Khơi dậy khát vọng vươn lên trên những miền đất khó

Trong mọi hoàn cảnh, cộng đồng Dân tộc thiểu số (DTTS) là bộ phận không thể tách rời quốc gia, dân tộc. Song, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tại Thừa Thiên Huế, sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III (năm 2019), các chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) được đề ra đã trực tiếp quan tâm đến đồng bào DTTS. Vậy, sự chuyển biến đó đến nay như thế nào? Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trao đổi với Trưởng ban Dân tộc tỉnh, ông Hồ Xuân Trăng.

 Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế

Ông Hồ Xuân Trăng, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế

Thưa ông, vai trò của đồng bào các DTTS luôn được Đảng, Nhà nước ta xác định là rất quan trọng. Ông có thể giúp độc giả hình dung về những đóng góp của vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh?

Vùng đồng bào DTTS là nơi có nhiều tiềm năng về kinh tế, vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, A Lưới là huyện duy nhất trong tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế A Đớt - Tà Vàng (Sê Kông) và cửa khẩu Hồng Vân - Cu Tai (Salavan). Đây là các cửa ngõ phía tây quan trọng, tạo lợi thế mở rộng hợp tác kinh tế, văn hóa với nước bạn Lào và các nước trong khu vực.

Trên địa bàn tỉnh, nơi đồng bào DTTS sinh sống cũng là vùng đất giàu tài nguyên. Bên cạnh những nét tương đồng thì mỗi dân tộc có những điểm khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử cư trú,... điều này được thể hiện rõ trong cấu trúc làng bản, ngành nghề thủ công truyền thống, ẩm thực ăn uống, kiến trúc nhà ở và trong trang phục, trang sức. Trong văn hóa phi vật thể cũng có những điểm khác biệt giữa các dân tộc về văn nghệ dân gian, cách múa hát, cách thức tổ chức ma chay, cưới hỏi, lễ hội... Tất cả đều cho thấy, các DTTS trên địa bàn tỉnh đều mang đặc trưng bản sắc văn hóa dân tộc riêng biệt.

Ở mọi giai đoạn, cộng đồng DTTS có những đóng góp to lớn cho dân tộc. Minh chứng hùng hồn nhất đó là trong các cuộc kháng chiến, người dân đồng bào DTTS ở Thừa Thiên Huế đã lập vô số chiến công, xuất hiện nhiều Anh hùng như Hồ Đức Vai, Hồ A Nun, Hồ Kan Lịch, Hồ Dục, Hồ Đơm, Hồ Cu Tríp…

 Gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sắc của huyện A Lưới

Gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sắc của huyện A Lưới

Sau Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III, các chương trình phát triển kinh tế được áp dụng ra sao để cải thiện đời sống đồng bào DTTS?

Có một điều dễ dàng nhận thấy là đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh đã quyết tâm cao và thực hiện tốt Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ III. Đời sống vật chất lẫn tinh thần được nâng lên đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, thu nhập bình quân đầu người tăng khá qua các năm; chất lượng giáo dục có nhiều tiến bộ. Đồng bào DTTS cũng được tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe tốt hơn, các dịch bệnh nguy hiểm đều được kiểm soát; nhận thức và chấp hành pháp luật của đồng bào DTTS ngày càng nâng cao. Trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ người DTTS chuyển biến rõ nét; an ninh chính trị bảo đảm, ổn định...

Có 3 trong số 4 chỉ tiêu chủ yếu đã đạt được trong công tác dân tộc giai đoạn 2019 - 2024 là điều rất đáng ghi nhận. Đó là tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS bình quân mỗi năm giảm từ 7-9% (vượt mục tiêu đề ra là từ 2-3%/năm); duy trì tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đồng bào DTTS đạt 95%; tỷ lệ huy động học sinh các cấp học đến trường đạt 98%. Riêng thu nhập bình quân đầu người đồng bào DTTS từ 40 – 42 triệu đồng là chỉ tiêu còn lại không đạt và cần nỗ lực hơn…

Chúng ta đang nhắc nhiều đến việc huy động các nguồn lực và thực hiện lồng ghép 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (CTMTQG). Đâu là điểm nhấn từ câu chuyện này tại vùng đồng bào DTTS, thưa ông?

Tôi nghĩ rằng việc A Lưới thoát khỏi huyện nghèo quốc gia là kết quả điển hình nhất của CTMTQG giảm nghèo bền vững. Trên phạm vi toàn tỉnh, cuối năm 2021, vùng đồng bào DTTS có 7.174 hộ nghèo, chiếm 38,22% thì đến cuối năm 2023 còn lại 3.654 hộ nghèo, chiếm 19,36%.

Sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, tạo điều kiện cho việc thúc đẩy phát triển KT-XH ở địa phương. Đến nay, vùng đồng bào DTTS có 6/24 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Liên quan đến CTMTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ năm 2022 - 2024, có 624,314 tỷ đồng được bố trí cho các địa phương thuộc vùng đồng bào DTTS, đầu tư cho 10 dự án, 14 tiểu dự án. Đây là chương trình mới, bao trùm trên nhiều lĩnh vực. Với sự tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự nỗ lực của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của người dân, một số chỉ tiêu, nội dung chủ yếu đã đạt được.

Kiểm tra tiến độ xây dựng Làng văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông

Kiểm tra tiến độ xây dựng Làng văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông

Đến nay, còn điều gì khiến ông trăn trở?

Chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu nhưng chưa thực sự bền vững. Cơ sở hạ tầng một số địa bàn thôn, xã chưa bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh; nhất là hạ tầng về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí ở vùng đồng bào DTTS tỷ lệ đạt chuẩn còn thấp. Trong phát triển kinh tế, thực tiễn cho thấy không có nhiều mô hình hợp tác xã, kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả; phong trào khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới sáng tạo vẫn còn nhiều hạn chế…

Đại hội DTTS lần thứ IV hứa hẹn mở ra nhiều kỳ vọng mới. Ông có thể chia sẻ mục tiêu, định hướng đại hội lần này?

Kỳ đại hội này hướng đến mục tiêu chung là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở về công tác dân tộc; khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh theo hướng phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với mức bình quân chung toàn tỉnh và cả nước. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, văn hóa; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các DTTS đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an ninh biên giới quốc gia; khơi dậy khát vọng, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước, xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương…

Đại hội cũng sẽ rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, cùng với đó là bàn nhiều giải pháp để hướng đến mục tiêu cụ thể đến năm 2029, thu nhập bình quân của người DTTS bằng 1/2 bình quân chung của cả nước; hỗ trợ giải quyết từ 80-100% số hộ khó khăn đang thiếu đất ở, đất sản xuất. Phấn đấu tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước sạch từ 90-100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo 55% và đào tạo có văn bằng chứng chỉ 40%; giải quyết được việc làm từ 75-80% trong số lao động qua đào tạo. Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%, cơ bản không còn xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn. Phấn đấu 80% số hộ nông dân người DTTS làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; 100% xã có cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH và đời sống của người dân; 100% các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể được khôi phục và bảo tồn; điểm du lịch được hỗ trợ đầu tư, khai thác hiệu quả; phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và hộ gia đình xóa bỏ định kiến về giới…

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Bạch Châu - Lê Thọ (thực hiện)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/khoi-day-khat-vong-vuon-len-tren-nhung-mien-dat-kho-145397.html