụng cao tốc. Ngoài ra, năng lực tài chính của doanh nghiệp trong nước vẫn là rào cản. Phần lớn nhà đầu tư hiện nay có vốn chủ sở hữu dưới 10.000 tỷ đồng, trong khi quy định yêu cầu vốn chủ sở hữu ít nhất 15% tổng mức đầu tư. Với những dự án có quy mô lớn, bài toán vốn vẫn là thách thức lớn đối với khu vực tư nhân.
Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư các công trình giao thông cho rằng, tư nhân có nhiều lợi thế trong đổi mới công nghệ, tối ưu hóa tổ chức thi công và ứng dụng thiết bị hiện đại nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư. Các doanh nghiệp đề xuất hiện nay đều đã chứng minh năng lực qua các dự án thực tế. Để khắc phục những lo lắng nói trên, Chủ tịch Hiệp hội Nhà đầu tư các công trình giao thông, đề xuất chia nhỏ tuyến cao tốc Bắc Nam thành các dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi dự án để phù hợp với năng lực tài chính hiện tại của nhà đầu tư trong nước.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-thong/du-an-mo-rong-cao-toc-bac-nam-hut-nha-dau-tu-i774410/