Khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, Nhân dân Thủ đô

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong , Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức; thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm, đảm bảo chăm lo an sinh, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Truyền thống lịch sử hào hùng

Thưa Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, những ngày này, thành phố Hà Nội đang chuẩn bị kỷ niệm trọng thể 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024). Ông có cảm nghĩ gì về Hà Nội trong lịch sử, Hà Nội hôm nay và Hà Nội trong tương lai?

Cách đây 70 năm, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, với ý chí không gì lay chuyển được và tinh thần chiến đấu ngoan cường, thông minh, gan dạ, đầy sáng tạo của quân và dân ta, đặc biệt với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơnevơ ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.

 Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN.

Các chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ đô tiến về tiếp quản Thủ đô, sáng 10/10/1954. Ảnh: TTXVN.

Ngày 6/10/1954, quân Pháp rút khỏi quận lỵ Văn Điển. Trong những ngày tiếp theo, quân đội ta theo nhiều đường, từ ngoại thành tiến vào tiếp quản Hà Nội, chia làm nhiều cánh quân tiến vào năm cửa ô chính rồi tỏa ra các khu. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội gồm có bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử tiến vào Hà Nội. Vào lúc 15 giờ, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội và các lực lượng vũ trang đã chỉnh tề tham dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.

Sau lễ chào cờ, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ trân trọng đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô nhân Ngày Giải phóng. Trong Lời kêu gọi, Bác viết: “Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do Nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!” và căn dặn: “Chính phủ có quyết tâm, toàn thể đồng bào Hà Nội đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt được mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Thực hiện lời dạy của Bác, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô, Đảng bộ và chính quyền và Nhân dân Hà Nội đã khẩn trương khôi phục những cơ sở bị chiến tranh tàn phá, ổn định tình hình, từng bước vượt qua khó khăn, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống nhân dân, xây dựng cơ sở vật chất ban đầu của chủ nghĩa xã hội; góp sức người, sức của đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, kế thừa truyền thống cách mạng anh hùng, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương (T.Ư), Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều chương trình, kế hoạch để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao. Với những cố gắng, nỗ lực trong suốt 70 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô, Hà Nội xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, được bạn bè thế giới ngợi ca và được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hòa bình”; 3 lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, tặng danh hiệu “Thủ đô Anh hùng”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đại biểu T.Ư chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các đại biểu T.Ư chụp ảnh lưu niệm cùng Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 20/12/2023 về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô và một số ngày lễ, kỷ niệm quan trọng trong năm 2024. UBND thành phố cũng đã có Đề án, Kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm. Các hoạt động kỷ niệm này có ý nghĩa sâu sắc, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, của quân và dân Hà Nội, khẳng định vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Đây cũng là dịp khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược

Thành phố Hà Nội đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVIII. Đến nay, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVII ra sao, thưa ông?

Từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Đảng bộ thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, cá biệt có những việc chưa có tiền lệ (như: ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; tình hình biến động về chính trị, kinh tế thế giới; biến động về công tác cán bộ của thành phố…).

Song, bám sát sự chỉ đạo của T.Ư, đặc biệt là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất sâu sát, thường xuyên, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, với tinh thần năng động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức; đoàn kết, quyết liệt,“Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển”, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo các cấp ủy và các cơ quan trong hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở quyết liệt thực hiện đồng bộ, có hiệu quả 10 chương trình công tác, 5 định hướng lớn, 3 khâu đột phá, 20 chỉ tiêu và 14 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của thành phố nhiệm kỳ 2020-2025, cụ thể hóa và đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố từng bước đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm, làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Nhật Minh.

Thành ủy thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và đột xuất, đạt kết quả quan trọng, toàn diện, nổi bật trên nhiều lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của khu vực Đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc và cả nước.

Đáng chú ý, Thành ủy đã kịp thời tham mưu, báo cáo với T.Ư, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô, như: Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đây là những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý quan trọng có tính chiến lược, dài hạn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông qua, góp phần tạo ra những định hướng quan trọng, cơ chế, chính sách vượt trội để Hà Nội phát huy lợi thế, phát triển nhanh và bền vững với tầm vóc và vị thế mới.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, khóa XII và Kết luận Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tích cực. Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản mới, về công tác xây dựng Đảng làm cơ sở để cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, góp phần thực hiện tốt mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.

Đến nay, 3 chỉ tiêu lớn về xây dựng Đảng trong Nghị quyết Đại hội XVII đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Công tác kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật Đảng tiếp tục được triển khai theo đúng quy định; công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chống lãng phí được quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo. Hà Nội cũng là địa phương sớm chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay sau kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII.

Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực. Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội được đổi mới, tạo sự đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm trong quá trình tổ chức, triển khai nhiệm vụ, góp phần tạo ra bầu không khí mới, phấn khởi hơn, quyết tâm cao, tin tưởng, đoàn kết hơn; tạo động lực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô và đất nước trong tình hình mới.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: PV.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Ảnh: PV.

Thành ủy tiếp tục coi trọng đổi mới tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo; vừa toàn diện, vừa xác định rõ có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung chỉ đạo trong từng quý, từng năm; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém, không né tránh việc khó và các thách thức, quyết liệt chỉ đạo khắc phục hạn chế đã chỉ ra; chủ động dự báo, đánh giá, phân tích những vấn đề, lĩnh vực còn tiềm ẩn phức tạp, rủi ro và xây dựng kế hoạch khắc phục, không để bị động; xử lý kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả những phức tạp phát sinh từ thực tiễn của Thủ đô. Nghiêm túc chỉ đạo quán triệt đầy đủ, kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đến các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên; đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết đẩy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Hà Nội phải phát triển nhanh, bền vững hơn nữa

Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định rõ vị trí, vai trò của Thủ đô cũng như chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Nhân dân cả nước nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng đều mong muốn Luật sẽ tạo sức bật mới cho Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục... của cả nước. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực hiện các nội dung này?

Thành ủy Hà Nội xác định, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020 - 2025 là thời gian để thành phố tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Bên cạnh những thời cơ và thuận lợi, thời gian tới được dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức, để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố; Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục bám sát các quy định của T.Ư; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, thống nhất, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm.

Hà Nội xác định phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Như Ý.

Hà Nội xác định phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Ảnh: Như Ý.

Thành ủy Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp tăng cường phân cấp, ủy quyền đi đôi với kiểm tra, giám sát, xây dựng các cơ chế chính sách để tháo gỡ, thúc đẩy triển khai các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai và khơi thông nguồn lực theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của thành phố Hà Nội ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đặc biệt, Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 258-KH/TU ngày 15/7/2024 của Thành ủy.

Với những điểm mới về cơ chế phân cấp, phân quyền, chính sách đặc thù, vượt trội trong Luật Thủ đô năm 2024, chúng tôi kỳ vọng, Luật sẽ góp phần thúc đẩy phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển. Đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai thi hành Luật Thủ đô năm 2024 và 2 Quy hoạch lớn, thành phố Hà Nội cùng với các bộ, ban, ngành T.Ư xây dựng dự thảo để trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định, làm cơ sở để triển khai.

Mới đây, tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, thành phố đã nêu nhiều kiến nghị, đề xuất. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, những nội dung này đều xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn quá trình vận động, phát triển, từ mong muốn tìm tòi, đổi mới sáng tạo, khát vọng vươn lên của cả Đảng bộ Thủ đô. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị các ban, bộ, ngành T.Ư liên quan, theo chức năng, thẩm quyền, sớm nghiên cứu, xem xét và làm việc trực tiếp với thành phố để giải quyết cụ thể những đề xuất, kiến nghị, trên tinh thần tạo điều kiện tốt nhất có thể để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững hơn nữa; trong đó, cần nghiên cứu xây dựng quy chế làm việc đặc thù đối với Đảng bộ Thủ đô cũng như có các cơ chế, chính sách vượt trội để sớm cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024.

Cầu Nhật Tân bừng sáng trong đêm. Ảnh: Như Ý.

Cầu Nhật Tân bừng sáng trong đêm. Ảnh: Như Ý.

Trước những định hướng, chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, tập thể Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, bản lĩnh, sáng tạo, gương mẫu của Đảng bộ đã được xây dựng, phát triển và giữ vững trong suốt 94 năm qua, tiếp tục lãnh đạo Thủ đô phát triển nhanh và bền vững. Thành ủy Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố, góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra; đảm bảo chăm lo an sinh, tiến bộ xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Thành phố rất mong muốn có sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện từ các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư để thành phố để tập trung đầu tư xây dựng hoàn thành và khép kín các tuyến đường vành đai; hoàn thành đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào năm 2027, khởi công đường Vành đai 5 trước năm 2030, tạo hành lang phát triển vùng phía Tây Thủ đô và liên kết phát triển giữa Thủ đô Hà Nội với các tỉnh, thành trong vùng Thủ đô và miền Bắc. Thành phố cũng tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục, đầu tư xây dựng và phấn đấu hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị theo định hướng các Quy hoạch của Thủ đô và theo đúng tinh thần của Kết luận số 49-KL/TW, ngày 28/02/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Nhân - Trường Phong (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khoi-day-khat-vong-cong-hien-cua-can-bo-dang-vien-nhan-dan-thu-do-post1668760.tpo