Tăng tiềm lực, thu nhập cho các cơ quan báo chí
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng luật phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí; khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn
Ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2024.
Thúc đẩy sự phát triển của báo chí
Tại phiên họp, Chính phủ đã nghe trình bày tờ trình tóm tắt các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định về các dự án luật, đề nghị xây dựng luật; đồng thời xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 5 đề nghị, dự án luật, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thảo luận về đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật; đồng thời thảo luận các nội dung nhằm xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, nhất là việc hình thành và cơ chế, chính sách cho các tổ hợp báo chí…
Đáng chú ý, đối với đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng luật phải thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí; khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn và xu hướng chuyển đổi số báo chí, song không làm mất đi vai trò của báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội; giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng...
Yêu cầu một số nội dung cụ thể trong xây dựng các chính sách để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí; điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng…, Thủ tướng yêu cầu Luật Báo chí (sửa đổi) cần quy định rõ xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc; cơ chế, chính sách để cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh được Đảng, Nhà nước giao; tăng tiềm lực, thu nhập cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí…
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nội dung luật phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; xóa bỏ cơ chế xin - cho, tránh tạo môi trường cho tiêu cực; đơn giản hóa, cắt giảm trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian triển khai, sớm hoàn thành, đưa dự án vào khai thác…
Về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục rà soát, bảo đảm đồng bộ thống nhất với các luật có liên quan. Trong đó, sửa đổi một số nội dung Luật Chứng khoán để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thị trường giao dịch thuận lợi, cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả hơn. Về đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật; bảo đảm nguồn lực, đổi mới cơ chế phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí xây dựng và thi hành pháp luật…
Về các nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết tại kỳ họp thứ 8 tới của Quốc hội (tháng 10-2024), Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật; trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật; yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội theo kế hoạch và quy định, theo chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó. "Việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng, bám sát và lấy thực tiễn làm thước đo; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không cầu toàn, không nóng vội; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân, doanh nghiệp và phát huy sự đóng góp của các chủ thể này vào quá trình xây dựng pháp luật" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng lưu ý luật không quy định dài dòng, cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để; huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả; thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin - cho, giảm các khâu trung gian; cùng với đó, kiểm soát quyền lực, không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.
Trước khi vào phiên họp, trước tình trạng mưa bão, sạt lở, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Chính phủ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, nhất là những người có thân nhân mất, hy sinh trong bão lũ; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó có rất nhiều nghĩa cử thể hiện sâu sắc "tình dân tộc, nghĩa đồng bào".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/tang-tiem-luc-thu-nhap-cho-cac-co-quan-bao-chi-196240914210220175.htm